Khi doanh nghiệp đua nhau mở trường đại học
Một nỗi buồn cho những ai làm nghề đào tạo, nhất là đào tạo về kinh doanh, là giới doanh nghiệp dường như không còn mặn mà chuyện gửi các nhà quản lý hay nhân viên tới trường quản trị kinh doanh hay những công ty tư vấn để học các khóa phát triển kỹ năng quản lý. Thay vì dựa vào các “lò” đào tạo bên ngoài, doanh nghiệp hiện đang chi nhiều tiền hơn vào các chương trình đào tạo trong nhà. Không chỉ vậy, họ còn mở cái gọi là “trường đại học doanh nghiệp” cho riêng mình.
Ý tưởng mở trường đại học không mới. General Electric được xem là công ty đã mở ra trường đại học doanh nghiệp đầu tiên vào năm 1956. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Đại học Hamburger của McDonald’s. Kể từ năm 1961, khoảng 275.000 người đã trải qua 1 trong 7 cơ sở đào tạo của chuỗi thức ăn nhanh này trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, các trường đào tạo “trong nhà” như vậy đã trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây. Một cuộc khảo sát của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy số lượng trường đại học doanh nghiệp chính thức tại Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1997-2007, đạt tới khoảng 2.000 trường. Theo BCG, kể từ đó, số trường do doanh nghiệp tự mở ra đã tiếp tục tăng lên và hiện giờ có hơn 4.000 công ty trên khắp thế giới sở hữu trường đại học riêng.
Không giống như các trường đại học truyền thống, trường đại học doanh nghiệp có xu hướng tập trung đào tạo về thực hành hơn là giảng dạy về lý thuyết. Và họ hiếm khi nào cấp bằng hay chứng chỉ sau khi một nhân viên hoặc nhà quản lý hoàn thành khóa học. Trường đại học doanh nghiệp có 2 điểm nổi bật. Thứ nhất là sở hữu cơ sở vật chất rất tiện nghi (hoặc đào tạo trực tuyến). Thứ hai là chương trình giảng dạy được biên soạn theo chiến lược chung của công ty.
Đặc điểm thứ hai là lý do vì sao các trường đại học do doanh nghiệp tự lập lại ngày càng phổ biến. “Thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng. Mỗi doanh nghiệp có những thách thức riêng, có thể là các cuộc khủng hoảng tài chính, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo hoặc kỹ thuật số, hoặc quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng”, Rainer Strack, một đối tác của BCG, nhận xét.
Vì được đào tạo và phát triển trong một môi trường nội bộ với chương trình được biên soạn theo chiến lược của doanh nghiệp nên những nhân viên sau khi được đào tạo có thể phục vụ ngay các nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp đó. Còn các trường kinh doanh, theo ông Strack, thì có thể đã được “tiêu chuẩn hóa” quá mức, không đi vào đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Các trường đại học doanh nghiệp có thể đặc biệt hữu ích khi một doanh nghiệp muốn cải tổ văn hóa. Unilever, chẳng hạn, mở cơ sở trường đại học đầu tiên tại London cách đây hơn 50 năm. Năm 2013, tập đoàn này đã bỏ ra 65 triệu USD mở thêm một cơ sở đào tạo khác tại Singapore. Khi Tập đoàn muốn thay đổi văn hóa kinh doanh theo hướng tập trung hơn vào các lĩnh vực phát triển bền vững, trường đại học của nó đã đóng một vai trò trung tâm trong chiến lược này.
Jonathan Donner, nhà điều hành giám sát trường học này, cho biết chương trình dạy theo phong cách quản trị mà Tập đoàn mong muốn, đó là đào tạo ra những nhà lãnh đạo làm việc theo mục đích đặt ra và có thể “chống chọi” với một thế giới biến động. Những chương trình này không có ở các trường đào tạo ở bên ngoài. Vì thế, Unilever đã chọn ra một nhóm giáo sư từ các trường kinh doanh như Cambridge và INSEAD, để soạn các chương trình đào tạo cho nhà quản lý. Apple còn đi xa hơn khi mời hiệu trưởng Trường Kinh doanh Yale, ông Joel Podolny, để điều hành trường đại học doanh nghiệp của mình.
Trường đại học của Unilever chủ yếu đào tạo cho dàn quản lý cấp cao. Các công ty khác thì cung cấp chương trình đào tạo cho nhiều cấp độ nhân viên hơn. Nhà sản xuất thép ArcelorMittal, chẳng hạn, có tới 6 cơ sở trường đại học doanh nghiệp trong đó có tại Ukraine và châu Phi. ArcelorMittal sắp tới sẽ mở thêm 3 cơ sở nữa trong đó có 2 cơ sở đặt tại Kazakhstan và Brazil. Năm 2012, hơn 27.000 nhân viên đã trải qua 200.000 giờ ngồi ở lớp học. Sự trải rộng về mặt địa lý như vậy là rất quan trọng. Theo Christian Standaert, đứng đầu Đại học ArcelorMittal, vì chỉ khoảng 15% nhân viên có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, nên Tập đoàn phải đào tạo nhiều bằng ngôn ngữ địa phương. Điều đó giúp Tập đoàn phát triển các nhà quản lý địa phương, thay vì phải gửi chuyên gia sang điều hành.
Tuy nhiên, trường đại học doanh nghiệp cũng có những hạn chế nhất định. Theo Sim Sitkin, Giáo sư về Quản trị của Trường đại học Duke, các nhà quản lý theo học trường kinh doanh bên ngoài được tiếp cận nhiều ý tưởng từ những nhà điều hành đến từ các công ty khác. Và các học viên cũng có thể hỏi bất kỳ câu hỏi gì mà không phải e dè, lo sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ.
Một vấn đề nữa là chi phí bỏ ra xây dựng trường lên tới hàng triệu USD trong khi khó đánh giá được tác động của trường đại học doanh nghiệp đối với lợi nhuận của công ty. Thông thường, doanh nghiệp làm một động tác là yêu cầu những ai đã hoàn thành khóa học điền vào một bảng khảo sát để đánh giá mức độ hiệu quả của khóa học. Một số doanh nghiệp còn theo dõi hiệu quả làm việc của nhân viên trong 2 năm sau khi tham dự chương trình đào tạo của công ty. Trường đại học doanh nghiệp thường do bộ phận nhân sự của công ty coi sóc, trong khi bộ phận này thường không được trang bị để thực hiện một cuộc phân tích rõ ràng về mức độ hiệu quả của chương trình.
Dẫu vậy, một số công ty đánh giá cao một lợi ích khác của việc đào tạo quản lý trong nội bộ. Đó là giữ được nhân tài. Nhiều doanh nghiệp đưa nhà quản lý theo học một trường kinh doanh danh tiếng bên ngoài để họ cảm thấy được trọng dụng mà tiếp tục đóng góp cho công ty. Tuy nhiên, khi những người giỏi nhất có được chứng chỉ danh giá này, họ liền rơi vào tầm ngắm của các công ty đối thủ. Trong khi đó, chứng chỉ do các trường đại học doanh nghiệp cấp lại ít được đánh giá cao bởi các công ty đối thủ do chương trình đào tạo tập trung vào nhu cầu của doanh nghiệp mở trường. Và vì thế, doanh nghiệp ít phải lo chuyện người giỏi của mình bị chiêu dụ.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ngừng việc gửi nhà quản lý vào các trường kinh doanh ở bên ngoài. Theo cuộc khảo sát các học viên chương trình MBA cho nhà điều hành (EMBA) do The Economist thực hiện, năm 2005 có 69% học viên được doanh nghiệp tài trợ tiền đi học, nhưng năm nay con số này đã giảm chỉ còn 39%.
Tuy nhiên, theo Michael Desiderio, thành viên của Hội đồng MBA cho nhà điều hành, nhu cầu lấy bằng EMBA dường như vẫn không giảm. Đó là bởi vì dù học phí cao nhưng nhiều nhà điều hành cho rằng số tiền mà họ bỏ tiền túi ra là hoàn toàn xứng đáng.
Có thể họ đã đúng. Các học viên theo học EMBA của Trường Kinh doanh IE tại Tây Ban Nha, khi mới vào học, chỉ kiếm được trung bình 144.000 USD. Một năm sau khi tốt nghiệp, mức thu nhập này đã tăng lên đến 260.000 USD, cao hơn mức chi phí 81.000 USD mà các học viên này bỏ ra để theo học EMBA. Khoảng 82% học viên cho biết họ được thăng chức ngay sau khi tốt nghiệp EMBA. Hầu hết đều tin rằng bằng EMBA đóng một vai trò lớn trong việc họ được đề bạt.
Khánh Đoan