Mark Zuckerberg và con đường sắp tới của đế chế Facebook
Vào thời La Mã cổ đại, cử chỉ nắm bàn tay lại và giơ ngón cái lên được xem là biểu hiện cho uy quyền tối cao của hoàng đế La Mã: với cử chỉ đó, vị hoàng đế có thể tha chết cho những võ sĩ giác đấu bị đánh bại trên đấu trường. Ngày hôm nay, theo tờ The Economist, sức mạnh của biểu tượng đó đã quay trở lại thông qua logo Like của Facebook.
Tờ báo này thậm chí còn đưa ảnh chân dung CEO Mark Zuckerberg vào tượng của hoàng đế Constantine đang ngồi trên ngai vàng, với dòng chữ tiếng Latinh “Coniunge et Impera” (kết nối để thống trị), thay cho châm ngôn nổi tiếng của người La Mã là “Divide et Impera” (chia để trị).
Kết nối để thống trị
Có thể thấy chỉ sau 12 năm kể từ ngày thành lập, “đế chế” Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Nếu cộng đồng người dùng Facebook là một quốc gia, đó sẽ là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,6 tỉ người. Trong số đó, có tới khoảng 1 tỉ người bỏ ra hơn 20 phút mỗi ngày cho Facebook. Tại Mỹ, các ứng dụng di động của Facebook chiếm tới 30% băng thông internet di động.
Với doanh thu gần 18 tỉ USD và lợi nhuận 3,7 tỉ USD trong năm ngoái, Facebook đang là công ty niêm yết lớn thứ 6 trên thế giới, với giá trị vốn hóa khoảng 325 tỉ USD. Kể từ năm 2012, Facebook đã bỏ ra hơn 25 tỉ USD cho hàng loạt thương vụ M&A, như thâu tóm mạng xã hội Instagram (1 tỉ USD) hay dịch vụ nhắn tin WhatsApp (22 tỉ USD).
Ban đầu, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đó là những cái giá quá cao, nhưng thực tế cho thấy Facebook đã đầu tư đúng hướng: Instagram đang được giới phân tích dự báo sẽ mang lại doanh thu ít nhất 1,5 tỉ USD trong năm nay và gần 3 tỉ USD vào năm sau, còn WhatsApp đã có tới 1 tỉ người dùng toàn cầu với 42 tỉ tin nhắn mỗi ngày. Nhà điều hành Jeremy Philips của quỹ Spark Capital nhận xét: “Chỉ có 3 công ty có thể đe dọa sự sống còn của Facebook: WhatsApp, Instagram và Snapchat. Zuckerberg đã mua lại 2 trong số đó với cái giá chưa tới 10% giá trị vốn hóa của Facebook”.
Với việc có trong tay WhatsApp (1 tỉ người dùng) và Messenger (800 triệu người dùng), Facebook cũng đã sẵn sàng cho bước phát triển tiếp theo của các ứng dụng nhắn tin. Thay vì tính phí người dùng hay bán quảng cáo, giờ đây Facebook có thể tính phí các công ty muốn cung cấp dịch vụ qua các ứng dụng này. Chẳng hạn, người ta hiện đã có thể đặt xe Uber qua Messenger, hay kiểm tra thông tin chuyến bay và nói chuyện với đại diện của hãng KLM (Hà Lan) trực tiếp qua Messenger.
Ở tuổi 31, nhà sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg thực sự là một trong những nhân vật quyền lực và ảnh hưởng nhất hành tinh. Tuy nhiên, tất cả các thành tựu đó vẫn chưa làm vị “hoàng đế” trẻ tuổi này cảm thấy thỏa mãn.
Hình CEO Mark Zuckerberg của Facebook trên bìa tờ The Economist tuần 9-15.4.2016 |
Từ “pháo đài” Menlo Park, Zuckerberg đang hoạch định một loạt chiến lược mới, sẽ đưa Facebook cạnh tranh trực tiếp với đế chế láng giềng Google. Người chiến thắng trong cuộc chiến này sẽ trở thành kẻ quyết định tương lai của ngành công nghệ.
Thời đại của các đế chế
Facebook và Google đều là những công ty làm giàu nhờ thu thập lượng dữ liệu khổng lồ về thế giới xung quanh để tận dụng cho việc bán quảng cáo. Theo eMarketer, 2 công ty này đang thống trị tới hơn phân nửa thị trường quảng cáo di động toàn cầu trị giá 70 tỉ USD, trong đó Google nắm 35%, còn Facebook nắm 19%.
Nhà phân tích Peter Stabler của Wells Fargo nhận định: “Làm quảng cáo trực tuyến ngày nay bắt buộc phải có 3 thứ: một trang web dành cho di động, một tài khoản Google và một tài khoản Facebook”. Mỗi bên đều có một thế mạnh nhất định: trong khi Google là nơi để tra cứu thông tin và dò tìm bản đồ, Facebook lại là nơi cập nhật xem mọi người xung quanh đang làm gì.
Tuy nhiên, một khi đã cùng theo đuổi việc thu thập toàn bộ dữ liệu của thế giới thì sớm muộn 2 gã khổng lồ này cũng sẽ có vài ý tưởng lớn gặp nhau. Ví dụ đầu tiên là việc đưa internet đến hàng tỉ người chưa được kết nối ở các quốc gia đang phát triển. Trong khi Facebook dự định triển khai một mạng lưới máy bay điều khiển từ xa vận hành bằng pin mặt trời để truyền dữ liệu bằng tia laser, Google đã cho triển khai các khinh khí cầu đóng vai trò như vệ tinh tầm thấp.
Ngoài ra, để phân tích và hệ thống hóa dữ liệu, Facebook cũng đang đẩy mạnh mảng trí tuệ nhân tạo (AI). Thông qua kỹ thuật học máy (machine learning), Facebook đã đưa ra những tính năng như tự động nhận dạng ảnh hay xác định xem nội dung nào là phù hợp nhất để đưa lên trang tin của người dùng.
Mới đây, tại Hội nghị F8 giới thiệu các công nghệ mới của Công ty, Facebook còn trình làng một chợ ứng dụng mới, cho phép triển khai các AI biết tự đối thoại với con người một cách thông minh (chatbot) trên ứng dụng nhắn tin Messenger. Việc Facebook mua lại start-up thực tế ảo (VR) Oculus với giá 2 tỉ USD hồi năm 2014, cũng như cho phép người dùng tải lên video 360 độ, cho thấy Zuckerberg đang suy nghĩ ra sao về việc công nghệ nào có thể thay thế điện thoại thông minh.
Trên các đấu trường mới này, Facebook không chỉ đối đầu với Google mà còn cả những ông lớn công nghệ khác như Amazon, Apple và Microsoft. Trong việc phát triển AI có thể tương tác với người dùng bằng giọng nói, Facebook đều đang bị tụt lại phía sau tất cả các đối thủ này. Về phía chatbot, Facebook đang bị cạnh tranh gay gắt bởi Microsoft và các start-up mới nổi. Ở mặt trận VR, Facebook cũng phải đối đầu với cả Google và Microsoft, vốn đang đi trước một bước với công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) mang tên HoloLens.
Xét về lâu dài, có thể thấy ngành công nghệ thông tin vẫn đang đi theo xu hướng mà nhà đồng sáng lập Apple là Steve Wozniak từng phát biểu tại Việt Nam hồi năm ngoái: Các công nghệ tương tác ngày càng trở nên tự nhiên và gần gũi hơn với hành vi con người. Thông qua AI, chatbot, VR và AR, có thể chỉ cần vài năm nữa thôi chúng ta hoàn toàn có thể làm mọi việc bằng giọng nói, cử chỉ thông thường và cả thế giới xung quanh sẽ biến thành một màn hình khổng lồ.
Quyền lực của đám đông
Lẽ dĩ nhiên, việc thu thập khối lượng dữ liệu khổng lồ về hàng tỉ con người khắp thế giới không phải là điều được mọi người ủng hộ, với hàng loạt lý do chính đáng: quyền giữ riêng tư cá nhân, việc bảo mật thông tin, nỗi lo ngại về độc quyền và các hệ thống khép kín. Càng theo đuổi mục tiêu này, Facebook càng dễ thu hút sự chú ý của các cơ quan chính phủ và giới luật sư, như Microsoft và Google từng trải qua.
Tại Ấn Độ, chính phủ nước này đã buộc Facebook phải ngưng cung cấp dịch vụ internet di động miễn phí mang tên Free Basics vì lo ngại công ty này sẽ độc quyền. Tại Đức, Facebook cũng đang bị điều tra về việc có lạm dụng vị thế số 1 thị trường hay không. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có kế hoạch buộc Facebook cùng Google và Amazon phải công khai việc họ đóng bao nhiêu thuế ở từng quốc gia trong EU.
Facebook cũng không thể không dè chừng Snapchat. Từng một thời được Zuckerberg chào giá 3 tỉ USD hồi năm 2012, nay Snapchat đã được định giá tới khoảng 16 tỉ USD. Mặc dù mới có khoảng 100 triệu người dùng và chỉ có phiên bản cho điện thoại thông minh, nhưng Snapchat đang trở thành mạng xã hội số 1 của thế hệ trẻ. Theo khảo sát giới thiếu niên Mỹ đầu năm nay của Piper Jaffray, Snapchat đã trở thành mạng xã hội quan trọng nhất đối với họ, qua mặt cả Instagram lẫn Facebook. Đây là một cuộc lật đổ đầy ngoạn mục, khi mà mới 1 năm trước Snapchat còn ở vị trí thứ 4.
Đáng chú ý hơn, dù có số lượng người dùng thấp hơn nhiều nhưng số lượng lượt xem video hằng ngày trên Snapchat đã là 8 tỉ, ngang ngửa với Facebook. Đây là điều không thể xem thường, nhất là khi thị trường quảng cáo video trực tuyến đang phát triển cực mạnh, được eMarketer dự báo đạt 9,6 tỉ USD trong năm nay chỉ riêng ở Mỹ, trong đó có 5,5 tỉ USD là dành cho di động.
Rõ ràng, việc lèo lái đế chế Facebook trên con đường tiếp tục tạo ra hàng tỉ USD lợi nhuận và vượt qua được các rào cản lớn như thế này sẽ là thách thức không nhỏ đối với Zuckerberg. The Economist bình luận: “Ngay cả các hoàng đế La Mã cũng có thể bất ngờ trở thành kẻ thù của đám đông. Hãy hoan hô Mark Zuckerberg, nhưng cũng đừng quên lo lắng cho anh ta”.
Tuấn Minh