Làm giàu từ Tràm Gió
Huyện Mộc Hóa ở vùng Đồng Tháp Mười giờ đây nhà cửa đã thi nhau mọc lên san sát. Hỏi người dân địa phương mới biết rằng cách đây chỉ mới 30 năm thôi, nơi đây tịnh nhiên không một bóng người. Ngày trước, cả người lẫn cây lương thực đều không sống nổi vì phèn ngấm nặng vào đất. Phèn khiến Mộc Hóa bị bỏ hoang.
Nhưng riêng với dược sĩ Nguyễn Văn Bé, phèn lại là vàng. Nhờ phèn, Tràm Gió đã sinh sôi nảy nở thành rừng. Ít ai biết rằng tinh dầu Tràm Gió có giá trị kinh tế rất cao. Giá loại dầu này trên thế giới luôn ở mức 9-10 USD/kg, cao gấp nhiều lần các loại dầu dược liệu khác. Biết tiềm năng của Tràm Gió, năm 1984, ông Bé rời TP.HCM xuống Mộc Hóa xin khai thác 2.000 ha rừng tràm bỏ hoang. Sau hơn 30 năm, Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười do ông thành lập đã thành vùng trồng và sản xuất dược liệu lớn nhất cả nước.
Cơ duyên dầu gió
Niềm đam mê của ông Bé với Tràm Gió bắt nguồn từ sự tò mò với loại dầu hay dùng để cạo gió trong dân gian. Qua đề án nghiên cứu tràm ở Đồng Tháp Mười vào năm 1980, ông nhận ra loại dầu ấy chính là tinh dầu từ lá tươi của cây Tràm Gió, nên mới có tên dầu Gió. Dầu có màu trắng, vị và mùi thơm hăng nồng. Trong đó, chất cienol chiếm đến 72% và nhiều chất khác trị hiệu quả các bệnh cảm sốt, đau nhức xương khớp và viêm da dị ứng. Cây này ít bệnh, lại lớn khỏe trên đất phèn ven biển miền Trung và Nam Bộ của Việt Nam.
Dược sĩ Nguyễn Văn Bé, Công ty Cổ Phần Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười |
Sau khi được cấp phép sử dụng 2.000 ha đất rừng do Tỉnh ủy Long An cấp, ông Bé không vội “nấu tràm” như nhiều cơ sở dược liệu ở miền Trung hay làm. Thông thường, lá Tràm được nấu với nước để vớt tinh dầu nổi lên. Nhưng khi nhiệt độ ở đáy nồi có thể lên đến 120oC, chất hóa học dễ bị kết thành nhựa hoặc biến chất làm giảm chất lượng dầu. Vì thế, ông phải mất thêm cả năm trời mày mò công nghệ chưng cất bằng hơi nước.
Cuối cùng, những mẻ dầu Gió của ông Bé cũng đạt chất lượng đồng đều với cienol ở mức 60%, cung ứng được cho nhiều công ty dược phẩm lớn như Domesco Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Dược phẩm TW25, Công ty Cổ phần Dược phẩm 2/9... và đem lại doanh thu ban đầu 20 triệu đồng.
Nhờ công nghệ và nguyên liệu thiên nhiên có sẵn, xí nghiệp của ông Bé bắt đầu nổi tiếng trong vùng. Trong vòng 6 năm tiếp theo, 600 lao động khắp nơi ồ ạt đổ về cùng khai hoang rừng tràm. Các hộ dân và trường học bắt đầu mọc lên giữa đất hoang Mộc Hóa. Nhà máy đi vào công suất tối đa, cho ra 50 tấn/năm trên 1.000 ha cây tràm. Doanh thu cũng bắt đầu chạy từ mức 20 triệu đồng lên hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Nhưng, ngay chính vào đỉnh cao sự nghiệp, ông Bé lại phải thừa nhận rằng mình đã có lỗi lớn với con cháu rồi.
Giàu phải bền vững
Quả thực, mặt trái của bài ca khải hoàn đã lộ diện. Lá phổi của Đồng Tháp Mười với trên 2.000 ha rừng tích tụ qua nhiều thế kỷ đã bị mất một nửa chỉ trong 6 năm hoạt động của xí nghiệp này. “Ngoảnh lại, 6 năm trời cứ đốn cứ chặt, hơn một nửa khu rừng đã trụi lủi,” ông Bé hối hận.
Từ một người tiên phong khai hoang, ông kiên quyết chuyển sang bảo tồn rừng vào đầu những năm 1990. Ðược chính quyền địa phương ủng hộ, ông bỏ 2 từ khai thác ở tên Xí nghiệp Khai thác Dầu Tràm Mộc Hóa để thay thế bằng Bảo Tồn kể từ năm 1988. Sau đó, công ty của ông Bé có đổi tên thêm vài lần nữa, nhưng 2 chữ Bảo Tồn vẫn được giữ nguyên.
Trên 1.000 ha rừng còn lại, ông Bé chi 600 triệu đồng xây 100 km đê bảo vệ xung quanh rừng. Chiến lược kinh doanh cũng chuyển từ chặt sang tự trồng và bảo tồn. Vùng trồng và khai thác dược liệu thu hẹp lại 200 ha trong phạm vi rừng phòng vệ (50 m tính từ bìa rừng). Chúng bao quanh bảo vệ 800 ha lõi rừng tràm nguyên sinh. Nhà máy tinh giảm công suất từ 50 tấn/năm xuống còn 1 tấn/năm kể từ năm 1989. Độc đáo nhất là khâu thu hoạch loại bỏ cơ giới hóa, thay thế toàn bộ bằng sức người. “Người ngắt lá dĩ nhiên không nhanh và nhiều bằng máy. Thế vừa hạn chế phá hoại, vừa tạo công ăn việc làm cho dân trong vùng,” ông Bé giải thích.
Bảo vệ được rừng, nhưng doanh thu đã đảo chiều rớt xuống quanh mức 5-6 tỉ đồng/năm từ năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp lại tỏ ra vui vẻ.
”Lợi nhuận ít nhưng bền vững từ đó đến nay. Tôi cũng cố tình kiềm chế mức tăng của tinh dầu Tràm. Sản phẩm cũng không có phân phối hay quảng cáo gì hết, dù đã ra đời 30 năm nay. Ai muốn mua thì cứ xuống tận nơi đặt hàng. Đường đi khó, hàng ít, người ta mới biết quý dầu, rồi quý rừng. Lợi nhuận ít cũng ngăn người ta thôi nhảy vào xẻ thịt phần rừng còn lại”, ông Bé chia sẻ.
Ngạc nhiên thay, cách này này không chỉ giúp bảo tồn rừng và không bị trộm hay phá hoại (dù không hề có lực lượng bảo vệ), mà còn khiến giá trị tinh dầu tràm trắng của Công ty tiếp tục dẫn đầu thị trường về chất lượng.
Năm 2017, doanh nghiệp của ông Bé dự định sẽ phát triển mô hình thâm canh vùng nguyên liệu. Tức là cấp đất, nguyên liệu và kỹ thuật cho nông dân tự trồng tràm. Đổi lại, Công ty sẽ mua gom sản phẩm đầu ra. Ông còn dự định trồng thêm nhiều loại dược liệu khác như gừng, tỏi, diếp cá... Những loại tinh dầu mới này dự kiến sẽ đẩy doanh số Công ty lên tới 30 tỉ đồng vào năm 2019. Còn “tràm thì vẫn giữ nguyên 1 tấn/năm,” ông Bé đáp chắc nịch.
Khi được hỏi về chiến lược sắp tới để giàu hơn từ trồng dược liệu, vị doanh nhân, dược sĩ này rời mắt khỏi cuốn sổ doanh thu và chỉ tay về phía cánh rừng tràm rộng lớn. “Cứ khai thác rừng dưới 30% thì chắc chắn sẽ giàu mãi”, ông kết luận.
Đoàn Hoa