Ngân hàng rác: Giải pháp cho tái chế
Nhìn từ sàn nhà dơ bẩn, chiếc ghế trường kỷ màu xanh lá rách tả tơi, nham nhở và chiếc lược cũ mèm được móc vào một sợi dây ở cạnh cửa ra vào, thì rõ ràng đó không phải là một ngân hàng bình thường. Các khách hàng ngồi đợi trong góc phòng tồi tàn này ở miền Đông Indonesia có thể vay tiền và trả lại bằng... rác.
“Chương trình này từ dân mà ra, được quản lý bởi người dân và phần thưởng dành cho người dân”, Suryana, quản lý ngân hàng này, cho biết. Suryana sống cùng với gia đình bên trên ngân hàng rác Mutiara Trash Bank tại thành phố đang tăng trưởng nhanh Makassar trên hòn đảo Sulawesi, Indonesia. “Nhìn từ góc độ kinh tế, việc này mang lại kết quả tích cực”, Suryana nói thêm.
Không chỉ các vùng ngoại ô ở Indonesia, mà trên khắp các nền kinh tế mới nổi ở châu Phi và châu Á, người dân địa phương đang sử dụng “ngân hàng rác” như một cách để giảm áp lực ngày càng tăng đối với các bãi chôn rác và cho phép một số cư dân nghèo nhất ở địa phương được tiếp cận tín dụng và có chỗ để gửi tiền.
Vấn nạn rác mà Makassar và các thành phố châu Á khác đang đối mặt có thể thấy rất rõ sau một chuyến đi tới bãi chôn rác ở ven thành phố này. Mỗi ngày thành phố Makassar gồm 2,5 triệu dân thải ra tới 800 tấn rác, hầu hết được chất đống cao như một tòa nhà 5 tầng, nằm ngổn ngang khắp vùng, có kích cỡ bằng 2 sân bóng đá. Đây là nơi kiếm sống của những người bới rác mưu sinh, nhiều trong số đó là trẻ em và cả... những chú bò thường xuyên sục sạo bới rác tìm thức ăn.
Chính trong bối cảnh đó, ngân hàng rác đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Người dân mang các loại rác có thể tái chế như chai nhựa, giấy và bao bì đến những điểm thu gom, được gọi là ngân hàng rác. Tại đây, rác được cân ký và quy ra tiền. Ngân hàng rác cũng hoạt động giống như một ngân hàng bình thường vì khách hàng có thể mở tài khoản, gửi “tiền” vào đó (trong trường hợp này là gửi rác và số rác này được quy đổi giá trị ra thành đồng rupiah) và rút tiền theo định kỳ.
Tại Makassar, chính quyền thành phố cam kết mua rác với giá niêm yết tại ngân hàng, đảm bảo giá bán ổn định cho những ai mang rác tới. Ngân hàng sau đó bán rác cho những thương nhân buôn rác thải, rồi những thương nhân này vận chuyển rác tới các nhà máy nhựa và nhà máy giấy trên hòn đảo Java, một hòn đảo lớn, nơi tập trung 60% dân số của Indonesia.
Các ngân hàng không chỉ làm mỗi việc trả tiền mặt cho những ai mang rác tới. Tại Mutiara Trash Bank, nhiều chủ tài khoản đã đăng ký tham gia vào một chương trình bài tập về nhà, mà theo đó, các sinh viên trong vùng giúp trẻ con làm bài tập về nhà và được trả công trực tiếp từ ngân hàng rác này. Còn ở những ngân hàng rác khác tại Indonesia, các chủ tài khoản có thể đổi rác để lấy gạo, thẻ điện thoại hoặc trả hóa đơn tiền điện.
Tại ngân hàng rác, khách hàng có thể vay tiền và trả lại bằng... rác. Ảnh: bloomberg.com |
Tại Makassar, hầu hết các khách hàng đều là phụ nữ “làm nghề” thu gom rác bán thời gian; thông thường họ tiết kiệm được một số tiền nhỏ khoảng 2.000-3.000 rupiah (tương đương 15-23 cent) mỗi tuần, trong khi những người khác thì tiết kiệm được số tiền lớn hơn nhiều vì bỏ công đi gom rác nhiều hơn. Không ít người cũng vay tiền, phần lớn thường vay để mua gạo, chờ cho đến cuối tuần khi chồng họ mang tiền lương về.
Những khách hàng vay tiền ở ngân hàng rác rất uy tín, luôn trả lại đúng hạn. “Chưa có ai vỡ nợ cả. Miễn là mọi người còn sống ở đây, họ sẽ trả tiền. Họ chỉ cần mang đến ngân hàng nhiều rác hơn, mà rác thì có ở khắp mọi nơi”, Suryana, 43 tuổi, cho biết.
Đối với những khách hàng như Sitinah, chủ một cửa tiệm nhỏ bán các vật dụng thiết yếu hằng ngày, thức uống và thuốc lá gần Mutiara, ngân hàng rác là mô hình gần giống nhất với một tổ chức tín dụng mà họ có “cơ may” được tiếp cận trong đời mình.
“Trước đây dường như chưa bao giờ trong người tôi có đồng nào. Nhưng nay tôi có thể tiết kiệm một số tiền để dùng khi cần thiết”, bà nói, sau khi rút 50.000 rupiah để mua một cái chảo lớn mà bà tính dùng cho một “dự án” kinh doanh hàng ăn sắp tới.
Sau khi những khách hàng như Sitinah mang rác tới, chính quyền thành phố đưa xe tải đến Mutiara Trash Bank để thu gom rác. Xe tải thu gom nhiều lần trong tuần và mang chúng đến một ngân hàng rác trung tâm và tại đây chúng được phân loại ra để bán.
“Đó là một ý tưởng đơn giản và hiệu quả. Bằng cách can thiệp vào thị trường, Thành phố đảm bảo những người thu gom có được mức giá ổn định. Chất lượng ở đây rất tốt và họ không có gian lận khi cân rác”, Ary Budianto, một doanh nhân thu mua nhiều tấn rác mỗi tháng từ ngân hàng rác trung tâm này, cho biết.
Indonesia thải ra 64 triệu tấn rác mỗi năm, trong đó 70% rác bị vứt ở những bãi chôn rác lộ thiên, theo Bộ Môi trường và Lâm nghiệp nước này. Mutiara chỉ là 1 trong hơn 200 ngân hàng rác ở Makassar, vốn đã trở thành mô hình tiêu biểu cho các thành phố khác, theo Thị trưởng Thành phố. Tính chung cả nước Indonesia, vào năm ngoái có 2.800 ngân hàng rác hoạt động tại 129 thành phố với 175.000 chủ tài khoản, theo Bộ Môi trường.
Để một ngân hàng rác thành công, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương là rất quan trọng, theo Sanjay K. Gupta, chuyên gia về quản lý rác thải tại Skat Consulting ở Thụy Sĩ, đang nghiên cứu các dự án này. Ông cho rằng mặc dù Indonesia có mạng lưới lớn nhất các ngân hàng rác, nhưng những hoạt động tương tự cũng được triển khai tại các nước châu Phi trong đó có Ghana và Nam Phi, ở các thành phố Ấn Độ như Pune, Bengaluru và tại Manila, Bogota và Brazil.
“Mọi người không có hứng thú với việc bán rác, nhưng họ không muốn vứt rác. Vì thế, ngân hàng rác là một giải pháp tốt để xử lý rác thải. Nhưng bạn không hề điều hành chúng mà không có sự hỗ trợ của chính quyền thành phố. Bạn cần mặt bằng và cơ sở để làm nơi đặt ngân hàng, chứ không thể điều hành ngân hàng rác ở ngoài trời được”, ông nói.
Chẳng hạn như ở Makassar, các chính quyền địa phương nhận sự hỗ trợ từ một tổ chức phi chính phủ được rót vốn bởi PT Unilever Indonesia và do Saharuddin Ridwan, từng là phóng viên truyền hình, đứng đầu. “Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm với rác”, Ridwan nói.
Thế Sơn
Nguồn Bloomberg