"Ngoại giao kinh tế là một trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam"
Cùng với sự phát triển của đất nước trong quá trình đổi mới, năm 2012, ngành Ngoại giao đã đạt được những thành tựu quan trọng, phản ánh yêu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với các xu thế lớn của thời đại.
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại với tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” đã chắp cánh cho ngoại giao Việt Nam bay cao và bay xa. Trong thành quả chung đó, ngoại giao kinh tế cũng có nhiều điểm sáng.
Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời về những thành quả của ngoại giao kinh tế cũng như những vấn đề đang đặt ra trong năm 2013.
Việt Nam đứng thứ 7 về nhận kiều hối nhiều nhất thế giới
Một trong những điểm sáng của ngành Ngoại giao trong năm qua là mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối mà kiều bào gửi về Việt Nam lại tăng mạnh so với các năm trước, ước đạt hơn 10 tỷ USD và vươn lên đứng thứ 7 trong các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong hàng năm đều gia tăng và đây là lượng kiều hối của người Việt Nam định cư, làm việc, lao động học tập ở nước ngoài gửi về để đầu tư, phát triển, sản xuất cũng như hỗ trợ cho gia đình xây dựng nhà cửa, hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất. Đặc biệt, lượng kiều hối này đã chuyển đến vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh đóng góp vào xóa đói giảm nghèo. Lượng kiều hối trong thời gian qua đã đầu tư cho hơn 2.000 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư về Việt Nam.
Riêng trong năm 2012, lượng kiều hối đó là 10 tỷ USD, chiếm 10% xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Đây là nguồn tiền thực đóng góp vào phát triển đất nước, đóng góp vào bình ổn tỷ giá, cũng như tăng lượng dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Chúng ta rất trân trọng và khuyến khích kiều bào ta tại nước ngoài, người Việt Nam làm việc, lao động, học tập ở nước ngoài gửi tiền về kiều hối về cho gia đình cũng đồng thời cho phát phát triển đất nước, đây cũng là việc ích nước lợi nhà.
Sẽ có hành động để minh oan cho tôm Việt Nam
Điện thoại tới chương trình, đại diện của một công ty thủy sản chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đang đối mặt với vụ kiện chống trợ giá của một nhóm công ty tôm tại Hoa Kỳ. Con tôm Việt Nam đang bị nghi ngờ được nhận trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam để cạnh tranh với ngành sản xuất tôm tại Hoa Kỳ.
Xung quanh vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, Bộ Ngoại giao rất quan tâm đến con tôm của Việt Nam, nhất là khi lại phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Trong 7 năm qua, con tôm xuất khẩu của Việt Nam đã bị chịu một mức thuế chống bán phá giá, gây thiệt thòi cho người sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã sớm có thông tin về việc này để cung cấp cho các Bộ, ngành và doanh nghiệp của Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công Thương để cùng giải quyết.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ: “Chúng ta phối hợp, hợp tác với Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ, đây là 2 cơ quan chủ trì chính trong xử lý vụ này. Chúng sẽ cung cấp thông tin đánh giá thật sự khách quan về các tác động và tác động này không chỉ ảnh hưởng tới người sản xuất tôm của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng của Hoa Kỳ.
Biện pháp thứ 2 là chúng ta phải phối hợp với các đối tác, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ, cung cấp cho họ những thông tin thật sự khách quan và để họ lên tiếng phản đối vụ kiện bất hợp lý này. Ngoài ra, chúng ta phối hợp, chia sẻ thông tin với 6 nước cũng có tham gia vụ kiện này.
Có thể nói, trong thời gian vừa qua, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hoa Kỳ đã hợp tác rất chặt chẽ, tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ để cung cấp thông tin và khẳng định rõ chính sách của Chính phủ chúng ta hoàn toàn phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chúng ta không làm gì sai trong vấn đề này”.
Ngoại giao kinh tế là một trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam
Thông tin vui là lần đầu tiên sau 19 năm, chúng ta đã xuất siêu trở lại. Đằng sau các nỗ lực của mỗi doanh nghiệp xuất khẩu, không thể không nhắc tới các hỗ trợ của các bộ ngành, trong đó có vai trò của ngành Ngoại giao. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: Hiện chúng ta có gần 100 cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài. Có thể nói các cơ quan đại diện ngoại giao đang hoạt động rất tích cực triển khai các chương trình, các kế hoạch tăng cường ngoại giao kinh tế.
Chia sẻ thêm về thành công này trong năm qua với ví dụ cụ thể ở Hy Lạp, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết: “Chúng ta thiết lập Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp mới được 2 năm và trong 2 năm đó, chúng ta đã hỗ trợ được cho các doanh nghiệp. Cụ thể chúng ta đã giới thiệu được các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hy Lạp. Ví dụ như Công ty may 10 đã bán được sản phẩm sang Hy Lạp. Có được điều này, trước hết khi chúng ta mở cơ quan đại diện tại Hy Lạp đã phát hiện ra ở đây có nhiều nhu cầu về nhập hàng may mặc và cơ quan đại diện của ta đã giới thiệu cho Công ty may 10 để xuất hàng sang nước này. Trong tình hình khó khăn nhưng thương mại của Việt Nam và Hy Lạp trong năm 2012 tăng 10%. Đây là câu chuyện rất cụ thể mà ngoại giao đóng góp vào hoạt động kinh tế đối ngoại”.
Nhiều người dân điện thoại đến chương trình, khẳng định ngoại giao kinh tế đã được đại hội Đảng XI xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành Ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm “ngoại giao kinh tế” còn mới mẻ với nhiều người và mong muốn được Bộ trưởng giải thích một cách đơn giản, nhất là các nỗ lực ngoại giao kinh tế có thể hỗ trợ mỗi người dân và doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ: Ngoại giao kinh tế là một trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam, đó là ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa. Ngoại giao kinh tế hiểu đơn giản là các hoạt động ngoại giao đóng góp vào việc phát triển đất nước, từ việc xây dựng quan hệ tốt với các nước, mở rộng hợp tác kinh tế đến hỗ trợ cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế cụ th.
Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và người dân để lựa chọn thị trường, các nước bên ngoài, những lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác được; cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp nếu các doanh nghiệp cần kiểm tra thông tin của đối tác trước khi ký kết các hợp đồng. Hay như vận động các đoàn doanh nghiệp các nước tăng cường đầu tư làm ăn kinh tế tại Việt Nam. Ví dụ nhiều cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã vận động, hướng dẫn và thậm chí dẫn các đoàn doanh nghiệp của các nước vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn.
Hoạt động khác hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân khi làm ăn gặp những khó khăn phức tạp, giúp tháo gỡ, kể cả tư vấn giải quyết các sự vụ mà các doanh nghiệp và người dân gặp phải. Đối với các doanh nghiệp đang chuẩn bị ký kết với một đối tác, nhận một đối tác vào để hợp tác về đầu tư thương mại thì cũng có thể hỏi thông tin về đối tác đó qua các cơ quan đại diện của chúng ta. Nếu các doanh nghiệp của chúng ta đang làm ăn tại nước ngoài, nếu gặp những khó khăn cần hỗ trợ thì các cơ quan đại diện cũng sẽ hỗ trợ về cho các doanh nghiệp này để xử lý, giải quyết.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, năm 2013, kinh tế thế giới được dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn nhưng hoạt động ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục tập trung tham mưu, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, đánh giá xu thế, chiều hướng kinh tế của các nước để cung cấp thông tin, tham mưu cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước.
Thứ hai là tăng cường tìm hiểu, phát hiện các thị trường, các nước có tiềm năng hợp tác của chúng ta với bên ngoài, giới thiệu cho các doanh nghiệp. Thứ ba, ngành Ngoại giao sẽ tăng cường vận động các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư, làm ăn kinh tế tại Việt Nam.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ: “Trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã dẫn nhiều đoàn, các doanh nghiệp đến các địa phương để tìm hiểu các cơ hội, đó là những bước đi rất cụ thể để đóng góp vào phát triển của đất nước. Năm 2012, Bộ Ngoại giao đã tổ chức diễn đàn về kinh tế của khu vực Mỹ Latinh và hiệu ứng của diễn đàn, lần đầu tiên các nước Mỹ Latinh riêng trong năm 2012 có trên 10 đoàn cấp lãnh đạo cấp cao các nước Mỹ Latinh đến Việt Nam. Đây gọi là hiệu ứng các nước Mỹ Latinh quan tâm đến Việt Nam. Qua các chuyến thăm đã có rất nhiều hợp đồng được ký kết".
Bộ trưởng cho biết, "năm 2013, chúng ta vẫn tiếp tục chiều hướng tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh nhưng đồng thời mở rộng ra các khu vực khác, đó là khu vực Trung Đông, châu Phi còn rất nhiều tiềm năng và ngoại giao thì cần phải mở đường, phát hiện ra những thị trường đó cho trong nước”.
Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời đầu năm Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thêm: Năm nào cũng vậy, việc tổ chức đón Tết, vui Xuân tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đã trở thành truyền thống, là nét đặc sắc của Việt Nam. Tất cả các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều tổ chức gặp mặt người Việt Nam đang định cư sinh sống, học tập, làm việc ở nước sở tại, cùng nhau ôn lại truyền thống, đạo lý dân tộc Việt Nam, cùng cảm nhận hương vị mùa xuân của Việt Nam, để tiếp tục hướng về Tổ quốc. Những buổi gặp gỡ đón Xuân còn là dịp các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ, giới thiệu với bạn bè quốc tế về nét văn hóa của Việt Nam, giới thiệu tiềm năng hợp tác đầu tư tại Việt Nam.
Những thông tin vui được Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ nhân dịp đầu Xuân mới là hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới. Thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh; vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.