Khó khăn 'lòi' quản trị kém
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước được nhìn nhận còn nhiều yếu kém trong hoạt động. “Năng lực quản trị DN trong nhiều tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế trước yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết.
Chủ đạo kém dẫn dắt
Ông Lê Minh Chuẩn - Tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin) tham dự Hội nghị của Chính phủ với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hôm 16/1 với tâm trạng đặc biệt. Dù là giá bán than cho điện được Chính phủ cho phép tăng trong năm 2012, dù là thuế xuất khẩu than giảm một nửa xuống 10%, ông Chuẩn cho hay, các chỉ tiêu của tập đoàn đều giảm so với năm 2011 từ 15-20%.
Các bài phát biểu của đại diện Chính phủ, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, các tập đoàn, tổng công ty… đều khẳng định, tình hình kinh doanh trong năm 2012 khó khăn hơn dự kiến ban đầu, mà xuất phát điểm chính từ sự ảm đạm của kinh tế thế giới “thổi” vào. Tuy thế, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận mặt hạn chế lớn có phần từ nội tại DN, khi quản trị còn chậm thay đổi trước các yêu cầu mới.
Mở đầu Hội nghị, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn đề cập đến khá nhiều chỉ tiêu “kém cỏi” trong năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty. Con số đáng “giật mình” là tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong năm qua chỉ đạt trên 1.621 nghìn tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch năm. Nếu so với năm 2011 có tăng 2%, song con số này là rất thấp trong điều kiện giá cả leo thang.
Hơn nữa, nếu so với mức tăng 16,3% của GDP theo giá thực tế, mức tăng trưởng của các tập đoàn, tổng công ty kém hơn nhiều các thành phần kinh tế khác. “Một số tập đoàn, tổng công ty có doanh thu giảm so với năm 2011 hoặc không đạt mức kế hoạch năm 2012 là Cà phê, Lương thực miền Bắc, Công nghiệp Than - Khoáng sản”, ông Muôn cho hay.
Nhưng, hiệu quả đem lại còn “hụt” lớn hơn nữa. Báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế của khối tập đoàn, tổng công ty chỉ đạt 127,51 nghìn tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011. Từ con số này, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của khối còn đạt 17,4%. Nhưng đáng chú ý là Cà phê, Lương thực miền Bắc, Công nghiệp Than - Khoáng sản tiếp tục nằm trong số các tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận trước thuế giảm so với năm 2011.
Con số nộp ngân sách Nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty còn “đuối” hơn nữa. Theo tổng hợp số liệu, nộp ngân sách của khối tập đoàn, tổng công ty trong năm qua chỉ đạt 294 nghìn tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện năm 2011. Cà phê, Lương thực miền Bắc và Công nghiệp Than - Khoáng sản tiếp tục nằm trong số đơn vị nộp ngân sách giảm so với năm 2011.
Nhưng cũng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cảnh báo rằng, hiệu quả hoạt động ở một số đơn vị rất hạn chế. Cụ thể là số lỗ phát sinh trong năm 2012 theo báo cáo tài chính hợp nhất tập đoàn, tổng công ty vào khoảng 2,253 nghìn tỷ đồng, trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty đã lỗ trong năm 2011 thì đến 2012 tiếp tục lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, có 10 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế tổng số khoảng 17,73 nghìn tỷ đồng.
Đến rủi ro tài chính
Hiệu quả hoạt động thấp khiến cho các DNNN “chậm dần bước tiến” về mặt mở rộng quy mô. Tổng số vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty đến cuối năm 2012 là 735,293 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với năm 2011.
Ông Phạm Viết Muôn lưu ý, mức tăng này là rất thấp nếu so với con số 9% tăng thêm trong năm 2011 trước đó. Nhưng để tăng được 1% tổng tài sản trong năm qua, cái giá phải trả lớn hơn nhiều. Tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty đạt khoảng 1.334,9 nghìn tỷ đồng. Có nghĩa rằng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân tại thời điểm cuối năm 2012 là 1,82 lần, cao hơn mức 1,77 lần vào cuối năm 2011.
“Trong năm 2012, nhìn về tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, xét riêng rẽ một số tập đoàn, tổng công ty thì tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao”, ông Muôn lưu ý thêm.
Trong khi đó, xét riêng nợ nước ngoài của các công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty là 158,865 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Tổng nợ phải thu là 326,556 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011 và chiếm 15% tổng tài sản; trong đó số nợ phải thu khó đòi là 5,28 nghìn tỷ đồng, bằng 1,64% tổng nợ phải thu.
Nhìn vào bức tranh tổng thể với hiệu quả kinh doanh thấp, trong khi các khoản nợ cứ tăng “vùn vụt”, có thể cho rằng phần rủi ro tài chính tăng hơn đối với khá nhiều tập đoàn, tổng công ty. Nhìn nhận về vấn đề này, một số ý kiến tại Hội nghị cho rằng, không ít tập đoàn, tổng công ty còn “nặng” về trách nhiệm can thiệp vĩ mô như than, điện, xăng dầu… Tuy nhiên, Ban chỉ đạo thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn một số tổng công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ, đặc biệt là một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.
“Tình hình tài chính của không ít tập đoàn, tổng công ty thiếu lành mạnh. Có tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính; có tổng công ty tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn rất thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay làm cho chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp. Nợ phải thu khó đòi của một số tập đoàn, tổng công ty khá cao, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng”, ông Phạm Viết Muôn nhấn mạnh.
Quản trị còn nhiều vấn đề
Trong khi đó, bất chấp các tập đoàn, tổng công ty thông tin về hàng nghìn tỷ đồng tiết kiệm từ chủ trương tiết giảm chi phí của Chính phủ, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho rằng, tình trạng lãng phí và ý thức thực hành tiết kiệm kém trong một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa được khắc phục. Nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, không tiếp tục triển khai được…
Báo cáo kết luận: Quản trị DN chưa có nhiều đổi mới, cơ cấu quản lý, điều hành tại một số tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị thành viên cồng kềnh chi phí quản lý cao… “Năng lực quản trị DN trong nhiều tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế trước yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Muôn phát biểu.
Vai trò “nòng cốt” của các tập đoàn, tổng công ty, nếu thể hiện qua một số nhận định của cấp quản lý cho thấy còn có nhiều vấn đề. Ông Muôn cho rằng, một số tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động tìm kiếm giải pháp vượt qua khó khăn trong năm 2012 và còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước; không chủ động thực hiện tái cơ cấu DN...
(Theo Thời báo ngân hàng)