Thứ Năm | 03/01/2013 09:52

Kinh tế Việt Nam 2013 qua con mắt chuyên gia

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam sẽ không gặp khủng hoảng mà suy thoái từ từ, khiến CP càng khó có biện pháp phòng tránh.

Ông Nguyễn Đình Cung: Đang thiếu đi những phục hồi mang tính nền tảng

Mấy tháng gần đây, tình hình kinh tế vĩ mô của chúng ta đã có dấu hiệu tích cực, lạm phát giảm xuống nhưng ở mức cao so với khu vực và Thế giới. Tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, thanh khoản NH cải thiện,… Rất nhiều yếu tố được cải thiện nhưng lại không đủ chắc chắn, và khó khăn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Một số cải thiện nhỏ là do chúng ta tiến hành nới lỏng một số chính sách nên phục hồi tạm thời, mà thiếu đi những phục hồi mang tính nền tảng.

Trong khi đó, tiền lương giảm sút, sức khỏe DN đang giảm sút rất nhiều, nhiều DN thoát khỏi thị trường. Tăng trưởng lao động 10 năm trước ở mức 2,5% thì hiện chỉ còn 1,5%. Mức sống người dân giảm mạnh nhưng không đo lường được vì khu vực phi chính thức còn rất lớn.

Cuối cùng là vấn đề về niềm tin. Dấu hiệu phục hồi về niềm tin của người dân trong nước hiện vẫn còn thiếu. Niềm tin mà không quay trở lại thì nền kinh tế cũng khó mà phục hồi.

Ông Nguyễn Minh Phong: Lời giải cho những bài toán đối nghịch nhau

Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều bài toàn đối nghịch khó có lời giải.

- Thứ nhất là xử lý giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định, đảm bảo vĩ mô. Để giải quyết hai vấn đề này lại cần bộ công cụ thực hiện ngược nhau nên đây là 1 bài toán rất khó giải.

- Thứ hai là hỗ trợ DN. Càng hỗ trợ DN nhiều, ngân sách càng bị giảm thu. 2012 đã năm rất khó khăn về thu ngân sách, nếu năm sau chúng ta tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN thì ngân sách sẽ phải chịu nhiều áp lực và thậm chí làm tăng nợ công

- Thứ ba là vấn đề được mùa rớt giá, sản xuất đem lại GTGT thấp vẫn còn là một bài toán khó có lời giải trong ngắn hạn.

- Cuối cùng, công tác phòng, chống tham nhũng có thể mâu thuẫn giữa yêu cầu ổn định chính trị, xã hội mà Nhà nước đặt ra

Về triển vọng, nửa đầu năm 2013 nền kinh tế sẽ giống như năm 2012. Sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm sau nhờ sự cải thiện của nền kinh tế thế giới, dòng vốn đang đổ vào châu Á và xuất khẩu lương thực.

Ngoài những yếu tố trên, các chỉ số GDP, CPI,… sẽ không có nhiều tiến triển.

Bà Phạm Thị Thu Hằng: Hỗ trợ DN vẫn theo tư duy ban phát

Trong thời gian tới, tếu tố thúc đẩy tăng trưởng của VN trong thời gian tới là không có, đặc biệt là yếu tố đóng góp của DN. Trong 2 năm qua, tỉ lệ DN ngừng hoạt động, giải thể đã ở mức cao nhất từ trước đến nay. Dù có DN mới hoạt động nhưng quy mô của DN mới lại nhỏ đi rất nhiều

Chính sách hỗ trợ DN hiện vẫn theo tư duy ban phát, phân chia nguồn lực. Điều này đang gây mất cân đối trong việc tiếp cận nguồn lực của DN. Tư duy ban phát gây ra sự bất công, mất đi tính ổn định trong hệ thống.

Một vấn đề nữa là khu vực phi chính thức của chúng ta. Dù khu vực này đang chiếm tới 1/2 lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp nhưng lại đang bị lãng quên. CP hiện còn chưa đánh giá được đóng góp của khu vực này đối với nền kinh tế cũng như những chính sách hỗ trợ.

Ông Đặng Kim Sơn: Việt Nam đang có khá nhiều cái "mất"

Nền kinh tế diễn biến xấu đi do chúng ta đang có khá nhiều cái mất:

- Mất lòng tin: Niềm tin của người dân đang bị sút giảm trầm trọng thời gian qua, mà khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế đều bắt nguồn từ sự mất lòng tin.

- Mất cơ hội: Chúng ta đang tỏ ra kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều nước trong khu vực như Myanmar, Malaysia, Thái Lan đang tỏ ra hơn Việt Nam rất nhiều trong việc thu hút vốn ngoại.

- Mất sức sản xuất: Chúng ta đang yếu dần ngay cả trong những lĩnh vực gốc rễ. Ngành thủy sản, chăn nuôi đang chết dần mà không có chính sách hỗ trợ. Với cà phê, 80% gốc rễ già cỗi đang cần tái canh nhưng vẫn chưa có động tĩnh gì. Lúa gạo chúng ta xuất khẩu số 1 TG nhưng hiệu quả rất thấp.

Với tình hình này, chúng ta có thể thành công trong xuất khẩu nông sản trong năm sau thì sang các năm tới, những cái mất sẽ khoét sâu và đẩy nền kinh tế rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình.

Ông Vũ Đình Ánh: Cái nghèo của chúng ta đã "bền vững"

Khi nhắc đến nghèo, chúng ta thường dựa vào ngưỡng thu nhập. Khi người dân rơi xuống một mức thu nhập nào đó thì được đánh giá là nghèo. Tuy nhiên khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, niềm tin, xu hướng nhìn về tương lai bi quan thì người ở mức thu nhập cao hơn mức nghèo phải trích lập một phần dự phòng cho rủi ro tương lai, chi tiêu của họ càng bị thu hẹp, đẩy mức sống thực tế của họ về mức nghèo.

Những năm trước chúng ta đã tiến hành xóa đói giảm nghèo rất tốt, nhưng hiện tại khó có thể giảm tiếp được nữa. Cái nghèo hiện nay đã khác nghèo của 10 hay 20 năm trước. Đó là “nghèo bền vững”. Khó có một chính sách tác động ngay lập tức, một động thái nào có thể giảm nghèo được cho người dân nữa.

Có thể nói nền kinh tế Việt Nam không chậm phát triển, không kém phát triển mà là khó phát triển. Chúng ta khó vê cơ cấu lao động, cơ cấu vốn, cơ cấu chính sách vĩ mô.

(Theo TTVN/CafeF)