Sơn Phạm
Khóa điện tử mở cơ hội triệu đô
Phong trần trong trang phục áo thun, quần jeans, nếu mới tiếp xúc, ít ai biết anh chàng 8X với gương mặt hiền lành đã thử sức kinh doanh từ trước năm 18 tuổi và... phá sản hơn 1 lần. “Tôi không thích làm theo lối mòn mà thích thử sức ở những cái mới”, mở đầu câu chuyện với NCĐT, anh Hoàng Tuấn Anh, cựu du học sinh Úc ngành xây dựng, chia sẻ câu chuyện kinh doanh thú vị của mình.
Cơ duyên với container cũ
Hơn nửa năm, khu phức hợp mua sắm - giải trí - ẩm thực Rubik Zoo tại Thảo Cầm Viên, TP.HCM đã đi vào ổn định. Rubik Zoo chính là mô hình kinh doanh tái chế những container đã qua sử dụng trong dự án bán sinh thái gồm phân nửa diện tích là khu mua sắm, phần còn lại là nơi giao lưu nghệ thuật, tổ chức sự kiện... Công ty của Tuấn Anh là đơn vị thực hiện mô hình Rubik Zoo và trước đó thực hiện thành công Eco Box, phiên chợ container đầu tiên dành cho giới trẻ.
Cơ duyên với những chiếc container cũ đến với Tuấn Anh trong một dịp về Việt Nam nghỉ hè. Chàng sinh viên đã mày mò làm một mẫu phòng trọ từ container cũ, thứ vật liệu sắt phẩm chất tốt thải ra sau khi sử dụng ở các hãng tàu. Nếu biết tái sử dụng, một chiếc container có thể dùng hơn 50 năm.
Lấy cảm hứng từ những ngôi nhà gỗ màu sắc tại bãi biển Brighton, Úc, Eco Box là một thử nghiệm thành công trước khi Tuấn Anh thực hiện những dự án lớn hơn bằng container. Sau thời gian dài bỏ phí, một phần Thảo Cầm Viên như được khoác lớp áo mới, trở thành một khu phức hợp dành cho giới trẻ với hơn 300 gian hàng được dựng bằng container trên diện tích 5.000m2, với giá thuê gian hàng khá dễ chịu từ 3-5 triệu đồng. Các công trình như đồng hồ Big Ben, cầu London... được thành hình từ 50 chiếc container đã qua sử dụng.
Đội ngũ của Tuấn Anh đã phải tìm cách để thi công container nguyên khối thay vì cắt sắt thành miếng, dễ làm hơn nhưng mất đi yếu tố tái sử dụng những thùng container nguyên bản. Toàn bộ công trình chỉ mất hơn 1 tháng để thực hiện, ưu điểm dễ thấy là có thể di dời để tái sử dụng ở những địa điểm khác.
Trên những nguyên lý đó, một dự án khách sạn container từ 50-100 phòng với giá trị đầu tư 7-8 tỉ đồng đang được Tuấn Anh ấp ủ để phục vụ khách du lịch tại TP.HCM và dự kiến mở ra 20 dự án nhà trọ, khách sạn trong 5 năm tới. Mô hình này đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới và gần như là khách sạn container đầu tiên tại Việt Nam.
“Các khu đất treo, chưa quy hoạch rất nhiều, giá thuê nhiều khi chỉ bằng thuê để làm bãi giữ xe, chi phí rẻ nên giá đầu ra sẽ rẻ, phù hợp để làm khách sạn container. Khi cần thiết lại di dời đi nơi khác. Vốn đầu tư mỗi container hoàn thiện khoảng 200 triệu đồng”, Tuấn Anh tính toán. Anh dự định giá thuê phòng từ 300.000-400.000 đồng/ngày, khá hấp dẫn những khách du lịch ưa trải nghiệm và chỉ cần một nơi sạch sẽ, tiện nghi để nghỉ ngơi khi du lịch.
Lối mới mở bằng khóa điện tử
“Buổi sáng tôi giải quyết công việc, buổi chiều dành cho PHGLock và tối thì cho Rubik”, đều đặn 3 buổi/ngày và 7 ngày một tuần”, ông chủ trẻ chia sẻ. Ngoài Rubik Zoo, khóa điện tử PHGLock là công việc chiếm quỹ thời gian còn lại của Tuấn Anh trong 5 năm gần đây. Gia đình kinh doanh phòng trọ, từ nhỏ, Tuấn Anh đã chứng kiến mẹ lúc nào cũng đeo theo một chuỗi chìa khóa to đùng, nặng đến vài kg, mỗi lần tìm chìa lại rất khó khăn. Một lần khác, chị của anh bị mất trộm tiền trong phòng, khiến Tuấn Anh trăn trở làm sao để căn phòng thực sự là không gian riêng tư, an toàn của mỗi người. Sau một thời gian, anh tìm ra được giải pháp khóa điện tử và trở thành nhà phân phối độc quyền của khóa điện tử PHGLock, Úc tại Việt Nam.
“Nhiều người bảo tôi... điên khi người khác tập trung bán hàng thì tôi đi xây dựng hệ thống phân phối và hậu mãi”, anh kể. Các thương hiệu khác có nhiều nhà phân phối nên đi rất nhanh. Còn PHGLock tốn nhiều thời gian, chi phí để đào tạo nhân viên kỹ thuật, xây dựng hơn 300 đại lý trên cả nước, nhiều hơn cả các đại lý khóa cơ, nơi nào không có trung tâm bảo hành thì không bán khóa. “Khóa điện tử là một sản phẩm mới, là những người tiên phong, chúng tôi phải đảm bảo khách hàng không cảm thấy bất tiện và khó sử dụng loại khóa này”, Tuấn Anh cho biết.
Với một doanh nhân trẻ, 5 năm bền bỉ đầu tư 3-4 triệu USD để phát triển thương hiệu là một chặng đường dài nhiều lần nản chí. Nhưng chiến lược này đã chứng minh hiệu quả khi tốc độ phát triển của PHGLock năm sau tăng 100% so với năm trước, đang đứng đầu thị phần bán lẻ và thuộc top 3 công ty dẫn đầu phân khúc dự án, Tuấn Anh cho biết. Rào cản cho những người đi sau và đối thủ là mạng lưới phân phối và trung tâm bảo hành rộng khắp giúp PHG thắng thầu ở những dự án tỉnh.
“Khóa điện tử cực kỳ tiềm năng vì mới chỉ chiếm 1% thị trường khóa cả nước so với khóa cơ. Số lượng khóa điện tử cần bán nhiều như lượng... dép cần để bán tại châu Phi vậy”, Tuấn Anh so sánh. Chỉ riêng TP.HCM, hơn 2 triệu hộ dân chưa lắp khóa điện tử nhân với 2 triệu đồng (giá một bộ khóa điện tử trung bình) đã có một thị trường 4.000 tỉ đồng. Một cơ hội khổng lồ cho khóa điện tử nếu thay thế thành công cho những bộ khóa cơ truyền thống. Chưa tính đến những dự án chung cư lớn hàng trăm căn hộ hay phân khúc nhà nghỉ, khách sạn đã đủ hình dung đại dương xanh cho PHGLock.
“Những người đã dùng khóa điện tử sẽ không bao giờ quay lại dùng khóa cơ. Đây là sản phẩm quen thuộc tại những nước phát triển và sẽ phát triển tại Việt Nam trong 5-10 năm tới”, Tuấn Anh nhận định.
Khi còn là thương hiệu mới, PHGLock lắp cho các đại lý, chủ dự án dùng thử khóa để cảm nhận sản phẩm. “Có những khách hàng tôi theo đuổi đến 4 năm mới ký hợp đồng”, anh kể lại. Bền chí giúp PHGLock có được những hợp đồng lớn cần 5.000-10.000 ổ/dự án với những yêu cầu đặc biệt. Như dự án đô thị cao cấp Đại Quang Minh, mỗi căn biệt thự 100 tỉ đồng, thì chiếc khóa lắp trên cánh cửa 100 triệu đồng phải đáp ứng độ bền, mỹ thuật, chất lượng cao. Năm qua, PHG bán được khoảng 50.000 chiếc khóa, doanh thu hơn 50 tỉ đồng, mục tiêu năm nay là 100 tỉ đồng. Từng là đơn vị nhỏ nhất so với những công ty cùng ngành tại các kỳ triển lãm xây dựng, đến nay, PHGLock gần như là một trong những cái tên còn trụ vững, doanh số bán lẻ tại các kỳ triển lãm hơn 2 tỉ đồng trong 5 ngày.
Tốt nghiệp ngành xây dựng, nhưng đam mê của Tuấn Anh là kinh doanh. Trước năm 18 tuổi, tìm được nguồn hàng điện tử lỗi, hàng trưng bày có giá rẻ 30-50% so với hàng mới, Tuấn Anh nhanh nhạy thu gom và bán với giá tốt trên eBay. Tích góp 3 năm được hơn 100.000AUD, thời thế thay đổi, kinh doanh không còn thuận lợi nên anh đã buông ngành điện tử.
Không lâu sau, đọc báo biết Chính phủ Úc có chương trình trang bị tấm cách nhiệt miễn phí cho từng hộ dân, Tuấn Anh đã nghiên cứu và trở thành một trong những đơn vị thi công dự án này kiếm hàng triệu đô la Úc chỉ sau nửa năm. Mô hình ban đầu chạy tốt nhưng thời gian sau, nhiều nhà thi công ẩu chạy theo số lượng, chi phí lại cao nên Chính phủ Úc quyết định dừng chương trình. Dù được đền bù nhưng công ty của Tuấn Anh thiệt hại không ít. Nhưng anh vẫn không bỏ cuộc mà về nước, tiếp tục với những dự án mới lạ như đã thấy.
Những kinh nghiệm “đau thương” trong quá khứ đã giúp chàng trai 8X trang bị tư duy kinh doanh bền vững. “Không muốn vì lợi nhuận chạy theo những dự án 3-5 năm rồi đổi sang ngành khác, khóa điện tử PHGLock là một con đường dài đòi hỏi công sức và trường vốn mà tôi muốn duy trì hàng chục năm sau thậm chí để lại cho con cháu”, Tuấn Anh chia sẻ.
Lan Anh