flickr.com
Kinh tế lễ hội: Hóa giải mâu thuẫn tiền bạc và văn hóa
Tai nạn thương tâm trâu chọi húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận về việc ứng xử với các lễ hội truyền thống nói chung và những lễ hội có liên quan đến tục “đâm-chém-chọi” động vật nói riêng hoặc các tập tục có tính hủ tục nói chung. Đặc biệt trong bối cảnh “bùng nổ” của lễ hội trong những năm gần đây đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, xã hội.
Thực tế, lễ hội là hoạt động văn hóa tín ngưỡng trên khắp thế giới. Duy trì những lễ hội vừa có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa khai thác được các giá trị kinh tế. Vì thế, điều cần cấm ở đây là những biến tướng, những hành vi lệch lạc, xa rời ý nghĩa gốc của lễ hội, chứ không phải là cấm toàn bộ việc tổ chức lễ hội. Chẳng hạn, theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không mang thông điệp về truyền thống, tinh thần thượng võ. Ngày nay, việc gắn cho lễ hội ý nghĩa này khiến cho nguồn gốc và ý nghĩa nội tại (mã văn hóa) của lễ hội đã bị sai lệch và méo mó.
Ở góc độ kinh tế, mùa lễ hội đã trở thành cơ hội lớn cho kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, ở châu Á, Tết Âm lịch đang trở thành một lễ hội tiêu biểu và lớn nhất thế giới khi có sự tham gia của một cộng đồng gần 2 tỉ người. Đây là dịp chi tiêu, mua sắm lớn nhất trong năm và là mùa làm ăn với nhu cầu tiêu dùng. Người ta thường nhắc đến kinh tế lễ hội vì quy mô và giá trị kinh tế to lớn mà các lễ hội mang lại cho nhiều nước.
Tại đây, Singapore là ví dụ tiêu biểu về khả năng khai thác kinh tế lễ hội. Nhiều chương trình lễ hội đã được chính phủ nước này tổ chức ở cấp quốc gia, thu hút một lượng du khách quốc tế khổng lồ tới đảo quốc. Singapore thành lập ban chỉ đạo riêng cho hoạt động này với sự phối hợp chặt chẽ của ngành du lịch, hàng không, khách sạn, bán lẻ hàng tiêu dùng, quà tặng, ẩm thực, giải trí... Đại diện Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cho biết, Singapore hầu như ngày nào cũng có lễ hội.
Theo số liệu của STB, số lượt du khách đến Singapore tăng 7,7% lên 16,4 triệu trong năm 2016. Doanh thu từ du lịch tăng 13,9% đến 24,8 tỉ đôla Singapore cho các sản phẩm và dịch vụ như thực phẩm và đồ uống, mua sắm và chi tiêu ăn ở... Nhưng để có được thành công như vậy, Singapore đã thường xuyên thay đổi và cập nhật xu hướng du lịch mới, thuyết phục đối tác chuyên ngành, chia sẻ thông tin đến công chúng minh bạch để họ tin tưởng, rút kinh nghiệm, phản hồi... Ví dụ, trong lễ hội của Singapore, ngoài hoạt động lễ hội còn có các buổi diễu hành, giải thưởng ẩm thực, mùa siêu giảm giá, đua xe thể thao công thức F1, triển lãm hàng không, trình diễn thời trang...
Thái Lan cũng tận dụng các lễ hội truyền thống như Songkran, Loy Krathong, Khao Phansa, đến các lễ hội mới như Beer Thai, Kite Fastival... để trở thành những món đặc sản thu hút du khách. Chẳng hạn, tại lễ hội té nước truyền thống Songkran Festival 2016, du lịch Thái Lan ước tính thu 15 triệu baht và đón 1 triệu du khách trong 5 ngày. Các yếu tố bản sắc từ lễ hội truyền thống được Thái Lan khai thác rất tốt. Đi cùng với đó là những trải nghiệm dịch vụ hiện đại và mới mẻ thỏa mãn mọi nhu cầu của du khách quốc tế. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết, năm 2016, lượng du khách quốc tế tới thăm nước này tăng 11% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục 32,59 triệu lượt người. Doanh thu từ du lịch Thái Lan năm 2017 có thể vượt mức dự báo trước đây là 78,25 tỉ USD.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác kinh tế từ hoạt động lễ hội. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Ngoài ra, còn những lễ hội nội bộ như ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ... Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Có thể tách hai hoạt động lễ hội gồm lễ hội truyền thống và các hoạt động có tính hội hè quảng bá. Tuy nhiên, trong xu thế mở tại các nền kinh tế du lịch, hai hoạt động này thường gắn kết chặt chẽ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Điều đó đòi hỏi phải giải quyết được mâu thuẫn giữa việc gìn giữ bản sắc văn hóa các lợi ích kinh tế. Kinh nghiệm các nước làm du lịch và lễ hội tốt như Singapore, Thái Lan có thể là lời giải cho vấn đề này.
Nhiều lễ hội đã trở thành tâm điểm thu hút du lịch trong và ngoài nước. Tổng cục Du lịch đã chọn được 20 lễ hội tiêu biểu trong cả nước thể nghiệm đầu tư nhằm biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Kết quả khả quan, đặc biệt có những lễ hội thành công như lễ hội Bà Chúa Xứ ở An Giang, hội Chăm ở Ninh Thuận, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở Hưng Yên, lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), Quan Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), đua ghe ngo ở Sóc Trăng…
Tuy nhiên, không ít lễ hội cổ truyền có mục đích quảng cáo cho các thành thị và địa phương, hoặc là nơi cầu may rủi, cầu lợi lộc cho cá nhân, cầu thăng quan tiến chức... Trong khi các lễ hội này tổ chức nghèo nàn và đơn điệu về nội dung thì chúng lại làm nở rộ các hình thức mê tín dị đoan, hủ tục so với xu thế văn minh của thế giới. Đó là chưa kể đến nạn tổ chức xô bồ, chặt chém du khách. Rõ ràng, những lễ hội dạng này chỉ làm xấu thêm hình ảnh du lịch của Việt Nam. Thậm chí, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nhiều lễ hội gây lãng phí về thời gian và chi phí kinh tế, tác động tiêu cực đến kinh tế.
Theo đó, học hỏi kinh nghiệm của thế giới, những lễ hội tại Việt Nam cũng cần thường xuyên tìm hiểu để nhận phản hồi từ du khách trong và ngoài nước, thay vì các mệnh lệnh cấm đoán hành chính chủ quan. Tất nhiên, những lễ hội nào không phù hợp với xã hội sẽ tự bị đào thải. Vấn đề là nếu được thường xuyên theo dõi, nhận phản hồi từ người dân và du khách, các đơn vị quản lý sẽ điều chỉnh đúng lúc, thậm chí là loại bỏ kịp thời những lễ hội bát nháo, phản cảm hoặc không còn phù hợp với xu thế của xã hội văn minh.
Nguyễn Dũng