Thứ Tư | 18/11/2015 08:00

Làm giàu từ CSR: Tại sao không?

86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ đến từ các công ty có cam kết phát triển cộng đồng và môi trường

Nói tới CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), người ta thường nghĩ đó là hoạt động nghiêng về từ thiện, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ đến từ các công ty có cam kết phát triển cộng đồng và môi trường, theo báo cáo Nielsen, câu chuyện CSR đã được nhìn theo một hướng khác.

Nếu như trước đây, FPT thực hiện các hoạt động CSR như một cách chia sẻ thành quả kinh doanh với cộng đồng thì nay, theo bà Trương Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội của FPT, “một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững trong một xã hội kém phát triển và một môi trường bị hủy hoại”. Đó là lý do FPT vạch hẳn một chiến lược CSR hội tụ cả 3 yếu tố: Profit (Lợi nhuận), People (Cộng đồng), Planet (Môi trường). Trong đó FPT ưu tiên đầu tư vào con người, yếu tố mà theo FPT là đảm bảo sự thành công lâu dài cho mọi doanh nghiệp.

Lam giau tu CSR: Tai sao khong?
Tỉ lệ người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ từ các công ty chú ý đến CSR

Với thế mạnh cốt lõi là công nghê, FPT mong muốn tạo ra một môi trường để tri thức và công nghệ mới phát triển khắp cộng đồng và xã hội. Cuộc thi Giải toán trên mạng ViOlympic là cách để FPT góp phần đổi mới tư duy, cách học cho thế hệ trẻ. Qua 7 năm phát triển, cuộc thi thu hút được 20 triệu học sinh tham gia và trở thành sân chơi trí tuệ. FPT còn lập hẳn hệ thống trường học (trung học, cao đẳng, đại học) với mục tiêu đào tạo ra những con người có khả năng hội nhập và làm việc được ngay. Dù đây là một mảng trong kinh doanh của FPT nhưng nhìn ở góc độ CSR, FPT có thêm kênh bổ sung nguồn nhân lực cho Công ty, tạo sự thuận lợi cho FPT trong triển khai các dự án như chương trình“10.000 kỹ sư cầu nối” (đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin sang Nhật du học, làm việc).

Thực tế, ngoài mang về hàng trăm tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận hằng năm, mảng giáo dục còn giúp FPT triển khai chiến lược toàn cầu hóa. Chẳng hạn, Nhật, quốc gia có hợp tác về đào tạo nhân sự với FPT luôn được xem là thị trường quan trọng số 1, mang lại sự ổn định, bền vững cho FPT.

Đối với Tập đoàn Mỹ Lan, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Mỹ cho biết CSR được hiểu là kinh doanh bài bản, là rõ ràng minh bạch, là tạo môi trường làm việc tốt đẹp ngay từ ban đầu. Bản doanh của Mỹ Lan giống công viên hơn là công ty do trên 65% diện tích đất được dùng để trồng cây. Nhà ăn nhân viên của Tập đoàn ví như một nhà hàng với không gian thoáng mát, rộng rãi, bàn ghế sang trọng. Và dù quy mô doanh nghiệp rộng hàng chục héc-ta nhưng từ nhà ăn đến nhà xưởng, nhà vệ sinh ở Mỹ Lan đều sạch sẽ. Theo ông Mỹ, đó là vì Mỹ Lan rất chú trọng giáo dục văn hóa và ý thức trong nội bộ.

Đáng chú ý, Tập đoàn Mỹ Lan có hẳn hệ thống xử lý nước thải khép kín và hiện đại. Nước thải từ nhà xưởng được đi qua nhiều quy trình xử lý tái tạo nguồn nước, để từ chỗ phụ thuộc toàn bộ nguồn nước từ nhà máy cấp nước, giờ đây Mỹ Lan chỉ phải mua 20% nước bên ngoài. Ngoài tiết kiệm chi phí nước, ông Mỹ cho biết Tập đoàn có thể đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, tưới tiêu. Đây cũng là cách để Mỹ Lan kiểm soát hiệu quả chất lượng nước. Bởi có một số sản phẩm của Tập đoàn cần đến nguồn nước sạch hơn 20-30% so với nước uống.

Cũng như FPT, ngay từ khi mở công ty, Tập đoàn Mỹ Lan đã hợp tác với Đại học Trà Vinh để lập Khoa Hóa học ứng dụng. Các lớp cử nhân ra trường sớm thạo việc và đa phần trở thành nhân viên ở doanh nghiệp này. Đó là lý do dù hoạt động trong ngành ứng dụng hóa học và công nghệ nhưng 80-90% nhân viên ở Mỹ Lan lại là người địa phương.

Mỹ Lan đã chi ra hàng trăm ngàn USD cho hệ thống xử lý nước thải, hàng triệu USD để tạo dựng môi trường làm việc xanh sạch đẹp cũng như đầu tư không ít cho đào tạo, chăm lo nhân viên... Nhưng khoản nhận về của Mỹ Lan cũng không nhỏ. Đó là sự trung thành của nhân viên, là sự tin tưởng của bạn hàng, là vượt qua những khảo sát, đánh giá với các tiêu chuẩn gắt gao từ đối tác nước ngoài. Kết quả, 70% sản phẩm của Mỹ Lan được xuất khẩu. Doanh thu năm 2014 của Mỹ Lan xấp xỉ 500 tỉ đồng. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước như kẽm in offset chiếm thị phần đến 60%. Quan trọng hơn, nói như ông Mỹ, “trong đầu tôi không có khái niệm sợ bị cạnh tranh”.

Đồng quan điểm, ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết đầu tư vào công nghệ, con người, vì môi trường xanh sạch... tuy khá tốn kém nhưng đã giúp Công ty có những lợi thế cạnh tranh vượt trội. Chẳng hạn, kể từ sau khi đưa vào hoạt động nhà máy Mỹ Xuân 2 với trang bị hiện đại, được nhập từ các hãng cung cấp công nghệ giấy hàng đầu thế giới như Andritz (Áo), Kadant Lamort (Pháp), Eimco (Phần Lan), GL&V (Canada), Voith (Đức), ABB (Thụy Sĩ)..., Giấy Sài Gòn đã tăng công suất sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên liệu, tạo ra nhiều dòng sản phẩm cao cấp với giá phù hợp. Nhờ đó, Công ty chiếm được vị trí số 1 tại Việt Nam về phân khúc giấy vệ sinh, đứng thứ 2 về mặt hàng giấy công nghiệp. Doanh thu năm 2014 của Công ty đạt trên 1.200 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010.

Nhưng giấy là ngành gây ô nhiễm nặng nên dễ bị mất điểm trong mắt khách hàng. Để khắc phục tình trạng này, Giấy Sài Gòn đã đầu tư 20 triệu USD xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất đạt 17.000 m3/ngày đêm. Công nghệ này cho phép Công ty tái sử dụng đến 90% lượng nước thải, giúp tiết kiệm 2,2% nhiên liệu cũng như giảm phát thải khí ra môi trường.

Với việc đầu tư về công nghệ, xử lý nước thải, tìm kiếm nguyên liệu, phụ gia đảm bảo sản xuất sản phẩm xanh sạch, Giấy Sài Gòn đã được cấp giấy chứng nhận về nguồn gốc nguyên liệu của Mỹ (giá trị đến tháng 11.2019), chứng nhận về quản lý hệ thống năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế của Đức (giá trị đến tháng 3.2018). Đây đều là những tấm vé thông hành thuận lợi cho Công ty trong bước đường tiến ra nước ngoài. Hiện tại, sản phẩm của Giấy Sài Gòn đã xuất khẩu sang 23 nước.

Rõ ràng, làm tốt CSR là con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Nói như ông Nguyễn Thanh Mỹ, kinh doanh bằng một cái tâm tốt sẽ thu về những điều tốt. Vì thế, với nhiều công ty, CSR không phải là chi phí, là giải pháp hay đầu tư mà đó chính là lợi nhuận.

Ngọc Thủy