Lance Uggla đã đưa IHS Markit trở thành một mỏ vàng dữ liệu trị giá hàng chục tỉ USD. Ảnh: thetimes.co.uk

 
Văn Quốc Thứ Sáu | 08/01/2021 08:00

Lance Uggla người biến dữ liệu thành vàng

Lance Uggla đã đưa IHS Markit trở thành một mỏ vàng dữ liệu trị giá hàng chục tỉ USD.

Là một doanh nhân khởi nghiệp thành công đòi hỏi phải có tầm nhìn lớn và khả năng kiên trì bám đuổi để biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Lance Uggla, người đã đưa những dữ liệu tài chính khô khan thành mỏ vàng mà được biết đến với cái tên IHS Markit, sở hữu cả 2 đặc điểm quan trọng này. Việc ông quyết định chấp nhận lời đề nghị thâu tóm 44 tỉ USD từ tập đoàn cung cấp dữ liệu Mỹ S&P Global vào cuối năm 2020 được xem là nấc thang cao nhất trong sự nghiệp miệt mài đưa IHS Markit từ điểm xuất phát là một công ty nhỏ được ông thành lập trong khu vườn ở ngôi nhà St Albans (Anh) của ông vào năm 2002.

Thương vụ với S&P Global là thương vụ mới nhất trong làn sóng M&A giữa các nhà cung cấp dữ liệu lớn nhất trong ngành. Cổ đông S&P Global sẽ nắm giữ xấp xỉ 67,75% cổ phần, cổ đông IHS nắm giữ số cổ phần còn lại. Douglas Peterson, CEO S&P Global, sẽ là người đứng đầu công ty sau sáp nhập, còn Uggla vẫn là cố vấn đặc biệt trong 1 năm sau khi thương vụ hoàn tất. Nhưng sau đó, ông sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát một công ty sở hữu các chỉ báo kinh tế và dữ liệu mà ai nấy cũng đều phải dựa vào từ các ngân hàng cho đến các công ty quốc phòng. Một số thông tin dữ liệu có “niên đại” từ vài trăm năm trước.

 

Lance Uggla không hề tiếc nuối khi chia tay công ty do ông sáng lập. Cha ông, từng là nhà quản lý một nhà máy cưa, rất lo lắng thương vụ bán IHS Markit có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đứa con trai đầy tham vọng của mình. Nhưng Uggla, luôn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm tin tuyệt đối vào bản thân dù đã ở tuổi 58, đã trấn an cha rằng ông có rất nhiều kế hoạch đặt ra cho mình. “Không ai ép tôi phải bán công ty cả. Tôi thực sự rất phấn khởi về điều đó”, ông nói.

Uggla không phải là người London chính hiệu mà nhập cư từ Canada. Sau một tuổi thơ rày đây mai đó ở miền Tây Canada, ông đã lấy bằng kinh doanh từ Đại học Simon Fraser và sang Anh vào giữa thập niên 1980 để học kế toán và tài chính tại Trường Kinh tế London. Vào thập niên 1990, ông trở thành chuyên viên giao dịch tại TD Securities. Thời gian này, Uggla đã bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả cho những tài sản tín dụng khó định giá. Vụ sụp đổ của tập đoàn năng lượng Enron vào năm 2001 đã khiến nhiều ngân hàng nhận ra rằng họ rất cần các dữ liệu định giá tốt hơn. Vì thế, Uggla quyết định thành lập một công ty cung cấp các dữ liệu mà ngành ngân hàng cần đến. Khi cái tên đầu tiên của Công ty - Markit.com dường như “dọa sợ” các nhà đầu tư tiềm năng giữa lúc bong bóng dotcom xì hơi, ông đã đổi tên thành Markit Partners.

Sau đó, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hóa ra lại là cơ hội ngàn năm có một cho công ty của Uggla khi các cú sốc này đã đẩy cao chưa từng có nhu cầu từ phía các chuyên viên giao dịch và từ các cơ quan quản lý nhà nước khi họ cần nhiều dữ liệu hơn để có được cái nhìn đầy đủ hơn về những thị trường còn kém minh bạch. Đến năm 2012, ông đã gây tiếng vang đến nỗi ông đã được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân nước Anh của Năm” do Ernst & Young trao tặng. Thành công của Markit đã đưa Uggla vào vị thế cạnh tranh trực tiếp với Bloomberg và Thomson Reuters trong việc cung cấp các dữ liệu thị trường tài chính.

 

Một cuộc sáp nhập trị giá 13 tỉ USD với IHS (sở hữu đa dạng dữ liệu từ dữ liệu về các ngành ô tô và công nghệ cho đến thông tin về an ninh và quân sự) đã cho Markit quy mô và tính đa dạng mà Uggla luôn khao khát để có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn trong ngành. Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và những tiến bộ về năng lực máy tính chỉ càng đẩy tăng nhu cầu đối với các dữ liệu độc quyền của Markit, khi các quy trình đáng lẽ phải mất hàng tiếng đồng hồ thì giờ hoàn tất chỉ trong vài giây. “Nó cho phép chúng tôi thực hiện hàng trăm ngàn kịch bản khác nhau để tìm ra cây kim trong đống cỏ khô và tạo ra lợi thế cạnh tranh so với những gì chúng tôi đã làm trước đó”, ông giải thích vào năm 2018.

Theo thông tin nộp lên cơ quan quản lý, với thương vụ bán IHS Markit, Uggla sẽ được nhận 46 triệu USD theo điều khoản chuyển quyền kiểm soát. Ngoài ra, ông là một trong những cổ đông cá nhân lớn của IHS Markit, nắm giữ số cổ phần trực tiếp 0,3% mà giá trị đã tăng mạnh lên 120 triệu USD sau thông tin về thương vụ bán lại cho S&P Global. Ông và gia đình cũng là những người thụ hưởng của một quỹ ủy thác nắm giữ một khoản cổ phần không được tiết lộ trong IHS Markit. Số tài sản trên cho phép ông có thể thoải mái theo đuổi những đam mê của mình như trượt tuyết và du thuyền.

Hiện tại, Uggla cho biết chưa có chiến lược kinh doanh dài hạn rõ ràng sau khi rời khỏi IHS Markit nhưng ông hứng thú với các thị trường phát triển để hỗ trợ cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, sử dụng dữ liệu tốt hơn để phác thảo cuộc chuyển giao sang một thế giới carbon net zero. “Điều đó thực sự quan trọng đối với tôi. Tôi muốn trở thành một phần của nó”, ông nói.

Ảnh:TL
Ảnh:TL

Những người đã làm việc với Uggla đều nhận xét năng lượng của ông là vô tận. Tính tình cởi mở của ông luôn chinh phục người đối diện với lối giao tiếp thẳng thắn và rõ ràng. Đặc biệt ông luôn chuyên tâm và trung thành với những gì mình tin tưởng. Michael Spencer, một người bạn lâu năm và cũng là một doanh nhân rất thành công, nhận xét: “Ở Uggla luôn toát ra sức cuốn hút rất tự nhiên, là một người đầy tham vọng và rất chuyên tâm”.

Với lòng nhiệt huyết và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, Uggla sẽ không dừng lại sau hành trình dài với IHS Markit. “Tôi đã 58 tuổi và còn rất nhiều điều phải làm. Điều chắc chắn là tôi sẽ không làm những gì cạnh tranh với công ty mà tôi đã tạo lập nên”, ông nói.