Một phụ nữ Việt được chọn vào danh sách lãnh đạo trẻ toàn cầu của WEF
Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố danh sách các Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (Young Global Leaders - YGL) của năm 2016. Trong danh sách năm nay, có tổng cộng 121 người, trong đó có một người Việt Nam duy nhất là cô Phạm Thị Ngân (39 tuổi), giám đốc doanh nghiệp xã hội Tòhe.
Theo thông cáo từ WEF, tiêu chí lựa chọn của danh sách YGL là những người dưới 40 tuổi được đánh giá là "vừa sáng tạo, vừa có ý thức xã hội nhất, đang đẩy lùi những ranh giới, làm thế giới thay đổi cách suy nghĩ". Những nhân vật nổi bật của YGL 2016 có thể kể tới Ashton Kutcher (siêu sao Hollywood), Avid Larizadeh-Duggan (thành viên lãnh đạo quỹ Google Ventures), John Green (tác giả "The Fault in Our Stars"), Sam Altman (chủ tịch Y Combinator), Melanie Joly (bộ trưởng di sản Canada), Danae Ringelmann (đồng sáng lập Indiegogo), Daniel Klier (giám đốc chiến lược toàn cầu HSBC), Javier Olivan (phó chủ tịch Facebook), Emmanuel Macron (bộ trưởng kinh tế Pháp), Jens Spahn (bộ trưởng tài chính Đức),...
Ngoài cô Phạm Thị Ngân, những người Việt từng được chọn vào YGL những năm trước đây có thể kể tới nhà ngoại giao Nguyễn Hoàng Long, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, tiến sĩ Phạm Minh Tuấn (giám đốc Topica)...
Cô Phạm Thị Ngân (áo dài) cùng đoàn Việt Nam tại Hội chợ Tokyo Gift Show 2015 - Ảnh: Facebook page của Tòhe |
Tốt nghiệp khoa tiếng Trung ở Đại học Ngoại ngữ, cô Phạm Thị Ngân từng sáng lập và làm giám đốc cho công ty truyền thông Nguyencomm trong 10 năm liền (2002-2012). Nguyencomm chuyên phục vụ cho các dự án của những tổ chức lớn, trong đó có Ngân hàng Thế giới.
Theo như Ngân từng chia sẻ với HanoiTV và VietQ, ý tưởng thành lập Tòhe đến với cô một cách khá tình cờ. Trong một lần đến bảo tàng nghệ thuật ở Barcelona, cô đã đọc được câu nói của vị danh họa Pablo Picasso: “Tôi chỉ cần 4 năm để có thể vẽ được như Raphael, nhưng tôi đã phải dành cả đời mình để vẽ như một đứa trẻ”. Từ đó, thương hiệu Tòhe đã được khởi động vào năm 2007, nhằm cảm nhận của Ngân: tranh của trẻ em thực sự đã và luôn là một chuẩn mực về cái đẹp.
Tòhe luôn sử dụng tranh vẽ “100% hồn nhiên” của trẻ em để in lên những sản phẩm thời trang và đồ trang trí gia đình như: quần áo, khăn mũ, túi, ví, sổ tay, đồ dùng cho nhà bếp... Các "nghệ sĩ" của Tòhe là những trẻ em tàn tật, cơ nhỡ tại các trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội, như Trung tâm Phúc Tuệ, trung tâm Sao Mai, Trung tâm Thụy An - Ba Vì...
Năm 2009, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh Việt Nam và Trung tâm Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), công ty Tòhe chính thức đi vào hoạt động. Đến năm 2011, Phạm Thị Ngân dừng hẳn công việc riêng của cô và tập trung toàn tâm, toàn ý vào Tòhe.
Tranh vẽ in trên túi vải của Tòhe - Ảnh: Trần Thanh Giang (VNAnet) |
Để có được những bức tranh “100% hồn nhiên”, Tòhe đã kết hợp với các tổ chức tình nguyện khác tổ chức lớp học hướng dẫn sáng tạo (vẽ tranh, xé giấy, nặn…) cho các trẻ em tại nhiều trung tâm khuyết tật, mồ côi… Sau mỗi buổi học, tranh vẽ của các em được các nhà thiết kế thời trang và đồ họa chọn lọc, sử dụng in lên sản phẩm. Một nửa kinh phí thu được từ các hoạt động của tổ chức sẽ được trích vào quỹ Tòhe để hỗ trợ trực tiếp cho các em có nhiều tranh vẽ được sử dụng, chuyển trung tâm khuyết tật trang trải thêm cho cuộc sống hoặc tài trợ các chương trình có mục đích bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ trẻ em thiệt thòi trên cả nước.
Họa sĩ Nguyễn Đình Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tòhe (ngoài cùng, bên phải) và là chồng cô Phạm Thị Ngân, hướng dẫn cách phân biệt và phối màu cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Phúc Tuệ - Ảnh: Trần Thanh Giang (VNAnet) |
Theo thông tin từ website của Tòhe, cho đến nay công ty đã tổ chức nhiều buổi chơi Sáng tạo cho khoảng 1,000 trẻ em tham gia, và huấn luyện gần 100 tình nguyện viên cùng tổ chức các sự kiện. Các đối tác quốc tế của Tòhe có thể kể tới quỹ LGT Venture Philanthropy (Thụy Sĩ), chương trình Very50 (Nhật Bản), hội đồng Anh, cơ quan phát triển GIZ (Đức),...
Tuấn Minh