Louis Lưu Thế Ngọc: Người nặng lòng với đất mẹ
Trời Sài Gòn trút vội cơn mưa cuối mùa xuống phố. Người đàn ông dáng người tầm thước tiến vào quán, khuôn mặt phúc hậu ẩn hiện sau chiếc mũ trắng Boater đội lệch. Ðó là ông Louis Lưu Thế Ngọc, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân Việt kiều OVBC, người đang bận rộn chuẩn bị cho buổi hội thảo thường niên của OVBC trước chuyến bay trở về Mỹ. Ở nơi đất khách, ông hiện được mời làm thành viên trong phái đoàn vận động tranh cử tại tiểu bang California của nghị sĩ Hillary Clinton thuộc đảng Cộng hòa, ứng cử viên Tổng thống Mỹ thứ 45.
Tích tiểu thành đại
Trải qua hơn 40 năm sống tại Mỹ và là một trong những kỹ sư Việt Nam đầu tiên làm việc cho IBM, ông Louis vẫn tự nhận mình là “người con nặng tình với đất mẹ”. Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp tại hơn 10 quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng ngay giai đoạn Đổi mới năm 1986, ông chính là một trong những triệu phú Việt kiều đầu tiên hồi hương.
Ngày đó, việc đầu tiên ông Louis làm ngay khi đáp máy bay đến Hà Nội là xin phép một gia đình ở phố cổ cho mình tham gia cùng gói và nấu bánh chưng đón giao thừa. Gần nửa thế kỷ xa quê, mùi than củi của bếp lửa mùa đông xen lẫn trong gió lạnh là khoảnh khắc đoàn tụ linh hồn Việt mà ông lúc nào cũng mong mỏi trải nghiệm khi trở về thăm đất mẹ Hà thành.
13 năm trước, ông Louis đồng sáng lập Câu lạc bộ doanh nhân Việt kiều dựa trên nhu cầu giao lưu, trao đổi thông tin và kết nối đầu tư 2 chiều giữa cộng đồng doanh nhân người Việt trong và ngoài nước. Hiện tại, khi lượng FDI đầu tư vào Việt Nam đạt mốc 11,8 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ, cũng là lúc OVBC đã vượt qua con số 1.000 thành viên.
Lượng kiều hối dự kiến đổ về nước trong năm nay sẽ đạt mốc ấn tượng 14 tỉ USD. Trong đó, tỉ lệ kiều hối đầu tư cho sản xuất, kinh doanh chiếm trên 70,6%, đổ vào bất động sản chiếm khoảng 20,7%. Cùng với người bạn vong niên Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch OVBC, ông Louis như một “cây cầu thầm lặng” kết nối hàng ngàn lượt doanh nhân khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Mỹ lẫn Việt Nam.
Bằng kinh nghiệm đầu tư thực tiễn, ông Louis Lưu Thế Ngọc luôn cởi mở chia sẻ những bài học thành công lẫn thất bại đã tích lũy được sau thời gian hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. “Từng xảy tay bay ngay vài triệu USD giai đoạn đầu những năm 1990, nên tôi thấu hiểu và đồng cảm trước những khó khăn của các doanh nhân Việt kiều khi phải thích nghi với thủ tục, thể chế và môi trường kinh doanh tại quê hương”, ông bộc bạch.
Ông Louis Lưu Thế Ngọc, đồng sáng lập Câu lạc bộ doanh nhân Việt kiều - Ảnh: Linh Phạm |
Một vị doanh nhân nổi tiếng trong ngành đồ uống đã chia sẻ với người viết một kỷ niệm thú vị về ông Louis, khi 2 người gặp nhau trong chuyến công du tại Mỹ nhiều năm trước. Khi ấy, ông Louis là trưởng đoàn doanh nhân Việt kiều Mỹ đón tiếp phái đoàn ngoại giao và đoàn doanh nhân Việt Nam sang xúc tiến thương mại. Tại khu trung tâm California, ông Louis đã khiến tất cả không khỏi ngỡ ngàng khi tự mình đi lòng vòng tìm chỗ đậu xe và từ chối sử dụng dịch vụ đậu xe giúp khách với phí 10 USD/lần của nhà hàng. “Tích tiểu thành đại, tôi tiết kiệm tiền phí này dành xây cầu cho đám trẻ nhỏ ở quê nhà”, ông Louis đã trả lời như vậy khi nhận được thắc mắc của vị doanh nhân kể trên.
Những cây cầu xanh
Nói là làm, trong hơn 10 năm qua, ông Louis Lưu Thế Ngọc đã âm thầm đồng hành hỗ trợ quan hệ, kinh phí, thủ tục để nhóm Việt kiều do kiến trúc sư Nguyễn Văn Công (Việt kiều Pháp) dẫn đầu đi dọc các tỉnh miền Tây và xây dựng miễn phí hơn 200 “cây cầu xanh” nối liền hy vọng đến trường của hàng vạn trẻ em miền sông nước. Cây cầu dài nhất là 80 m, cũng có những chiếc nhỏ xinh chỉ dài 50 m. Những nụ cười hồn hậu của trẻ thơ và cư dân ở những nơi có cầu mới xây xong khiến ông Louis như nhẹ bớt nỗi ưu tư về sự nhọc nhằn của họ.
“Tôi mong lắm các nhà lãnh đạo sẽ chú tâm ưu tiên đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạng tầng, cả phần cứng và phần mềm để những vùng quê Việt Nam phát triển giàu mạnh hơn. Ngân sách quốc gia mỗi năm chi cho đầu tư phát triển hạ tầng chỉ chiếm 3% GDP, so với các quốc gia khác thì còn mỏng và khiêm tốn”, ông Louis nói. Theo vị doanh nhân Việt kiều này, những hoạt động hướng đến lợi ích chung lâu dài và bền vững cũng luôn là mục đích hướng đến của những kiều bào xa quê như ông.
Tiếp đây, ông Louis và cộng sự sẽ đi khảo sát các tỉnh miền Trung để tìm hiểu thực trạng địa chất, nhằm triển khai nhiều hơn nữa những “cây cầu xanh” dân sinh. Tín hiệu lạc quan nhất lần này chính là nhóm của ông đã được sự chủ động mời hợp tác, góp sức 50% kinh phí từ ngân sách các tỉnh. Ông và cộng sự đang đáp lại lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường hồi đầu năm về dự án xây dựng thêm nhiều cầu treo dân sinh. Hiện nay dự án xây dựng 186 cầu treo dân sinh ngân sách nhà nước mới bố trí được 400 tỉ đồng, hiện còn thiếu hơn 500 tỉ đồng vẫn chưa bố trí được.
Ban đầu, OVBC thành lập với thành viên chính thức chỉ là các doanh nhân Việt kiều khắp năm châu, những người đang sinh sống tại nước ngoài hoặc đã về Việt Nam đầu tư kinh doanh. Nhưng trải qua thời gian, khi uy tín của câu lạc bộ ngày càng lớn mạnh, đã có hơn 700 thành viên mới là các doanh nghiệp Việt Nam vì biết tiếng OVBC mà tự nguyện đăng ký tham dự. Tháng 7 vừa qua, Câu lạc bộ Doanh nhân Việt, tiền thân là OVBC, đã chính thức được thành lập nhằm củng cố sự lớn mạnh về mọi mặt của câu lạc bộ, mở rộng phạm vi gắn kết giữa các doanh nhân gốc Việt thành đạt.
Đều đặn mỗi tháng một lần, Câu lạc bộ Doanh nhân Việt lại sinh hoạt thường kỳ để thảo luận về những thay đổi trong chính sách, cũng như cập nhật cơ hội kinh doanh, đầu tư mới. “Vừa qua, chính sách cho phép Việt kiều được sở hữu nhà đất tại Việt Nam hoặc như chính sách gia hạn visa lên 5 năm là những thay đổi lớn trong thể chế. Từ đây, xu hướng hồi hương tái định cư trong những năm tới sẽ rất sôi nổi vì những người con đất Việt nặng lòng với đất mẹ còn rất nhiều”, ông Louis chia sẻ.
An Cầm