manager-magazin.de

 
Thứ Ba | 22/08/2017 15:32

Masayoshi Son, nhà tỷ phú "đi ngược gió" của nước Nhật

Người Nhật thường rất thận trọng về tài chính, nhưng Masayoshi Son thì sẵn sàng chi ra hàng triệu USD hay thậm chí hàng tỷ USD để đầu tư vào các startup.

Masayoshi Son, người sáng lập kiêm CEO tập đoàn viễn thông SoftBank Group, không chỉ đon thuần là người giàu nhất Nhật Bản hay một nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Trên tất cả, Son là doanh nhân Nhật Bản duy nhất dám phá vỡ các khuôn khổ bảo thủ đã tồn tại hàng chục năm nay ở đất nước mặt trời mọc.

Những lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản thường có thái độ bảo thủ về tài chính, trong khi đó thì Son lại liên tục đưa ra các quyết định đầu tư trị giá hàng triệu USD, đôi khi lên tới hàng tỷ USD vào các công ty startup khác nhau, dù có những công ty không liên quan trực tiếp đến hoạt động cốt lõi của SoftBank.

Jesper Koll, người phụ trách về thị trường Nhật Bản tại quỹ ETF WisdomTree, nhận xét về Son: "Ông ấy đang làm một cái gì đó cực kỳ độc đáo so với thông lệ tại Nhật Bản. Thật đáng buồn khi ông ấy là doanh nhân duy nhất của Nhật Bản đang tạo ra những biên giới mới về công nghệ."

Trong thời buổi mà các tiến bộ công nghệ mới đang liên tục "phá bĩnh" các tập đoàn lâu đời, những nhà lãnh đạo khôn ngoan đang tìm cách theo kịp thời đại thông qua việc bỏ tiền vào nghiên cứu và phát triển, hoặc đầu tư và mua lại các startup có ý tưởng mới. Tập đoàn SoftBank của Son đang làm cả hai việc này cùng lúc.

Đặt cược vào các startup thành công

Lĩnh vực kinh doanh chính của SoftBank là viễn thông, với 2 thị trường chủ đạo là Nhật Bản và Mỹ (thông qua cổ phần chi phối tại công ty Sprint). Nhưng đồng thời, SoftBank cũng có doanh thu từ các lĩnh vực công nghệ khác.

Tập đoàn này đã có một số khoản đầu tư nổi bật trong thời gian gần đây, bao gồm cả việc mua lại nhà sản xuất chip ARM (Anh) với trị giá 32 tỷ USD vào năm ngoái, thâu tóm lượng cổ phần trị giá 4 tỷ USD trong hãng sản xuất chip Nvidia của Mỹ trong năm nay, cộng thêm một khoản đầu tư 2,5 tỷ USD cho công ty thương mại điện tử Flipkart (Ấn Độ).

Thương vụ đầu tư vào Flipkart được Son thực hiện thông qua quỹ Vision Fund, được góp vốn bởi SoftBank, quỹ đầu tư của chính phủ Ả Rập Saudi, cũng như các tập đoàn công nghệ Apple, Foxconn, Qualcomm và Sharp. Vào tháng 5, quỹ này tuyên bố đã huy động được 93 tỷ USD và hy vọng sẽ tăng lên 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

Ngoài ra, SoftBank cũng có nhiều khoản đầu tư khác. Ví dụ, hãng đã mua lại cổ phần chi phối trong công ty viễn thông Sprint của Mỹ với giá khoảng 36 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2013. Son cũng là một trong những nhà đầu tư ban đầu vào Yahoo và Alibaba, từ lúc mà định giá của Alibaba còn chưa tới 100 triệu USD.

Giữa năm 2012 và năm 2017, SoftBank đã thực hiện hàng loạt thương vụ đầu tư cực lớn. Theo dữ liệu của Dealogic (tính luôn cả các khoản đầu tư của Vision Fund), từ năm 2012 đến tháng 8/2017, SoftBank đã công bố 383 thương vụ với tổng trị giá khoảng 125,76 tỷ USD.

Tất cả những thương vụ này đều có thể được chia làm 2 nhóm: những công ty công nghệ mới nhất (cutting-edge) hoặc các công ty công nghệ đã thành danh và ở vị trí đầu ngành.

Ông Hans Tung, lãnh đạo quỹ GGV Capital, nói với CNBC: "Họ (SoftBank) biết rằng nếu họ cứ đầu tư vào những công ty hàng đầu trong một lĩnh vực đột phá thì cơ hội sẽ là rất lớn. SoftBank rất giỏi trong việc phát hiện và đầu tư vào những ý tưởng đã được chứng minh trong một thị trường phát triển, nhưng họ cũng muốn đầu tư vào các công ty địa phương đang chiếm vị trí dẫn đầu trong những thị trường mới nổi".

Ví dụ, trong ngành dịch vụ gọi xe, SoftBank đang đầu tư vào Grab (Singapore) và Ola (Ấn Độ). Gần đây, SoftBank cho biết họ sẽ xem xét đến việc đầu tư vào Uber hoặc Lyft, những dịch vụ gọi xe hàng đầu của Mỹ.

Đôi khi, SoftBank lại đầu tư vào công ty đứng số 2 trong một ngành, và sau đó nhắm đến việc sáp nhập công ty này với công ty đứng số 1, ông Tung nói. Đó là trường hợp của Didi Chuxing (Trung Quốc). Công ty được thành lập từ sau sụ sáp nhập giữa Didi Dache và Kuaidi Dache (do SoftBank hậu thuẫn).

Trong khi lĩnh vực viễn thông vẫn đóng góp một phần đáng kể cho doanh thu của SoftBank, các nhà phân tích cho biết SoftBank không tự coi mình là một doanh nghiệp viễn thông.

Kirk Boodry, nhà phân tích tại New Street Research, cho biết: "SoftBank không tự coi mình là một doanh nghiệp viễn thông, nhưng họ thích dòng tiền từ ngành này và coi đây là công cụ để thúc đẩy những tham vọng công nghệ của họ". Ông Boodry nói thêm rằng nếu SoftBank nghĩ rằng định giá cổ phiếu ngành viễn thông là đủ cao, công ty có thể bán luôn cổ phần ở Sprint.

"Chúng tôi nghĩ SoftBank muốn hiện diện trên toàn bộ chuỗi giá trị", Boodry nói.

Kế hoạch tương lai

Son là người có tầm nhìn xa về những tiến bộ công nghệ trong tương lai, và ông thích lập ra các kế hoạch trung hạn đến dài hạn để đạt được những mục tiêu nhất định. Ví dụ, từ năm 19 tuổi Son đã vẽ ra kế hoạch 50 năm cho những tham vọng kinh doanh của mình, đặt ra các mục tiêu cho mỗi thập kỷ để xây dựng SoftBank thành một tập đoàn công nghệ khổng lồ như ngày hôm nay. Ông cũng đã đưa ra một bản kế hoạch 300 năm cho quá trình phát triển của SoftBank.

Hồi năm 2010, Son đã đưa ra kế hoạch 30 năm cho SoftBank với chủ đề chính là "Cách mạng Thông tin", nhấn mạnh vào việc sử dụng các công nghệ mới trong các lĩnh vực như thần giao cách cảm và tăng tuổi thọ con người lên 200 năm.

Mặc dù các mục tiêu này vẫn còn xa vời, nhưng các công ty con của SoftBank, cũng như các công ty mà họ đầu tư, đều đang đẩy mạnh việc tham gia vào các lĩnh vực như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo và học máy.

Ví dụ, công ty con SoftBank Robotics đã tạo ra Pepper - một robot có khả năng đọc cảm xúc và tương tác với con người - và hợp tác với Alibaba và Foxconn để đưa nó ra các thị trường toàn cầu.

Vào tháng 7 vừa qua, SoftBank cùng với một số công ty khác đã đầu tư 159 triệu USD vào startup Nauto (Mỹ), vốn chuyên sản xuất các camera có thể theo dõi hành vi của người lái xe trong thời gian thực và biết liệu họ đang bị phân tâm hay không.

Một công ty khác mà SoftBank có nắm cổ phần là Didi Chuxing thì đang nghiên cứu việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực an ninh và xe hơi, thông qua một phòng thí nghiệm mới ở Thung lũng Silicon.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, không ai biết mô hình kinh doanh tiếp theo sẽ là gì. Đó cũng chính là thứ mà Son đang tìm cách khám phá, Koll bình luận.

Tài trợ tầm nhìn cho tương lai

Được công bố lần đầu tiên vào năm 2016, một phần mục tiêu của quỹ Vision Fund là nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Son cho tương lai. Quỹ này chuyên thực hiện các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty chuyên về IoT, trí thông minh nhân tạo, robot, ứng dụng di động, và nhiều hơn nữa. 

SoftBank đã cam kết đầu tư 28 tỷ USD vào quỹ này, thông qua số cổ phần ở ARM và tiền mặt.

Nhưng một số nhà đầu tư đã đặt câu hỏi liệu SoftBank có đang góp phần bơm phồng một bong bóng định giá mới trong lĩnh vực công nghệ hay không. Bản thân Son cũng không xa lạ gì với câu chuyện bong bóng: trước đây vào đầu những năm 2000, gia tài của ông đã từng có lúc bị bay hơi mất 99% trong năm 2000 sau khi bong bóng dot-com nổ tung.

Boodry nói: "Nhìn chung, các thương vụ trong quá khứ của Son khá thành công, nên ông ấy có thể sẽ đạt kết quả tốt".

Mạnh Đức

Nguồn CNBC