Bloomberg
Một cuộc khủng hoảng tài chính mới sẽ bắt nguồn từ Thung lũng Silicon?
Bài viết thể hiện quan điểm của ông William Magnuson, phó giáo sư khoa luật của Đại học Texas A&M.
Đã 10 năm trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, và một số người đã bắt đầu tiên đoán rằng sẽ sớm có thêm một cuộc khủng hoảng mới. Và cuộc khủng hoảng này có thể sẽ bắt nguồn từ Thung lũng Silicon, chứ không phải là phố Wall.
Thế giới tài chính ngày nay rất khác so với cách đây 10 năm. Năm 2007, mối quan tâm lớn nhất của chúng ta là về các định chế "quá lớn để có thể sụp đổ". Các ngân hàng ở phố Wall đã phát triển với quy mô đáng kinh ngạc và trở thành trái tim của hệ thống tài chính, và không một chính phủ có lý trí nào có thể để mặc cho chúng sụp đổ. Nhận thức rằng mình sẽ được bảo vệ bằng mọi giá, các ngân hàng đã thực hiện những cú đặt cược cực kì rủi ro trên thị trường nhà ở, và phát minh ra những loại chứng khoán phái sinh phức tạp hơn bao giờ hết. Kết quả là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái đã xảy ra, và hệ quả của nó vẫn còn kéo dài tới hiện tại.
Kể từ sau năm 2007, chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc giải quyết vấn đề "quá lớn để có thể sụp đổ". Các ngân hàng Mỹ đang có vốn hóa tốt hơn bao giờ hết. Các nhà chức trách cũng tiến hành các đợt kiểm tra sức khỏe (stress test) thường xuyên đối với các tổ chức lớn. Và Đạo luật Dodd-Frank cũng đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt dành cho các tổ chức tài chính có tầm quan trọng với hệ thống.
Tuy nhiên, trong khi những cải cách này có thể giảm được những rủi ro đã gây ra cuộc khủng hoảng lần trước, thì các nhà hoạch định chính sách đã bỏ qua, và đôi khi làm trầm trọng hơn, những rủi ro mới có thể gây ra cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Kể từ năm 2007, một làn sóng đổi mới to lớn đã xảy ra trong ngành tài chính, ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh. Các startup dịch vụ tư vấn bằng robot (robo-adviser) như Betterment and Wealthfront đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính dựa trên thuật toán, đòi hỏi rất ít hoặc không cần sự can thiệp của của con người. Các nền tảng crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) như Kickstarter and Lending Club đã tạo ra phương thức mới để gọi vốn. Các loại tiền tệ ảo mới như bitcoin và ethereum đã làm thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của chúng ta về cách thức hoạt động của tiền tệ.
Ngành công nghệ tài chính (hay "fintech") được tạo ra bởi nhiều startup quy mô vừa và nhỏ, một sự đối lập đáng chú ý so với các ngân hàng nhiều vốn và có bề dày lịch sử của Phố Wall. Fintech đã mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Bằng cách tự động hóa việc ra quyết định và giảm chi phí giao dịch, fintech làm cho quy trình tài chính trở nên nhanh và hiệu quả hơn. Nó cũng mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các nhóm người đi vay mới, làm cho ngành tài chính trở nên dân chủ hơn bao giờ hết.
Nhưng những cuộc cách mạng thường kết thúc bằng sự tàn phá. Và cuộc cách mạng fintech đã tạo ra một môi trường chín muồi cho sự bất ổn và gián đoạn. Quá trình này sẽ diễn ra theo 3 hướng.
Thứ nhất, các công ty fintech dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bất lợi hơn so với các ngân hàng phố Wall. Bởi vì kích thước nhỏ và không có nguồn thu đa dạng, các công ty fintech có thể dễ dàng bị đỗ vỡ khi mà có một tác động bất lợi xảy đến. Chúng ta có thể lấy ví dụ về Mt. Gox, vốn từng là một trong những sàn giao dịch bitcon lớn nhất thế giới cho đến khi bị hacker tấn công và sụp đổ vào năm 2014, gây ra thiệt hại trị giá hơn 3,5 tỷ USD (theo thời giá hiện tại của bitcoin).
Thứ hai, các công ty fintech khó được giám sát hơn các công ty tài chính thông thường. Bởi vì chúng hoạt động dựa vào các thuật toán phức tạp của máy tính, thật khó cho những người ngoại đạo hiểu được rõ ràng những rủi ro và lợi ích mà các mô hình kinh doanh mới này mang lại. Và bởi vì nhiều công nghệ fintech quá mới mẻ và sáng tạo, chúng có thể vượt ra ngoài khuôn khổ của các khuôn khổ luật pháp cũ. Sự phổ biến gần đây của các đợt chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) đã khiến cho các nhà chức trách khắp thế giới loay hoay tìm cách phản ứng.
Thứ ba, ngành fintech chưa tạo ra được các bộ quy định bất thành văn trong ngành, vốn đã là kim chỉ nam cho các tổ chức tài chính truyền thống. Trong năm 2008, khi Lehman Brothers đang ở bên bờ vực phá sản, những người đứng đầu các ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall đã tập trung ở New York để điều phối các hoạt động của họ và ngăn chặn tình trạng hoảng loạn lan rộng ra. Thật khó để tưởng tượng một sự phối hợp như thế trong thế giới fintech hiện nay. Ngành fintech là rất mới mẻ và có thành phần đa dạng, khiến các công ty có ít động lực để hợp tác vì lợi ích chung. Thay vào đó, họ ưu tiên cho tăng trưởng và khuyến khích các hành vi liều lĩnh.
Vậy, chúng ta nên làm gì để giúp cho fintech an toàn hơn? Thật không dễ để có thể đưa ra câu trả lời, nhưng trước mắt chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ Abu Dhabi và Singapore. Các chính phủ này đã đưa ra các khuôn khổ luật mới, giúp các công ty fintech có thể hợp tác với các nhà chức trách để đảm bảo sự an toàn và tính bảo đảm cho hoạt động kinh doanh. Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) cũng đã tạo ra một chương trình tương tự.
Nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta phải nhận ra nhu cầu giải quyết những vấn đề đã đề cập ở trên. Thung lũng Sillicon, chứ không phải Phố Wall, mới chính là tương lai của ngành tài chính.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg