Jorgen Vig Knudstorp đã xây dựng đế chế Lego như thế nào?
Khi còn là một đứa trẻ, tất cả những điều Jorgen Vig Knudstorp muốn là được chạm tay vào một chiếc xe đua hoặc một tàu lửa. Nhưng cha mẹ Knudstorp (sống tại thành phố Jutland, Đan Mạch) lại không muốn điều này cho con trai mình. Thay vào đó, họ lại chọn một món đồ chơi hoàn toàn khác: đồ chơi Lego. Knudstorp, giờ 46 tuổi, có lý do để cảm ơn cha mẹ đã chọn món đồ chơi Lego cho ông. Bởi lẽ, đó là cơ sở để đưa ông đến với hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng Đan Mạch này.
Knudstorp đã giữ vị trí Tổng Giám đốc Lego trong suốt 11 năm qua. Ông là người đầu tiên điều hành công ty có lịch sử 83 năm mà không phải là thành viên của gia đình sở hữu nó. Đặc biệt hơn, Knudstorp chính là người đã dẫn dắt Lego thoát khỏi bờ vực sụp đổ tài chính cách đây 1 thập niên để trở thành nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới về doanh số bán.
Một số ý kiến cho rằng trong quá trình chuyển mình của Lego, Knudstorp đã trở thành một trong những gương mặt kinh doanh hàng đầu thế hệ mình, dù rằng là người ít có tiếng tăm hơn, vì ông điều hành một công ty tư nhân thuộc sở hữu gia đình. “Ở một số khía cạnh, tôi cho rằng ông ấy là một tấm gương về cải tiến tốt hơn cả Steve Jobs (hãng Apple)”, David Robertson, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton và là tác giả của cuốn sách Brick By Brick về Lego, nhận xét.
Mọi thứ không có nhiều hứa hẹn khi Knudstorp đặt chân đến Lego vào năm 2001 ở tuổi 32, hoàn toàn “chân ướt chân ráo” sau 3 năm làm việc tại hãng tư vấn McKinsey ở Paris. Nhà sản xuất đồ chơi này đã thua lỗ trong năm trước đó và vào lúc Knudstorp đảm nhận trọng trách lèo lái Lego năm 2004 ở vai trò Tổng Giám đốc, công ty này đã rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Một số giải pháp ông thực hiện vào thời điểm đó giống như lời khuyên trong sách vở: cắt giảm việc làm và bán đi tài sản bao gồm cả công viên chủ đề và ngành game máy tính. Knudstorp cũng xác định một nguyên tắc rất rõ ràng: làm sao kiếm ra tiền, có như vậy mới nhanh chóng thoát lỗ.
Knudstorp không hề có ý định vực dậy Lego một mình. Ông đã tìm cách khai thác triệt để những người giỏi tại Lego. Những người này cảm thấy họ bị lãng quên khi Lego không còn đặt niềm tin vào các viên gạch, quay lưng lại với các mẫu thiết kế cổ điển như sở cảnh sát và thay vào đó nhảy vào các món đồ chơi góc cạnh hơn nhưng dễ lắp ráp hơn như một nhân vật tên là Jack Stone - những món đồ chơi mà các nhà thiết kế cũng như những người yêu thích đồ chơi Lego không hề hứng thú. Knudstorp đã làm thay đổi điều đó, mang lại nhuệ khí cho họ.
Và trên hết, ông đã lấy cảm hứng từ một nguồn rất không bình thường. Đó là khoảng thời gian 18 tháng ông làm giáo viên thực tập ở trường mẫu giáo ngay sau khi học xong phổ thông trung học (thời điểm đó, ông đã cân nhắc theo nghề của mẹ là làm giáo viên). “Cha tôi nói đó là nơi tôi học mọi thứ mình cần biết về khả năng lãnh đạo. Nếu bạn có thể lãnh đạo một đám nhóc mẫu giáo thì bạn có thể làm lãnh đạo ở bất cứ đâu”, ông từng nói.
Giáo sư Robertson cho rằng tài năng của Knudstorp chính là nằm ở chỗ khơi dậy được những phẩm chất, khả năng tốt nhất từ đội ngũ nhân viên bằng cách cho họ sự ủng hộ và các nguồn lực phù hợp.
Một ví dụ là vào năm 2004 khi ông bảo vệ ý tưởng của một giám đốc marketing trong Công ty. Vị giám đốc này ủng hộ việc đưa mẫu thiết kế xe cứu hỏa mới của Lego quay về cốt lõi và lấy lại dòng sản phẩm Duplo dành cho trẻ mới biết đi, vốn dĩ trước đó bị người tiền nhiệm bác bỏ. “Tôi nghĩ đó là một nhà lãnh đạo có quyền lực hơn rất nhiều, một người có thể tạo ra nhiều Steve Jobs, chứ không chỉ một”, Giáo sư Robertson nhận xét về Knudstorp.
Sau khi vực dậy Lego, Knudstorp đã định hình cho quá trình tăng trưởng sắp tới của Công ty. Những sản phẩm dựa trên các bộ phim Star Wars (Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao) và Harry Potter đều bán rất tốt nhưng Lego lại phải trả phí bản quyền rất tốn kém. Đó là lý do Knudstorp nghĩ đến việc đi tìm tăng trưởng từ bên trong Lego. Kết quả là sự ra đời của dòng sản phẩm lấy cảm hứng từ Nhật là Ninjago cho đến dòng sản phẩm Friends dành cho các bé gái.
Ông cũng nghĩ đến việc tìm kiếm nguồn thu mới. Trong khi các doanh nghiệp khác trong ngành đồ chơi toàn cầu trị giá 84 tỉ USD vẫn còn chật vật trước mối đe dọa từ các trò chơi kỹ thuật số trên điện thoại thông minh và iPad thì Lego đã chạm được đến tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Những khách hàng này đang mang lại tăng trưởng cho Lego cũng như vị thế vững chắc của Công ty ở châu Âu và Mỹ.
Kết quả kinh doanh thực sự ấn tượng: trong giai đoạn 2007-2014, doanh thu của Lego đã tăng gấp hơn 3 lần và lợi nhuận ròng tăng gấp 7 lần. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2015 càng củng cố vị trí số 1 của Lego trên thị trường. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số bán của Lego tiếp tục tăng mạnh tới 23% đạt 2,14 tỉ USD, so với mức giảm 5% tại đối thủ Mattel (còn 1,91 tỉ USD) và mức tăng chỉ 0,2% (đạt 1,5 tỉ USD) của Hasbro - nhà sản xuất đồ chơi Transformers, Monopoly và My Little Pony. Khoảng cách về lợi nhuận càng rõ rệt hơn. Lợi nhuận hoạt động tại Lego đã tăng tới 27% đạt 700 triệu USD, so với mức lỗ 54 triệu USD tại Mattel và 130 triệu USD tại Hasbro.
Từ bờ vực phá sản, Lego đã tăng trưởng lợi nhuận với tốc độ phi thường, qua mặt cả 2 đối thủ sừng sỏ Hasbro và Mattel |
Dẫu vậy, Knudstorp thận trọng đưa ra khuyến cáo mức tăng trưởng này không thể kéo dài mãi khi thách thức ngày càng gia tăng. Một bằng chứng là cuộc đổ bộ của Lego vào thế giới đồ chơi kỹ thuật số không được thuận lợi. Vào năm 2010, Lego đã tung ra một trò chơi trực tuyến được đầu tư rất tốn kém gọi là Lego Universe, nhưng đợt ra quân này đã bị thất bại. Trong khi đó, một trò chơi tương tự tên là Minecraft do một lập trình viên người Thụy Điển phát triển lại thành công vang dội.
Knudstorp cũng khuyến cáo tính tự mãn đang len lỏi vào suy nghĩ của các nhân viên, khi phần lớn trong số 15.000 nhân viên của Lego - nhiều người được tuyển dụng ngay sau khi Lego hồi phục - chỉ biết đến khoảng thời gian tốt đẹp ở Công ty. Nhưng Knudstorp tin rằng Lego sẵn sàng đối phó với những thách thức ấy.
Knudstorp không hề có ý định rời khỏi Lego khi từng nói rằng ông hy vọng công việc ở Lego sẽ là suốt đời. Knudstorp đang có rất nhiều ý tưởng lớn. Phần tiếp theo của bộ phim rất thành công The Lego Movie dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2017. Một ngôi nhà Lego khổng lồ được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Bjarke Ingels sẽ được khánh thành vào năm tới tại quê hương Billund (Đan Mạch) của hãng đồ chơi này. Ngôi nhà được xây dựng giống hệt một mô hình Lego, sẽ thỏa mãn niềm đam mê của các tín đồ trò chơi Lego.
Ngô Ngọc Châu
Nguồn FT