Nghề kinh doanh diễn giả
Hơn 8 tỉ đồng là số tiền mà công ty tổ chức sự kiện và đào tạo DVH Bransons đã chi ra để có thể mang Jordan Belfort, người được mệnh danh là Sói già phố Wall về Việt Nam trong tháng 9 này. Thao túng phố Wall, khả năng thuyết phục, hệ thống bán hàng đường thẳng, đi tù và làm lại từ đầu là những từ khóa nhắc đến người từng đứng ở đỉnh cao của thị trường tài chính này.
Cuộc đời của Jordan Belfort được thể hiện qua hai tác phẩm. Một là cuốn hồi ký “Sói già phố Wall” và hai là bộ phim cùng tên do nam tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio thủ vai. Phim này đã nhận được 5 đề cử Oscar với doanh thu 392 triệu USD. Hai tác phẩm này đã mô tả chân thực và trần trụi về cuộc đời của “con sói” tinh thông và lọc lõi trên thị trường chứng khoán khốc liệt nhất thế giới.
Bây giờ, người Việt đã có thể tận mắt gặp gỡ Jordan Belfort thực ngoài đời, với chi phí thấp nhất là gần 18 triệu đồng mỗi vé tham dự.
Không chỉ có Jordan Belfort, ngày càng nhiều các diễn giả là những nhân vật nổi tiếng trên thế giới đang tiếp tục được mời về Việt Nam. Trong tháng 9 này, dự kiến người Việt sẽ được gặp tỉ phú Richard Branson, nhà sáng lập tập đoàn Virgin. Trước đó là những cái tên như Brian Tracy, người có hơn 30 năm nghiên cứu và đào tạo về tư duy thành công hay Richard Duncan, chuyên gia kinh tế thế giới. Trước đó nữa là triệu phú trẻ tuổi người Singapore Adam Khoo với triết lý “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”.
Trong khi các diễn giả nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều, số lượng các công ty chuyên mời diễn giả về, được ví như những bầu sô, lại ít thay đổi. Ngoài DVH Bransons, có thể kể đến Babylons, Move và một số đơn vị nhỏ hơn khác.
Trên thực tế, mô hình kinh doanh diễn giả trong đào tạo là không mới. Đây là mô hình đào tạo theo kiểu gia tốc. Nghĩa là đào tạo các kiến thức, kỹ năng trong ngắn hạn, có thể chỉ trong một buổi hoặc kéo dài vài ngày. Các diễn giả được mời tới để đào tạo có thể chia làm 2 dạng. Một là các diễn giả chuyên nghiệp. Hai là những doanh nhân thành công được mời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.
Ở Việt Nam, có vẻ như “bụt nhà không thiêng”. Theo ông Đỗ Huy Hiệu, Tổng Giám đốc DVH Bransons, người Việt thường ưa chuộng các diễn giả là người nước ngoài. Trong đó, phần lớn là những người đã có kinh nghiệm trong cuộc sống và trên thương trường, rồi sau đó mới đi làm diễn giả. “Người Việt chuộng học nước ngoài nhiều vì tính thực tế và độ tin cậy cao hơn”, ông Hiệu chia sẻ.
Mô hình đào tạo gia tốc như thế đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, có lẽ bởi tinh thần “ham học hỏi” và tình trạng thiếu thốn kỹ năng trong thời đại mới khi kinh tế mở cửa. Các chủ đề đào tạo mặc dù trải dài trên nhiều phương diện, nhưng chung quy lại vẫn là dành cho giới doanh nhân. Ví dụ như kiến thức chuyên sâu, kỹ năng quản trị, cách thức kiếm tiền và cả cách cân bằng cuộc sống bằng thiền chẳng hạn.
Trong thời gian gần đây, các đầu sách liên quan đến làm giàu hoặc xây dựng kỹ năng, chứ không phải học thuật, cũng được thị trường đón nhận nhiệt tình. Điều này cho thấy người Việt rất thích đọc sách làm giàu, đón nhận kiến thức, tư duy và suy nghĩ của người giàu.
Vậy mô hình kinh doanh diễn giả này mang lại lợi nhuận thế nào? Được biết, với đối tượng là những diễn giả nổi tiếng, các “bầu sô” cho rằng cái được nhiều hơn là về mặt giá trị thương hiệu hơn là lợi nhuận kế toán. Từ việc nâng tầm thương hiệu công ty, họ sẽ có bàn đạp để tổ chức những buổi đào tạo khác. Ở góc độ nào đó, hình ảnh của các công ty này cũng gắn liền với chính diễn giả mà họ mang về. “Bầu sô nổi tiếng vì diễn giả, chứ không phải là vì chương trình mà họ tổ chức”, ông Hiệu nói.
Ở góc độ khác, với những diễn giả không thực sự tên tuổi mà chỉ đơn thuần là người nước ngoài đi làm diễn giả, thì mức lời cho các công ty “bầu sô” vẫn khá tốt. Chi phí mời những nhân vật như thế này chỉ rơi vào tầm 3.000-5.000 USD.
Có thể so sánh các chương trình đào tạo này giống như một cái phễu. Miệng phễu rất rộng và có nhiều khách hàng. Càng đi xuống, đối tượng khách hàng càng thu hẹp, đồng thời chương trình đào tạo từ cơ bản sẽ thành chuyên sâu hơn. Giá vé chương trình vì thế cũng sẽ cao hơn.
Theo đại diện công ty DVH Bransons, tiềm năng tổ chức các sự kiện như thế vẫn còn rất lớn. “Trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ là nơi mà các diễn giả quốc tế lựa chọn để tìm đến”, ông Hiệu tự tin khẳng định.
Nhìn xa hơn, liệu Việt Nam có trở thành tâm điểm đào tạo kiến thức, kỹ năng trong khu vực? Hiện nay, vị trí này thuộc về Singapore. Singapore có nhiều chương trình giáo dục, đào tạo mà Việt Nam chưa có. Và các doanh nhân Việt Nam vẫn phải bay sang Singapore để tham dự. Tuy nhiên, Việt Nam lại có lợi thế là giá rẻ. Chẳng hạn như chương trình của Jordan Belfort, giá vé ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với Singapore. Khi Jordan Belfort đến Hà Nội vào cuối năm 2014, ông Hiệu cho biết đã có không ít người nước ngoài sang Việt Nam để học, vì tổng chi phí vẫn còn rẻ hơn Singapore rất nhiều.
Việt Dũng