Ông Quách Thụ Thanh. Ảnh: Chinadaily.com.cn
Người đàn ông 40 nghìn tỷ USD của Trung Quốc và công việc khó khăn nhất trong thế giới tài chính
Từ tuyên bố chưa có tiền tệ
Hai tháng đầu trong nhiệm kỳ của mình với chức vụ Chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng của Trung Quốc, ông Quách Thụ Thanh đã khiến các nhân viên của ông hết sức ngạc nhiên khi cam kết, sẽ từ chức nếu thất bại trong việc loại bỏ những rủi ro trong hệ thống ngân hàng, có quy mô 40 nghìn tỷ USD, của Trung Quốc tích tụ trong gần một thập kỷ qua.
Là người quản lý hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới, quy mô gấp 2 lần so với Mỹ, công việc của ông Quách Thụ Thanh, 63 tuổi, được cho là có công việc khó khăn nhất trong giới tài chính toàn cầu. Công việc này ngày càng khó khăn hơn khi Trung Quốc đang phải đối mặt với nền kinh tế nhiều bất ổn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Cùng với đó, bất ổn ở Hồng Kông cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Các ưu tiên của ông Quách là giữ cho hệ thống tài chính của Trung Quốc ổn định và loại bỏ những cam kết ngầm của nhà nước đối với các sản phẩm quản lý tài sản đến tiền gửi của các ngân hàng, những nhiệm vụ tưởng chừng như mâu thuẫn với nhau. Để tạo ra một hệ thống Ngân hàng bền vững hơn, trong đó rủi ro tài chính và lợi nhuận luôn song hành, ông phải thuyết phục các nhà đầu tư, ngân hàng và chính quyền địa phương rằng Bắc Kinh sẽ không giải cứu khi giá trị tài sản giảm hoặc người đi vay vỡ nợ.
Nhưng việc loại bỏ sự hỗ trợ của chính phủ có thể kích hoạt rủi ro định giá lại (repricing of risk) một cách "nhanh và hỗn loạn", điều có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng mà ông Quách đang cố gắng ngăn chặn, ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh và lãnh đạo ngân hàng Bear Stearns chia sẻ.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng trưởng và có nhiều dấu hiệu bất ổn trong bối cảnh chiến tranh thương mại và nợ toàn cầu gia tăng. Ảnh: Bloomberg |
Không dễ dàng để làm được điều đó trong bối cảnh kinh tế đang tốt đẹp, chứ không nói đến việc kinh tế Trung Quốc đang suy yếu do chiến tranh thương mại và gánh nợ cao kỷ lục. Hơn nữa, ông Quách có thể cần phải hoàn thành điều này vào khoảng năm 2021 do các quan chức cao cấp ở Trung Quốc đều nghỉ hưu ở tuổi 65, mặc dù có những ngoại lệ.
Trong bối cảnh giới phân tích lo ngai việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc, ông Quách dường như đã thànhcông trong các hành động cân bằng của mình. Kể từ khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng của Trung Quốc vào đầu năm 2017, ông đã công bố các quy tắc ngầm bãi bỏ những bảo đảm ngầm đối với các sản phẩm quản lý tài sản trị giá 14 nghìn tỷ USD, cho phép các công ty địa phương vỡ nợ với một tốc độ kỷ lục và lần đầu tiên kể từ năm 1998 chấp nhận để chủ nợ của một ngân hàng, vốn đang gặp khó khăn, phải tự chịu những khoản thua lỗ.
Mặc dù việc thực thi một chiến dịch chưa có tiền lệ như thế, nhằm kiểm soát rủi ro, đã gây ra những biến động tài chính và góp phần làm nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng yếu nhất trong nhiều thập kỷ. Song nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng. GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng 6% trong quý III, thấp hơn so với dự báo nhưng vẫn nằm trong mục tiêu của chính phủ. Tất nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng xuống thấp hơn, ông Quách sẽ có ít dư địa hơn để thực hiện các mực tiêu của mình. Song hiện tại, triển vọng để mở rộng quá trình cải cách là tích cực. Các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách và các học giả đã từng làm việc với ông Thanh nói rằng, cuộc đại tu nền tài chính Trung Quốc của ông Quách còn lâu mới kết thúc.
Ông David Loevinger, giám đốc điều hành các thị trường mới nổi tại TCW Group, đồng thời là cựu điều phối viên cao cấp về các vấn đề Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, việc ổn định tài chính này vẫn còn một chặng đường dài. Trong quá trình làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ trong giai đoạn 2006-2012, ông Loevinger đã có dịp gặp gỡ ông Quách nhiều lần, ông mô tả ông Quách là người kỷ luật và suy nghĩ thấu đáo, và hiểu rất rõ những thách thức của hệ thống tài chính Trung Quốc.
Một nhà cải cách bẩm sinh
Sinh tại khu tự trị Nội mông vào năm 1956, ông Quách biết rằng mình muốn là nhà cải cách từ khi còn rất trẻ. Vào năm 1984, ông đã viết một trong những bài báo đầu tiên của mình, dài 35.000 chữ, với tựa đề “Rà soát quá trình cải cách nền kinh tế Trung Quốc” và gửi nó cho Ủy ban Nhà nước, nội các Trung Quốc, với hy vọng các nhà làm chính sách hàng đầu để mắt tới những khuyến nghị của ông. Ông cũng từng có thời gian làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Oxford 2 năm sau đó.
Trong trách đầu tiên mà ông Quách nắm giữ là tại Ủy ban Kế hoạch nhà nước, tiền thân của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, và dần dần thăng tiến và trở thành một trong những nhà cải cách, ủng hộ tự do hóa thị trường nổi tiếng nhất.
Khi làm người đứng đầu Cơ quan Ngoại hối Nhà nước (SAFE), ông đã tự do hóa dòng chảy vốn xuyên biên giới và giúp đồng Nhân dân tệ biến động linh hoạt hơn.
Những người biết ông Quách nói rằng ông là một người có học vấn cao, đồng thời cũng rất khéo léo trong các mối quan hệ chính trị. Ông nhận được được sự ủng hộ của những nhân vật cao cấp nhất của Trung Quốc, như chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn cao cấp nhất của ông Tập về kinh tế. Hai nhà lãnh đạo này đã hợp nhất Ủy ban điều hành bảo hiểm và ngân hàng và bổ nhiêm ông Quách là chủ tịch của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC).
Tháo ngòi những rủi ro hệ thống của nền tài chính Trung Quốc
Một trong những mục tiêu lớn nhất của ông Quách là hệ thống ngân hàng ngầm rộng lớn của Trung Quốc, một tập hợp các nhà cho vay, quản lý quỹ và các tổ chức tài chính khác đã phình to trong những năm gần đây, nhờ một phần lớn vào niềm tin rộng rãi rằng chính phủ sẽ không cho phép họ phá sản. Các sản phẩm quản lý tài sản có lợi suất cao, lợi nhuận cố định tạo thành xương sống của mạng tài chính này đã thu hút hàng nghìn tỷ USD từ những người tiết kiệm Trung Quốc, hầu hết đều cho rằng họ sẽ được bảo lãnh nếu sản phẩm bị thua lỗ.
Ông Quách đã dần dần xóa bỏ giả định đó bằng cách cho phép các sản phẩm ngân hàng ngầm thất bại, đặc biệt là trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, nơi các tiêu chuẩn đặc biệt lỏng lẻo. Các quy tắc mới điều chỉnh các sản phẩm quản lý tài sản sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2020, sẽ chuyển từ mô hình có tỷ suất hoàn vốn cố định sang một thứ gần giống với các quỹ tương hỗ ở Mỹ, nơi các nhà đầu tư chịu rủi ro với biến động giá cả thị trường và có thể theo dõi giá trị tài sản ròng của quỹ mỗi ngày.
Ông Quách đã cố gắng tháo ngòi các rủi ro hệ thống của nền tài chính Trung Quốc bằng cách để cho thị trường tự thiết lập mức giá phù hợp theo rủi ro, ông Zhu Ning, một giáo sư tại Viện Tài chính nâng cao Thượng Hải, người là cố vấn cho PBOC và nhiều bộ liên quan đến kinh tế, cho biết.
Vào tháng 5, ông đã đưa ra một động thái không có tiền lệ với việc quốc hữu hóa Baoshang Bank, một ngân hàng đang gặp khó khăn ở Nội Mông, và để cho một số chủ nợ của ngân hàng này gánh chịu một số khoản lỗ. Động thái này đã tạo ra làn sóng định giá lại các rủi ro tín dụng cho tất cả các ngân hàng nhỏ khác, trừ các ngân hàng lớn.
Những người ủng hộ chính sách này nói rằng nó sẽ đưa hệ thống tài chính vào một con đường bền vững hơn bằng cách buộc các thị trường phải phân biệt giữa những ngân hàng yếu và mạnh.
Mặc dù hành động của ông Quách được nhiều người theo dõi Trung Quốc hoan nghênh, một số nhà kinh tế và doanh nhân có liên quan lại chỉ trích cách thức xử lý vụ việc. Trong những ngày xung quanh vụ kiểm soát Ngân hàng Baoshang, CBIRC và PBOC đã không truyền đạt rõ ràng những gì đang xảy ra, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường liên ngân hàng và đặt ra câu hỏi về cách các nhà hoạch định chính sách đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho những hậu quả.
Cho đến giữa tháng 11, vẫn chưa rõ liệu Baoshang có phải là một hình mẫu để Trung Quốc xử lý các ngân hàng gặp khó khăn hay không. Vấn đề có thể sẽ bùng phát trở lại: Vào tháng 7, Tập đoàn UBS AG ước tính rằng các ngân hàng Trung Quốc mà họ theo dõi phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn lên tới 349 tỷ USD.
Ông Victor Shih, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California ở San Diego, cho biết, hành động giữ cân bằng của Quách, không chỉ giới hạn những động thái cải cách lớn, khi ông đã giải quyết một vấn đề được giới lãnh đạo Trung Quốc coi là rất quan trọng, đó là rủi ro tài chính. Đặc biệt là trong ngân hàng bóng tối. Nhưng trong quá trình thực hiện, ông đã ngăn chặn những gì trước đây là một phần rất sôi động và rủi ro của hệ thống tài chính Trung Quốc, đó là ngân hàng bóng tối và đổi mới tài chính.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi một cơ chế rõ ràng để cho phép các tổ chức tài chính yếu kém thất bại, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phát hiện và xử lý các khoản nợ xấu trên bảng cân đối ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng lớn để tăng cường cho vay đối với các công ty ngoài quốc doanh và tiếp tục nỗ lực nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty tài chính nước ngoài. Làm thế nào ông Quách triển khai các quy tắc mới của Trung Quốc về các sản phẩm quản lý tài sản sẽ là một thử thách lớn với ông.
Tất nhiên, sức khỏe của hệ thống ngân hàng rộng lớn của Trung Quốc không đặt trên vai một quan chức duy nhất. Ông Pettis, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng cải cách tài chính không phải là vấn đề một người. Nó là một nỗ lực của cả quốc gia. Một dấu hiệu của sự lạc quan là, theo một báo cáo tháng 9 từ công ty nghiên cứu chính sách Trivium China tại Bắc Kinh, ít nhất 13 quan chức có nền tảng tài chính tốt đã đảm nhận các chức vụ cấp cao của chính quyền tỉnh trong 3 năm qua...
►Vượt Trung Quốc, Nhật Bản trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ
►Trung Quốc khát USD để trả nợ nước ngoài?
►Mỹ sẽ đòi khoản nợ khổng lồ mà Trung Quốc đã vay hơn 100 năm trước?
Nguồn Bloomberg