Khi các tỷ phú cũng lên đứng lớp
Tom Corley, cha đẻ cuốn sách nổi tiếng Rich Habits, đã có quá trình tiếp xúc thực tế và nghiên cứu để tổng kết ra 5 bí mật có tính đột phá của 233 tỉ phú hàng đầu thế giới. Bí mật quan trọng nhất nằm ở chỗ 65% thu nhập tạo nên sự giàu có của họ lại được bắt nguồn và phát triển đồng đều trên ít nhất 3 kênh thu nhập thụ động. Nguồn thu nhập thụ động này không chỉ giúp các tài phiệt có điểm tựa tài chính vững vàng để vượt qua sóng khủng hoảng ngắn hạn, mà còn giúp họ tôi luyện được sức mạnh tinh thần minh mẫn theo thời gian. Bí mật vàng của 3 kênh thu nhập thụ động, theo nghiên cứu của Tom Corley, tích tụ ở các dịch vụ cho thuê bất động sản, những khoản đầu tư bị động vào nhóm cổ phần tiềm năng và nguồn thu nhập từ hiệu ứng “tỉ phú đứng lớp”.
Cách đây hơn 10 năm, tức là trước cả thời điểm về hưu, thu nhập thụ động từ những hoạt động ngoài lĩnh vực công nghệ và điều hành của ông chủ Microsoft Bill Gates đã đạt ngưỡng gần 1 tỉ USD/năm. Bản quyền truyền hình, thù lao từ diễn thuyết hội nghị và viết sách được coi như nguồn thu nhập ngách màu mỡ của ông. Hiệu ứng “tỉ phú đứng lớp” mà Bill Gates góp phần tạo ra xuất phát từ thị hiếu và kỳ vọng của xã hội cần những người có khả năng truyền dạy kiến thức có hiệu quả ứng dụng cao và bền vững. Đương nhiên, nếu nhà giáo đang làm chủ tập đoàn tên tuổi, nắm trong tay nhiều tài sản thì sức hút khi họ lên lớp lại càng thuyết phục người nghe hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Trung là một “doanh nhân thầy đồ” như vậy. Vốn là lãnh đạo và cố vấn cao cấp của hàng loạt công ty thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Khoáng sản Việt, sự chuyển hướng đến với nghề diễn giả của ông Trung đã xảy ra sau khi ông gặp mặt Kevin Kumashiro, tác giả cuốn sách “Khi tỉ phú trở thành chuyên gia giáo dục”.
“Cả hệ thống giáo dục của Mỹ thực chất như một tập đoàn khổng lồ với doanh thu lên tới 600 tỉ USD mỗi năm. Xu hướng các doanh nghiệp bảo trợ giáo dục thông qua học bổng và trung tâm nghiên cứu ngày một phát triển, tạo cơ sở tiền đề cho các tỉ phú dạy học có đất dụng võ”, ông Trung chia sẻ.
Đồng quan điểm về xu hướng những thế hệ người thầy không cần xuất thân từ giảng đường sư phạm là tỉ phú Việt kiều New Zealand Nguyễn Trương Khoa. Ông đang là thành viên ban quản trị tập đoàn xổ số New Zealand Lottery Grants Board, kiêm Tổng Giám đốc quỹ Viet River Holding. Bản thân luôn ưu tiên dành ra thời gian thuyết trình trong các trường đại học tại quê nhà, vì theo ông Khoa, thế hệ người Việt trẻ kế cận đang khao khát được dìu dắt tư duy từ lớp người thầy doanh nhân thành đạt và vẫn giữ truyền thống tôn trọng lễ nghĩa, văn hiến và chữ Nhân - Tâm trong nhân phẩm người thầy Việt xưa.
Trước khi sở hữu gần 8% cổ phần của Alibaba với khối tài sản ước tính gần 30 tỉ USD, tỉ phú Jack Ma đã đưa ra nhận định về 3 cấp độ doanh nhân trong bất kỳ nền kinh tế nào. Đầu tiên sẽ là những doanh nhân xây dựng công ty, tạo công ăn việc làm cho nhóm đối tượng lao động. Họ được xếp vào nhóm doanh nhân nền tảng.
Khi những doanh nghiệp này tăng trưởng thành tập đoàn đa ngành, đa quốc gia và bắt đầu đóng góp vào các hoạt động xã hội, làm từ thiện để phân phối lại một phần lợi nhuận cho những đối tượng dễ bị tổn thương của quốc gia, thì người lãnh đạo sẽ tiến vào nhóm doanh nhân cao cấp. Jack Ma, trước khi trở thành thầy giáo riêng cố vấn kinh doanh cho Thủ tướng Anh David Cameron, luôn cho rằng nấc thang cuối cùng các doanh nhân cao cấp cần hướng tới là sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm thương trường tích lũy được cho cộng đồng, từ bài học thất bại cho đến bí mật thành công.
Giáo sư trí tuệ nhân tạo David Cheriton, thuộc Ðại học Stanford và là người thầy có lương cao nhất thế giới năm 2014 (1,3 tỉ USD), thì cho rằng người “tỉ phú đứng lớp” không phải là trung tâm của lớp học như người thầy truyền thống. Thế hệ người thầy cấp tiến này sẽ trở thành những huấn luyện viên truyền đạt cách áp dụng tri thức để đem lại thành công thật sự trên trường đời rộng lớn. Họ được học trò thời đại mới nể trọng vì cùng lúc sở hữu thực tiễn kinh doanh và cả tri thức nhân loại.
Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, ông Alan Candy, thì luôn mong có cơ hội truyền đạt kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho các bạn trẻ. “Tiếp xúc với các bạn, tôi cũng học hỏi được nhiều điều, nhất là tạm quên đi những tính toán căng thẳng của công việc quản lý”, thầy Candy, Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý (CFVG), vui vẻ chia sẻ về những buổi thuyết giảng với mức thu nhập hơn 100 USD/giờ của mình.
An Cầm