Thứ Tư | 13/04/2016 09:00

Nên làm gì để gỡ khó cho nhà đầu tư?

Các vấn đề của việc thực thi Luật Đầu tư 2014 đang tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và cả việc thu hút FDI.

Hiện tại, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không ghi rõ ngành nghề kinh doanh và ngành nghề kinh doanh không còn là nội dung đăng ký kinh doanh, nhưng khi đến ngân hàng và một số cơ quan nhà nước, theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Trần Sơn ở Bắc Ninh, ông vẫn được yêu cầu phải cho biết ngành nghề kinh doanh mới được giải quyết công việc. Đây chỉ là một trong những vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2015.

Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành nhằm làm rõ quyền của doanh nghiệp trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Nghị định này cũng quy định rõ cơ chế phối hợp liên thông điện tử tự động giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan liên quan, thông qua quy trình tạo và sử dụng mã số doanh nghiệp.

Mã số doanh nghiệp sẽ được tạo, gửi và nhận tự động bởi Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống Thông tin đăng ký thuế và được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quan trọng là các cơ quan quản lý phải thống nhất sử dụng mã số này để quản lý và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.

Để có giấy chứng nhận, có dấu và chữ ký, ông Trần Thanh Hải phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh, làm mất nhiều thời gian và chi phí, trong khi cách làm không quá khó. Muốn biết doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề gì, người yêu cầu chỉ cần truy cập vào Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, người được yêu cầu cũng có thể truy cập hệ thống này, in thông tin, đưa cho người yêu cầu.

Hiện tại, doanh nghiệp và người dân có thể dễ tiếp cận thông tin qua hệ thống quản trị thông tin được thiết lập bởi Luật Doanh nghiệp. Song theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, rất ít doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ hệ thống này. Có lẽ vì họ chưa hiểu được lợi ích lâu dài mà hệ thống mang lại.

Trong khi đó, theo quan sát của Tiến sĩ Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn nước ngoài của Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh châu Âu (EU-MUTRAP), một dự án hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, thì việc thực thi Luật Đầu tư 2014 “đang có một số vấn đề”. Những vấn đề này đang tác động tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và cả việc thu hút FDI.

Theo ông Claudio Dordi, các doanh nghiệp lớn có thể xử lý những vấn đề này bằng đối thoại trực tiếp với Chính phủ về những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn có thể gặp khó khăn ở mọi lĩnh vực do hạn chế về nguồn lực. Hơn nữa, hầu hết họ đều gặp khó khăn trong việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, doanh nghiệp nên tạo lập mạng lưới kinh doanh thông qua những hiệp hội doanh nghiệp để từ đó Chính phủ biết được tình trạng của doanh nghiệp và đưa ra giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ phù hợp.

Việt Nam đang có nhu cầu thu hút vốn FDI lớn nên càng phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh của các thỏa thuận thương mại quan trọng mà Việt Nam có cam kết như TPP hay EVFTA, một điều mà ông Claudio Dordi khẳng định là “Chính phủ Việt Nam phải xem xét lại luật cũng như vấn đề thực thi luật”. Trong khi chờ các luật này được bổ sung, sửa đổi, ông cho rằng “những cuộc đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả nhất định trong việc sửa và thực thi luật này”.

Mạnh Thương