Ảnh: Deloitte Việt Nam.
Ivan Phạm: Người tìm rủi ro
Khối Deloitte Private và Quản trị rủi ro mà Ivan Phạm, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, đang hoạt động với tư cách là chuyên gia tư vấn cấp cao, thời gian gần đây được nhiều nhà điều hành cấp cao của các doanh nghiệp quan tâm. Bởi vì công việc của Ivan Phạm là hỗ trợ khách hàng tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro thất thoát tài sản, lỗ hổng công nghệ thông tin, thiếu và sai sót trong kiểm soát hoạt động kinh doanh...
Đặc biệt, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu kết thúc, làm cho việc quản trị rủi ro trong kinh doanh trở nên cấp bách hơn. “Tôi tham gia các hoạt động đào tạo kiểm toán nội bộ với mục đích chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các công ty quan tâm đến kiểm toán nội bộ cũng như những giá trị mà kiểm toán nội bộ có thể mang lại cho các công ty này”, Ivan Phạm nói.
Theo ông, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 05/2019/NĐ-CP, yêu cầu các công ty niêm yết và các sở ban ngành phải làm công tác kiểm toán nội bộ, cho thấy mức độ quan tâm đến hoạt động kiểm toán nội bộ đã gia tăng đáng kể.
“Chúng ta chưa hiểu nhiều về kiểm toán nội bộ cũng như giá trị mà hoạt động này có thể mang lại cho doanh nghiệp”, Ivan Phạm nói về việc kiểm toán nội bộ chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam. Theo ông, các doanh nghiệp vẫn còn chưa rõ ràng về bản chất của kiểm toán nội bộ với kiểm soát nội bộ hay ban kiểm soát và có thể coi đó là một bộ phận kiểm tra hay thanh tra “vạch lá, tìm sâu” và không tạo được giá trị cho công ty.
Một số công ty muốn bộ phận kiểm toán nội bộ phải khiến mọi người sợ, phải tìm ra và kỷ luật người không tuân thủ. Ở một công ty khác, cho thành lập kiểm toán nội bộ nhưng không trao thực quyền, cũng như không quan tâm đúng mức về công việc của bộ phận này. Việc không thực hiện kiểm toán nội bộ có thể khiến doanh nghiệp đánh đổi với những rủi ro và thất thoát, đôi khi rất lớn.
Ngoài ra, các công ty gia đình tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời đặt ra những vấn đề liên quan tới chuyển giao tài sản. Theo các nghiên cứu mới đây của Deloitte toàn cầu, chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 2, 12% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 3, chỉ 3% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 4 và các thế hệ tiếp theo.
Hậu quả là nhiều doanh nghiệp gia đình thường lâm vào tình trạng rối ren trong những cuộc chuyển giao và thậm chí khiến cho hoạt động kinh doanh bị gián đoạn nếu có tranh chấp về tài sản, quản lý và pháp lý.
Theo Ivan Phạm, cần đưa doanh nghiệp gia đình vào trạng thái sẵn sàng chuyển giao. Chuyển giao đồng nghĩa với việc giao quyền quản lý tài sản của mình vào tay thế hệ điều hành tiếp theo nên sự tin tưởng tuyệt đối là vô cùng quan trọng. Những người chủ doanh nghiệp gia đình do đó thường có xu hướng tiếp cận một bên thứ 3 để thực hiện tư vấn và giám sát trong quá trình chuyển giao.
Ivan Phạm, mỗi khi được hỏi về bản thân, lại nói “không coi đó là những dấu mốc đáng nhớ, chỉ là một số kỷ niệm vui buồn”. Nhưng thực tế, ông đã có hơn 23 năm kinh nghiệm về kế toán, tài chính và kiểm toán, trong đó có hơn 3 năm kinh nghiệm về triển khai Đạo luật Sarbanes-Oxley, 13 năm kinh nghiệm trong ngành và trên 12 năm kinh nghiệm tư vấn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tuân thủ, kiểm soát và kiểm toán nội bộ, quản trị doanh nghiệp, chuẩn hóa các quy trình hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin, tư vấn về đạo luật chống tham nhũng tại nước ngoài (FCPA), quản trị rủi ro gian lận bao gồm cơ chế tố giác, các xung đột lợi ích, thẩm quyền phê duyệt và quản trị rủi ro doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông cũng có kiến thức sâu rộng về khung kiểm soát nội bộ COSO IC, COSO ERM và khung COBIT và phương pháp luận quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ/kiểm toán độc lập.
Kinh nghiệm của Ivan Phạm đến từ thực tiễn làm việc với các công ty từ tầm cỡ trung bình đến tầm cỡ đa quốc gia với trị giá hàng tỉ USD tại Mỹ như Atmel Corporation, Cisco Systems, JDS Uniphase, Mercury Interactive và Electric Power Research Institute (Viện Nghiên cứu Điện năng). Không nhận mình là người thành danh ở Mỹ, ông nói rằng: “Khi bạn không phải là người Mỹ, đến từ một quốc gia đang phát triển, sự cố gắng và nỗ lực hơn người bản xứ là điều chắc chắn”.
Ivan Phạm kể, khi ở Mỹ, đã làm việc cho một startup về công nghệ thông tin, nhưng công ty này đã không thể IPO khi internet bùng nổ vào năm 2000. Ông cùng vài người bạn mở công ty làm gia công và nhà hàng tại Mỹ, nhưng khi bạn làm chủ, công việc hoàn toàn khác với khi bạn đi làm công ăn lương. Năm 2008, Ivan Phạm quyết định về Việt Nam đầu quân cho Công ty Big4, đây là một bước ngoặt rất lớn trong sự nghiệp của ông. “Tôi đã băn khoăn không biết mình có thể hòa nhập được và ở lại Việt Nam không, nhưng đến nay, tôi đã hòa nhập tốt và đang góp phần vào sự phát triển của đất nước”, ông nói.
Theo Ivan Phạm, được làm việc với nhiều công ty ở các lĩnh vực khác nhau, gặp nhiều vấn đề và con người khác nhau là niềm vui cũng như thách thức. Công việc rất ít khi nào nhàm chán, khi bạn không biết được ngày mai bạn sẽ gặp được ai và gặp vấn đề gì. Vui nhất là khi thấy công ty bạn tư vấn vận hành tốt và tạo ra được giá trị cho công ty và các lãnh đạo trở thành bạn của mình không những trong công việc mà cả trong cuộc sống.
Thời gian Ivan Phạm trở về Việt Nam làm việc đã 12 năm. Ông thấy đất nước đang phát triển tốt, nhưng vẫn kỳ vọng sự phát triển này nhanh hơn và tốt hơn nữa. Bởi vì, trong chuỗi giá trị toàn cầu, các ngành quan trọng của Việt Nam vẫn thường ở phân khúc trung nguồn, chưa trở thành điểm quản trị để gia tăng giá trị quốc gia trong toàn bộ chuỗi. Ông nói: “Khi tôi còn ở Mỹ, Việt Nam lúc nào cũng có trong danh sách các học sinh giỏi. Chúng ta nên hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác tốt hơn để tận dụng nguồn nhân lực giỏi, gia tăng hiệu suất làm việc hơn”.