Đối thoại cùng Dominic Scriven (Dragon Capital), Don Lam (VinaCapital) & David Do (Vietnam Investments Group).

 
Thứ Năm | 04/08/2022 09:04

Muốn tăng trưởng, cần xã hội hóa – Đối thoại cùng Dominic Scriven (Dragon Capital), Don Lam (VinaCapital) & David Do (Vietnam Investments Group)

Ba vị Giám đốc chia sẻ kinh nghiệm về các thương vụ làm ăn, và các quỹ đầu tư quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2015-2018.)

Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, khẳng định trong nhiều năm tới, việc cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ là một sự kiện lớn.  

Khi đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần Việt Nam, ông thấy đâu là những điểm yếu cơ bản gây kiềm hãm sự phát triển của doanh nghiệp?

Ông Dominic Scriven: Doanh nghiệp còn chưa coi trọng việc chọn một công ty kiểm toán chất lượng, hoặc nếu có quan tâm đi nữa thì có thể chỉ chọn một công ty kiểm toán với chi phí rẻ, chất lượng thấp.
Ông Dominic Scriven: Doanh nghiệp còn chưa coi trọng việc chọn một công ty kiểm toán chất lượng, hoặc nếu có quan tâm đi nữa thì có thể chỉ chọn một công ty kiểm toán với chi phí rẻ, chất lượng thấp.

Thứ nhất, doanh nghiệp còn hạn chế trong tầm nhìn hoạch định chiến lược. Thứ 2, trong vấn đề nhân sự, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu tầm quan trọng của cơ chế đãi ngộ đối với ban điều hành cũng như nhân sự giữ trọng trách cao. Thứ 3 là hạn chế trong kỹ năng quan hệ của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư và cộng đồng. Không ít doanh nghiệp lúng túng và yếu kém trong khâu đàm phán, quan hệ đối tác, cổ đông, nhân viên, cơ quan quản lý hay cơ quan truyền thông. Thứ 4, doanh nghiệp còn nhận định sai lệch về vai trò của quy trình kiểm toán độc lập. Một đơn vị kiểm toán độc lập sẽ giúp kiểm soát tốt tình hình tài chính của họ. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn chưa coi trọng việc chọn một công ty kiểm toán chất lượng, hoặc nếu có quan tâm đi nữa thì có thể chỉ chọn một công ty kiểm toán với chi phí rẻ, chất lượng thấp. Thứ 5, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu cặn kẽ thế nào được gọi là “giá trị của một doanh nghiệp”. Cuối cùng là vấn đề đạo đức trong kinh doanh. Ở đây, đạo đức, theo tôi, nên được hiểu là chúng ta phải rạch ròi giới hạn quyền lợi và nghĩa vụ giữa việc chung và việc riêng trong một doanh nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới minh bạch và tăng trưởng tốt.

Nhiều quỹ đầu tư, trong đó có Dragon Capital, có xu hướng giải ngân vào các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa hoặc doanh nghiệp cổ phần tư nhân có quy mô lớn. Tại sao Dragon Capital không chọn đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần quy mô nhỏ hơn nhưng tiềm năng?

Quỹ đầu tư thường tập trung vào những doanh nghiệp cổ phần quy mô lớn tại Việt Nam là hy vọng giúp những doanh nghiệp này phát triển lên thành các tập đoàn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty đa quốc gia, từ đó tạo cảm hứng, trở thành bàn đạp phát triển cho hàng loạt doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hơn, cũng như thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Khi đầu tư vào doanh nghiệp lớn, chúng tôi cũng giảm thiểu được nhiều rủi ro và mang về lợi nhuận mong đợi. Song không có nghĩa những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ không có điều kiện tiếp cận với các quỹ đầu tư, vì trong tương lai, khi quy mô các quỹ lớn hơn, một số quỹ cũng sẽ có xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng và cũng sẽ xuất hiện thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần đang diễn ra mạnh mẽ. Là một nhà quản lý quỹ, ông sẽ chọn những doanh nghiệp ngành nào để xem xét đầu tư? 

Thế mạnh cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam vẫn sẽ tập trung vào các ngành du lịch, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, tài nguyên khoáng sản, than và dầu khí. Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội cũng phải gắn liền với quá trình phát triển của cơ sở hạ tầng như điện, nước, giáo dục, y tế và nền tảng tài chính là ngân hàng. Cho nên, chúng tôi rất quan tâm đến các lĩnh vực này và sẽ ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp đã chuyển đổi cổ phần hoặc đang niêm yết. Chúng tôi cũng chủ trương đầu tư vào các ngành này vì chúng đòi hỏi vốn lớn nhưng khả năng sinh lời ổn định.

Ông đánh giá thế nào về tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và chuyển đổi doanh nghiệp gia đình tư nhân lên cổ phần đại chúng?

Doanh nghiệp nhà nước đã có hơn 2.500 doanh nghiệp được cổ phần, như vậy số còn lại là khoảng 3.500 doanh nghiệp. Trong nhiều năm tới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ là một sự kiện lớn, thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế. Nhưng sau đó, việc chuyển đổi cổ phần của các doanh nghiệp tư nhân mới diễn ra mạnh mẽ và liên tục phát triển. 

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, chia sẻ quan điểm về cách nhìn nhận của nhà đầu tư quốc tế về môi trường kinh doanh ở Việt Nam và nguồn vốn các quỹ quốc tế (FII) đang hướng vào những công ty Việt Nam. 

Được biết, FII còn quá khiêm tốn so với FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài)?

Đúng vậy! FII chỉ chiếm hơn 1% FDI, quá ít so với các nước trong khu vực và nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong nước phát triển. Rõ ràng, chúng ta rất thành công trong việc thu hút FDI nhưng chưa có nhiều nỗ lực kêu gọi FII. Có lẽ do mô hình còn mới và chưa nhiều người hiểu rõ về nó. 

Theo ông, điều gì Việt Nam cần làm để thu hút vốn FII?

Để thu hút FII hiệu quả, trước hết hệ thống pháp luật và quản lý doanh nghiệp Việt Nam phải được cải thiện, song song đó, những nhà quản lý quỹ như chúng tôi cũng phải tiến hành quảng bá về Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, quảng bá có tốt mà hệ thống pháp luật còn nhiều bất hợp lý thì cũng khó khăn cho chúng tôi lắm. Tại Việt Nam, chúng tôi đang thấy những tín hiệu lạc quan trên cả 2 yếu tố này. Ví dụ, Quỹ VOF của chúng tôi ban đầu chỉ kêu gọi được 10 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế. Sau một thời gian ngắn, con số này là 50 triệu USD, sau đó là hơn 150 triệu USD. Sự gia tăng này chứng tỏ 2 yếu tố nói trên đã được cải thiện và những nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam.

Ông có thể cho một so sánh vai trò giữa FDI và FII?

Theo tôi, FDI và FII đều quan trọng. FDI thường được đưa vào các dự án 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, có lợi cho công nghiệp sản xuất và tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng không tác động nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, FII có thể góp vốn cho doanh nghiệp trong nước và giúp họ phát triển.

Quỹ VOF dự định đầu tư vào lĩnh vực gì? Và loại doanh nghiệp mà VOF nhắm tới?

Hàng tiêu dùng. Qua khảo sát, chúng tôi thấy hàng tiêu dùng là lĩnh vực nhiều tiềm năng. Dĩ nhiên VOF sẽ mở rộng đầu tư vào những ngành khác trong tương lai, như địa ốc chẳng hạn. Chúng tôi chỉ tập trung vào những doanh nghiệp lớn. Chúng tôi từng góp vốn phát triển cho 2 doanh nghiệp tên tuổi là Vinamilk và Kinh Đô. Doanh nghiệp lớn vẫn là mục tiêu giải ngân chính vì hiện nay tài chính của quỹ VOF còn hạn chế, chúng tôi không thể tập trung quá nhiều vào các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Thêm vào đó, đầu tư vào các doanh nghiệp lớn đang ăn nên làm ra sẽ hạn chế được nhiều rủi ro đáng tiếc. Trong tương lai, khi VOF được mở rộng, chúng tôi hy vọng sẽ có thể bắt tay với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Don Lam - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital chia sẻ về việc tiếp cận nguồn vốn các quỹ quốc tế (FII) khi họ đang chú ý đến doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Don Lam - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital chia sẻ về việc tiếp cận nguồn vốn các quỹ quốc tế (FII) khi họ đang chú ý đến doanh nghiệp Việt Nam.

Lý do gì các doanh nghiệp đã phát triển cần tìm đến quỹ đầu tư, thưa ông?

Đơn giản là họ luôn muốn phát triển vượt trội quy mô doanh nghiệp và chúng tôi giúp họ làm điều đó. Quỹ VOF tập trung vào 2 đối tượng doanh nghiệp lớn, hoặc đang làm ăn tốt, hoặc đang có chiều hướng xấu. Với doanh nghiệp đang làm ăn tốt, chúng tôi hỗ trợ họ phát triển hơn nữa. Với doanh nghiệp lớn đang có “vấn đề” và nguy cơ phá sản, VOF sẽ hỗ trợ giúp họ tái cấu trúc để vực dậy và tiếp tục phát triển. Nếu doanh nghiệp quá yếu, chúng tôi sẽ không đầu tư. Nếu đã đầu tư, chúng tôi tin rằng doanh nghiệp đó có tiềm năng vực dậy. Chúng tôi ít khi bị nhầm lẫn trong cách đánh giá về doanh nghiệp mình muốn đầu tư vào. 

Sau thành công của đợt bán trái phiếu Việt Nam tại thị trường New York, VinaCapital được lợi gì?

Quý nhất là tìm được cái nhìn thiện cảm của các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam trong khi chúng tôi đang nỗ lực giới thiệu với họ về hình ảnh đất nước của các bạn.  

Có những suy nghĩ trái ngược rằng nếu số lượng trái phiếu chính phủ tại thị trường nước ngoài cứ tăng vọt thì khả năng hấp dẫn của nó sẽ dần kém đi. Ông có nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng đến FII cho Việt Nam?

Có nghĩ đến, nhưng chúng tôi tin điều này còn xa. Nhà đầu tư ngoại vẫn trung thành với cách nhìn thiện cảm về Việt Nam, vì họ đã hiểu chúng ta.

Xin cho hỏi, nhà đầu tư nghĩ gì về Việt Nam khi ông gặp họ để kêu gọi FII?

Nhiều người tin tưởng. Vài người bất ngờ. Một số khác không biết chúng ta đã đi qua chiến tranh mấy chục năm trời!

Ông David DO, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Investments Group (VIG), chia sẻ thêm về kinh nghiệm cho doanh nghiệp trong các thương vụ mua bán với các đối tác, hoặc quỹ đầu tư.

Theo ông, đâu là những tư duy sai lầm thường gặp của doanh nghiệp bên bán có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả các thương vụ mua bán?

Nhiều công ty sử dụng các đơn vị trung gian, chẳng hạn như ngân hàng đầu tư hay các công ty tư vấn để tìm người mua. Đối với bên bán, họ cố gắng thể hiện một sự gia tăng trong doanh thu hay lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí đầu tư để làm cho công ty có vẻ hấp dẫn hơn về mặt tài chính. Tuy nhiên, những hành động này không có lợi cho bên mua. Ví dụ, nếu bên bán giảm đầu tư, nó sẽ tác động tiêu cực đến kết quả tài chính trong dài hạn.

Ông David DO - Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Investments Group (VIG).
Ông David DO - Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Investments Group (VIG).

Thông thường, bên bán muốn bán giá cao trong khi bên mua muốn mua giá thấp. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc thương thảo giá cả để 2 bên có thể gặp nhau ở mức giá tốt nhất?  

Cấu trúc tốt nhất của một thương vụ liên quan đến việc chia sẻ rủi ro. Có một “vòng đệm” trên mức giá, chẳng hạn một mức giá có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào khả năng hoạt động của công ty sau khi thương vụ kết thúc. Ví dụ, người mua có thể trả thêm tiền nếu hoạt động của công ty hay giá cổ phiếu cao hơn lúc thương lượng.  

Vấn đề nhân sự quản lý nên được giải quyết ra sao sau các thương vụ mua bán?

Có một điều rất quan trọng là sau khi giao dịch kết thúc, bên mua sẽ giữ lại những người chủ chốt của bên bán. Đó là lý do tại sao trong rất nhiều thương vụ, có một phần tiền được giữ lại và chỉ được thanh toán nếu như một số điều khoản được đáp ứng. Có thể một trong những điều khoản đó là phải giữ được những nhân viên chủ chốt trong vòng 12-18 tháng.

Trong các trường hợp M&A không thành công, theo ông, xuất phát từ người mua hay người bán nhiều hơn? Những nguyên nhân nào có thể gây thất bại thương vụ?

Hơn 50% giao dịch M&A bị thất bại. Có những khả năng sau đây: thất bại là do người bán hoạch định kém cho quá trình hòa hợp sau khi sáp nhập, hoặc do người mua đôi lúc không tuân thủ quy tắc mình đặt ra và kết thúc với việc trả giá cao hơn hoạch định ban đầu, hoặc do người mua đánh giá sai giá trị công ty họ mua.

Xin cảm ơn các ông