Khi người Tây giữ bóng hồng Việt
Danh sách “Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới” tiếp tục dài ra, cho thấy sức mạnh của nữ giới ngày càng trải rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Thậm chí, các nền kinh tế lớn tại châu Á như Nhật và Hàn Quốc còn đang hướng tới mô hình “nền kinh tế phụ nữ” để làm động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của IFRC, chỉ số giá trị doanh nghiệp sau niêm yết ở các công ty có nữ lãnh đạo thường cao gấp 7 lần so với chỉ số bình quân trong giai đoạn 2008-2012. Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm 7% trong số lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, cao thứ hai ở Đông Nam Á và chỉ sau Philippines.
Tại khối các doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế nội địa, sự điều hành của các nữ CEO đang phân tách ra hai nhóm riêng biệt. Nhóm “thế hệ vàng” nữ lãnh đạo của Vinamilk, Vingroup, Dofico, Ree, Dược Hậu Giang, PNJ và Vietjet đã song hành cùng sự đi lên của nền kinh tế Việt Nam trong ba thập niên và đưa nhiều doanh nghiệp nội trở thành những “tập đoàn tỉ đô”. Nhóm nữ lãnh đạo Việt trong khối doanh nghiệp FDI cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ ở những vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn đa quốc như Unilever, BAT, Rolls-Royce, General Electric, HSBC và PwC.
Vấn đề nổi lên trong xu hướng này là tại sao chưa thấy làn sóng chuyển dịch nhóm nhân tài cao cấp từ khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang các doanh nghiệp nội địa? Trong bối cảnh nữ lãnh đạo tại các tập đoàn lớn của Việt Nam ngày một lớn tuổi, sự thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận, trong đó có bài toán hút nguồn chất xám từ chính các nữ điều hành ở doanh nghiệp nước ngoài, lại gặp nhiều khó khăn. NCĐT đã trao đổi vấn đề này với một số tập đoàn nước ngoài để tìm hiểu chính sách phát triển và giữ chân những bóng hồng.
Dấu ấn của sự chủ động
Bắt đầu từ người có 20 năm gắn bó với HSBC là chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, hiện đang giữ vị trí Giám đốc Bộ phận Nghiệp vụ thanh toán và quản lý tiền tệ toàn cầu, mới được trao giải cống hiến trong 2015. Khi vừa là nhân viên của phòng tài chính được 3 ngày, chị Hạnh đã được sếp lúc đó là Giám đốc Tài chính Fredrik Oyen yêu cầu thiết lập một mô hình tài chính, nhằm đo lường hiệu quả của tất cả các sản phẩm trong toàn bộ hệ thống ngân hàng HSBC mà không hề có bất kỳ hướng dẫn nào. Khi nhận được “bài tập” của nữ nhân viên, ông Fredrik Oyen cũng chỉ im lặng.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Bộ phận Nghiệp vụ thanh toán và quản lý tiền tệ toàn cầu HSBC - Ảnh: Sơn Phạm |
Sau khi đã luân chuyển qua 4 vị trí lãnh đạo khác nhau (từ bộ phận tài chính, marketing, bán lẻ, thanh toán và quản lý tiền tệ), chị Hạnh mới hiểu được ẩn ý sau sự im lặng của vị sếp khó tính chính là tinh thần chủ động và chịu trách nhiệm trong công việc.
Những ngày đầu lập nghiệp của nữ Tổng Giám đốc Walmart Global Sourcing khu vực Đông Nam Á Jocelyn Tran cũng ghi đậm dấu ấn về phong cách làm việc độc lập. Trong những năm cuối thập niên 1990, chị Jocelyn Tran là nhà quản lý cấp cao tại Mast Industries, công ty con do Limited Brands sở hữu 100% cổ phần với các thương hiệu hàng đầu thế giới như Victoria’s Secret, Bath & Body Works và Henri Bendel. Khi ấy, chị đã nhìn thấy cơ hội hợp tác mở văn phòng tìm nguồn cung ứng và sản xuất tại Việt Nam.
Chị Jocelyn Tran, Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Walmart Global Sourcing - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nhưng con đường tìm kiếm sự hỗ trợ từ vị Chủ tịch mới của Mast Industries cho cơ hội này cũng khiến chị mất 2 năm kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, vị Chủ tịch đã duyệt kế hoạch “không tưởng” và tạo cơ hội cho Jocelyn Tran thăng tiến từ một nhà quản lý cấp cao thành Trưởng đại diện của Mast Industries tại Việt Nam. Hiện nay, Jocelyn Tran được Walmart Global Sourcing bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á, chịu trách nhiệm tìm nguồn cung ứng cho hệ thống bán lẻ Walmart tại Mỹ và các thị trường quốc tế. Với hơn 30 năm kinh nghiệm thương trường, theo chị Jocelyn Tran, động lực lớn nhất để một nữ nhân sự cao cấp gắn bó với tập đoàn đa quốc gia chính là được tin tưởng “trao quyền tự quyết” trong công việc.
Với chị Phạm Cao Huệ Chi, Giám đốc Chiến lược của BAT, sự gắn bó và công hiến lại đến từ chính môi trường làm việc mà mỗi cá nhân nhận được cam kết phát triển sự nghiệp một cách rõ ràng từ phía Tập đoàn. Trải qua nhiều vị trí tại hàng loạt những tập đoàn lớn mạnh như Kimberly Clark, Unilever, PepsiCo và GSK, điều chị Huệ Chi trăn trở chính là văn hóa ứng xử khi tình hình kinh doanh thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Nhưng chính lúc khó khăn mới thể hiện bản lĩnh và năng lực của Ban lãnh đạo.
Chị Phạm Cao Huệ Chi, Giám đốc Chiến lược BAT - Ảnh: Sơn Phạm |
Dù doanh số của BAT trong năm trước giảm hơn 20% lợi nhuận nhưng tập đoàn này không hề tiết giảm chi phí cho hoạt động kinh doanh cốt lõi và giữ nguyên đội ngũ nhân sự. Lúc đó, chị Huệ Chi đã truyền lửa tới toàn bộ đội ngũ nhân viên và kiên trì theo chiến lược kinh doanh đặt ra từ đầu năm. Kết quả là doanh thu đã tăng trưởng trở lại hơn 40% và mức thưởng hơn 4 tháng lương đúng dịp nghỉ lễ đã giúp chị chứng minh lòng tin cho cả đội ngũ hơn 300 nhân viên về bản lĩnh điều hành trong thực tiễn kinh doanh khốc liệt.
Khai mở tài năng
Nhân viên của tập đoàn BAT được phát triển theo tư duy “luân chuyển nhân sự” để trở thành nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không đơn thuần là chuyên viên trong một lĩnh vực cụ thể nào. 90% nhân viên của họ ở trong 1 vị trí trung bình 3 năm trước khi chuyển sang vị trí mới, một tốc độ khá nhanh so với thị trường. Theo chị Đào Lê Duyên, Giám đốc Nhân sự BAT thì công ty này lưu tâm mạnh đến chính sách “nội địa hóa” nhân sự cấp cao, trong đó đặc biệt nữ giới. Thị trường Việt Nam trên bản đồ của BAT toàn cầu nằm trong danh sách top 20 thị trường được ưu tiên về phát triển nguồn nhân lực. Vì thế, những nhân sự của tập đoàn này, bao gồm nữ giới, được tạo điều kiện để ra nước ngoài và thăng tiến vững bền. Họ sẽ kinh qua việc trải nghiệm nhiều thị trường khác nhau của BAT, hay nắm giữ các vị trí quản lý tầm khu vực, trước khi trở thành lãnh đạo của thị trường Việt Nam. Mô hình này cũng đang áp dụng trong các tập đoàn đa quốc gia có trình độ quản lý nhân sự chuyên nghiệp và khoa học.
Tương tự, tại HSBC Việt Nam, 50% lãnh đạo cao cấp là nữ. Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải cho biết, ngân hàng này nhất quán chiến lược không chạy đua trả lương cao để thu hút nhân tài, đặc biệt là các nữ chuyên gia. Bí mật hút và giữ các bóng bồng tài năng nằm ở chính việc ngăn chặn những nguyên nhân khiến họ ra đi. Đó là vạch ra tương lai phát triển nghề nghiệp rõ ràng cho mỗi cán bộ quản lý cấp cao. Họ cũng có cơ hội làm việc tại HSBC trên toàn cầu. Theo ông Hồng Hải, đặc điểm chung của tất cả những người giỏi chính là việc cầu thị và ham học hỏi. Như chị Mỹ Hạnh nói vui, “đó là lúc tự nguyện ký kết vào bản hôn nhân lâu dài với tập đoàn”.
Với tư cách là thành viên trong Hội đồng Lãnh đạo nữ của Walmart Global Sourcing, chị Jocelyn Tran đang thực hiện sứ mệnh phát triển Công ty thành nơi làm việc lý tưởng cho nữ giới ở tất cả các cấp. Không chỉ tại Việt Nam, chị phụ trách phát triển nguồn nhân tài nữ và dẫn đầu Nhóm cố vấn “Walmart Mentoring Circle Group” cho những nữ lãnh đạo tiềm năng tại Ấn Độ, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đào tạo đội ngũ kế cận
Điểm chung của cả 3 tập đoàn BAT, HSBC và Walmart khi bảo vệ “kho báu chất xám” của các nữ lãnh đạo chính nằm ở cách thức đào tạo nội bộ. Sau khi ứng viên vượt qua vòng thi tuyển gắt gao để thành nhân viên chính thức, họ bắt đầu bước chân vào thế giới thật sự “học để làm”. Mô hình đào tạo chéo của các tập đoàn bao gồm đào tạo nội bộ, thuê chuyên gia đầu ngành, khóa đào tạo tu nghiệp nước ngoài, đều được các tập đoàn triển khai bài bản.
Điều này đồng nghĩa với việc càng làm lâu dài, chuyên môn và kỹ năng của các nhân sự giỏi càng được nâng cao, vô hình trung loại bỏ một phần nguy cơ chuyển dịch nghề nghiệp sang những doanh nghiệp Việt Nam, nơi được coi là “vùng trũng” nhân sự, thường có xu hướng thu hút nhân tài bằng cách “phá giá” thị trường lương thưởng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quản trị, nếu các doanh nghiệp Việt chỉ sẵn sàng chi trả lương thưởng mà không trao quyền thật sự cho những nhà quản lý trung và cao cấp, thì sức mạnh thu hút nhân tài sẽ rất ít khi được phát huy. Sự đồng bộ nhân sự, quy chế và môi trường văn hóa doanh nghiệp là những yếu tố mà các nữ quản lý đang làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia luôn cân nhắc trước mọi lời mời gọi.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng mà các lãnh đạo nữ Việt của các tập đoàn nước ngoài thường chia sẻ là “bản cam kết về tuân thủ đạo đức”. Theo họ, đây như một tấm gương để răn mình theo nguyên tắc tập đoàn và quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đồng thời là công cụ để họ được bảo vệ trước mọi điều xấu ra, rủi ro. Đây chính là yếu tố mà không ít doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu, khiến người lao động cảm thấy không an tâm để gắn bó.
Nguyệt Nguyễn