Mượn bụng sinh con: Đã hợp pháp!
Lấy nhau khi tuổi ngoài 30, suốt 7 năm khó khăn trong vấn đề sinh con, cuối cùng người vợ đã phải ký đơn ly hôn để chồng lấy vợ khác. Ðây là câu chuyện có thật đầy nước mắt của một độc giả gửi đến chương trình “Thay lời muốn nói” trên kênh HTV7 gần đây. Những câu chuyện như vậy hiện cũng không phải là ít, bởi tỉ lệ các cặp vợ chồng hiếm muộn đang ngày càng tăng ở Việt Nam cũng như thế giới.
Niềm vui cho gia đình hiếm muộn
Sau hơn 10 năm mong chờ, vào cuối tháng 1.2016, chị Nguyễn Thị Hà ở Hà Nam đã được hưởng niềm hạnh phúc khi bế đứa con gái nhờ phương pháp mang thai hộ. Đây là ca sinh hộ đầu tiên được cấp giấy phép tại Việt Nam. Phương pháp mang thai hộ này dành cho những cặp vợ chồng vẫn có noãn và tinh trùng, nhưng vì lý do nào đó khó sinh con.
Ở trường hợp của chị Hà, do chị bị bất thường về tử cung nên không thể tự mình mang thai, nhưng buồng trứng hay các chức năng sinh lý khác đều bình thường. Bác sĩ đã lấy noãn của chị và tinh trùng của chồng, sau đó cấy phôi vào người mang thai hộ.
Chi phí cho một ca mang thai hộ không khác nhiều so với quy trình thụ tinh trong ống nghiệm. Chi phí một lần thực hiện mang thai hộ là khoảng 60-70 triệu đồng trong trường hợp ca khó và 40-45 triệu đồng cho ca bình thường. Chi phí này chủ yếu là từ lượng thuốc hỗ trợ phải sử dụng nhiều hay ít, không tính chi phí trả cho người mang thai hộ. Thông thường, người mang thai hộ thường có chung huyết thống với người nhờ mang thai.
Sau hơn một năm nghị định cho phép mang thai hộ có hiệu lực, hơn 60 hồ sơ mang thai hộ đã được duyệt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cả nước có khoảng 100 hồ sơ đủ điều kiện cho phép mang thai hộ. 3 tháng tới, sẽ có gần 30 em bé ra đời bằng phương pháp mang thai hộ.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, việc cho phép mang thai hộ là quy định mang tính nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cho các gia đình hiếm muộn. Những trường hợp mang thai hộ được thực hiện phần lớn là do phụ nữ không có tử cung, sẩy thai thường xuyên không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, người mang thai hộ hay người nhờ mang thai hộ đều chỉ được phép thực hiện một lần. Cả nước có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).
Dù mang ý nghĩa nhân văn, vẫn có không ít ý kiến trái chiều về vấn đề này đã được đưa ra. Theo nhiều người, người mang thai hộ sinh ra đứa trẻ sẽ phải chịu thiệt thòi, vì sau 9 tháng 10 ngày sinh con nhưng không được con gọi là mẹ.
Về mặt sinh học, đúng là người sinh con chính là người mẹ. Nhưng nếu xét về mặt khoa học, người mang thai hộ chỉ được cấy phôi thai vào cơ thể, còn trứng và tinh trùng vẫn là của cặp vợ chồng hiếm muộn. Còn về mặt luật pháp, đứa bé vẫn là con của cặp vợ chồng hiếm muộn chứ không phải là con của người mang thai hộ. Trường hợp này được xem là “mượn bụng để sinh con”.
Sau khi pháp luật thông thoáng, các cặp vợ chồng đã có thể thực hiện được việc mang thai hộ hợp pháp và chỉ phải thực hiện 12 loại giấy tờ. Trong đó, hầu hết là những giấy tờ chứng nhận tự nguyện mang thai hộ và giấy xác nhận tình trạng hiếm muộn, kết quả xét nghiệm...
Nghề mang thai chuyên nghiệp
Mang thai hộ dù chỉ mới được cấp phép tại Việt Nam, nhưng trước đó đã có nhiều người lén mang thai hộ và thậm chí trở thành một nghề kiếm tiền. Trung bình mỗi ca mang thai hộ, người “đẻ thuê” sẽ bỏ túi khoảng 50-70 triệu đồng, có khi lên đến 100 triệu đồng. Em bé có thể lấy noãn từ người đẻ thuê cấy với tinh trùng người cha, hoặc từ cha mẹ cấy vào người đẻ thuê. Người đẻ thuê sẽ chỉ nhận trước một khoản tiền, sau khi em bé chào đời mới nhận phần còn lại.
Trước đây, dịch vụ đẻ thuê bị cấm nên các cặp vợ chồng phải lén thực hiện việc này trong nhiều năm nay tại Việt Nam vì không muốn xin con nuôi. Tuy nhiên, vì trước đây dịch vụ này là bất hợp pháp nên nhiều trường hợp người đẻ mướn không có giấy tờ xác nhận, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hoặc những hệ luỵ về sau.
Trong khi đó, ở các nước châu Âu, mang thai hộ đã được chấp nhận từ rất lâu và trở thành một nghề chuyên nghiệp. Một ca sinh đặc biệt vừa diễn ra thành công tại bang Texas (Mỹ), khi bà ngoại chính là người sinh ra em bé để giúp cô con gái không thể mang thai. Trải qua 3 lần sẩy thai và nhiều nỗ lực có bầu không thành công, chị Kelley (28 tuổi) đã may mắn được mẹ đồng ý làm người mang thai hộ. Bà Thompson, 53 tuổi và là mẹ của Kelley, đã được kiểm tra sức khỏe để đảm bảo đủ khả năng mang thai.
Thú vị hơn là trường hợp của bà Carole Horlock, được mọi người gán cho biệt danh “bà mẹ mắn nhất ở Anh” do đã sinh 15 đứa trẻ trong vòng 24 năm, trong đó có 2 con gái ruột. Nhờ “nghiện” mang thai và thích cảm giác có bầu, bà Carole Horlock đã kiếm được từ 10.000-22.000 USD cho mỗi lần mang thai hộ. Bà bắt đầu mang thai hộ từ năm 1995 do muốn giúp các cặp vợ chồng vô sinh. Từ đó đến nay, bà đã sinh hộ 13 đứa trẻ, bao gồm một cặp song sinh và một cặp sinh 3.
Quay trở lại Việt Nam. Theo thống kê, mỗi năm, nước ta có trên 10.000 cặp vợ chồng có nhu cầu hỗ trợ sinh sản, nhưng mới chỉ có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Trung bình, mỗi năm có gần 5.000 trẻ ra đời bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Còn theo nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng từ 15-49 tuổi, tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%. Đáng báo động là khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở tuổi dưới 30.
Rõ ràng, tình trạng hiếm muộn ngày càng nhiều và ở nhiều độ tuổi, thậm chí nhiều người trẻ cũng gặp phải tình trạng này. Vì thế, chính sách cho mang thai hộ phần nào giúp các cặp vợ chồng tránh tình trạng ly hôn, tốn thời gian và chi phí trong vấn đề chạy chữa. Ngoài ra, khả năng cho phép mang thai hộ trở thành một nghề nghiệp hợp pháp có lẽ cũng cần được xem xét.
Minh Anh