Ông Phạm Tấn Nghĩa, Chủ Tịch VUS. Ảnh: NCĐT
Hậu trường thương vụ với FPT & Mekong Capital
(Bài viết được thực hiện vào năm 2009.)
Thành lập năm 1847, CUNY (The City University of New York) là đại học công lập lớn thứ 3 của Mỹ với hệ thống đào tạo phong phú gồm hơn 1.400 chương trình, 23 trường trực thuộc và hơn 450.000 sinh viên theo học. Đội ngũ giảng viên của CUNY đều có học vị cao, giàu kinh nghiệm, một số đang là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Danh tiếng của CUNY còn được khẳng định qua 12 giải Nobel của 10 nhà khoa học và 2 nhà kinh tế học đã từng học tại trường.
Một đoàn đại biểu của CUNY vào ngày 17.1.2009 đã đến Việt Nam và ký kết hợp tác đào tạo với Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS). VUS cũng là đơn vị duy nhất của Việt Nam được CUNY ký kết hợp tác. Tôi đã có dịp trò chuyện với Tiến sĩ Tomas Morales, Hiệu trưởng Trường Staten Island thuộc CUNY, nhân sự kiện này.
Tiến sĩ Tomas đã kể về lịch sử cuộc hợp tác. Năm 1997, CUNY và VUS đã bắt tay hợp tác trong một chương trình hướng đến việc bảo đảm áp dụng đúng các tiêu chuẩn, tài liệu và phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Từ năm 1998, mỗi năm 2 lần, CUNY đều có những đoàn chuyên gia, giáo sư sang làm việc với các giáo viên, nhân viên của VUS, đồng thời ký và tham dự lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp cho các học viên tại Việt Nam. Sau hơn 10 năm hợp tác, ông Tomas không quên nhấn mạnh đến sự lãnh đạo tài năng của ông Phạm Tấn Nghĩa, Chủ tịch VUS, và đội ngũ nhân viên. Đây cũng chính là lý do để CUNY và VUS tiếp tục hợp tác sâu hơn trong tương lai.
Ông Phạm Tấn Nghĩa, Chủ Tịch VUS. Ảnh: Phamtannghia.blogspot.com. |
Ông nói: “Chúng tôi rất tự hào khi hợp tác với một hệ thống đào tạo tiếng Anh chuyên nghiệp tại Việt Nam như VUS. Họ có hàng chục cơ sở đào tạo quy mô với gần 800 giảng viên, nhân viên tận tụy, đào tạo tiếng Anh cho hàng trăm ngàn học viên và tạo điều kiện cho hàng chục ngàn học viên tham gia các kỳ thi quốc tế hằng năm”.
“Linh hồn” của VUS gắn liền với danh tiếng của ông Phạm Tấn Nghĩa. Ông là một trí thức Việt Nam sớm hấp thu tinh hoa giáo dục phương Tây. Ông Nghĩa tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Central State (Mỹ), Thạc sĩ Quản lý giáo dục Đại học New England (Úc), từng giữ chức vụ quản lý tại một số công ty quốc doanh trước khi trở thành Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng VUS.
Năm 2004, ông Nghĩa tiếp tục sáng lập hệ thống Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS). Chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, từ 2 cơ sở ban đầu và 400 học sinh, hệ thống này đã phát triển thành 8 cơ sở, tăng số lượng học sinh lên gấp 5 lần, trở thành một trong những hệ thống trường dân lập top đầu Việt Nam.
Một cột mốc quan trọng của VAS là hệ thống này đã nhận đầu tư cùng một lúc từ 2 đối tác chiến lược là FPT (sở hữu 25%) và Mekong Capital (sở hữu 14%) vào tháng 5.2010, góp phần đẩy hệ thống này tiến nhanh trong lộ trình mới. Tôi đã trao đổi với ông Phạm Tấn Nghĩa xung quanh thương vụ đầu tư này.
Ông có thể cho biết khoản đầu tư của 2 đơn vị này vào VAS?
FPT đầu tư 10 triệu USD và Mekong Capital đầu tư 6 triệu USD.
Vì sao đến lúc này VAS mới quyết định kêu gọi đầu tư từ bên ngoài?
Nếu bạn muốn đi nhanh, bạn có thể đi một mình. Nhưng nếu bạn muốn đi xa, bạn nên đi cùng với đối tác. Lúc này là thời điểm VAS chuẩn bị cho một lộ trình tiến xa. Nhìn ở góc độ kinh tế vĩ mô, giáo dục thời điểm này là lĩnh vực đầu tư rất tiềm năng. Còn cụ thể ở VAS, trong 5 năm qua, chúng tôi đã chứng minh sức vươn của mình qua mức tăng trưởng số lượng học sinh đạt từ 70-100% mỗi năm. Tại TP.HCM, VAS chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thụ hưởng giáo dục chất lượng cao của người dân. Điều đó có nghĩa, chúng tôi có thể mở rộng quy mô gấp hơn 3 lần nữa!
Thông qua sự hợp tác này, ông có thể cho biết kế hoạch mở rộng quy mô của VAS sẽ được triển khai như thế nào? Ngoài nguồn tài chính, VAS có nhận thêm được gì từ 2 đối tác này?
Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hệ thống của mình ra nhiều khu vực khác như Hà Nội, Nha Trang, Bình Dương. Tại TP.HCM, chúng tôi vừa hoàn tất dự án Pacific Garden. Đây là hệ thống trường phổ thông chất lượng cao, tọa lạc tại quận 10 với 7 cao ốc liên kế phục vụ việc giảng dạy, đi kèm với hệ thống hạ tầng giải trí, thể lực phục vụ học sinh như hồ bơi, sân quần vợt... Cũng có thể xem Pacific Garden là công viên giáo dục đầu tiên tại đây. Việc kiến tạo một công viên giáo dục đã được chúng tôi chuẩn bị từ nhiều năm nay, chứ không phải đến khi có sự đầu tư của 2 quỹ này. Từ lâu, chúng tôi đã nhận ra sức phát triển của nền kinh tế Việt Nam và điều đó đòi hỏi một nền giáo dục chất lượng cao đi kèm. Sự đầu tư của 2 quỹ lúc này là rất cần thiết, giúp chúng tôi thực hiện bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục của mình.
Quy mô và sự phát triển của FPT đã chứng minh khả năng quản lý và điều hành của họ. Khi nhận đầu tư của FPT Capital, VAS sẽ có điều kiện tiếp cận kinh nghiệm. Còn Mekong Capital từng có nhiều khoản đầu tư thành công với tiêu chí hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động quản trị. Với sự hợp tác của 2 đối tác này, VAS sẽ đi nhanh hơn.
Ông Phạm Tấn Nghĩa, Chủ Tịch VUS. Ảnh: Phamtannghia.blogspot.com. |
Theo ông, mô hình kinh doanh giáo dục của VAS có những lợi thế và sự khác biệt nào?
Tính đến cuối năm học 2009-2010, VAS với hệ thống gồm 12 trường từ mầm non đến phổ thông đã có gần 5.000 học sinh, 1.000 giảng viên và nhân viên. Qua nhiều năm, chúng tôi đã xây dựng được 4 yếu tố quan trọng trong mô hình giáo dục của mình. Trước hết là tối ưu hóa chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cập nhật các phương pháp giảng dạy quốc tế dựa trên nội dung chương trình của Bộ với chuẩn lớp học 20 học sinh.
Bên cạnh đó là xây dựng chương trình Anh ngữ hội nhập. VAS là trung tâm tổ chức thi kiểm tra chứng chỉ Anh ngữ IELTS được ủy thác đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng chương trình đào tạo công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế, cũng là hệ thống trường phổ thông duy nhất được tổ chức quốc tế ICDL (International Computer Driving License) công nhận là trung tâm khảo thí. Và một điều rất quan trọng nữa là trong toàn hệ thống VAS luôn có những chương trình đào tạo kỹ năng sống và trau dồi đạo đức cho các em. 4 yếu tố trên sẽ góp phần kiến tạo nên một thế hệ công dân có tri thức và đạo đức tốt. Phương pháp giảng dạy mà tôi luôn tâm niệm mang lại sự hứng khởi cho người học là tư duy sáng tạo, độc lập, có phê bình; học tập tích cực chủ động; hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm, hình thành các thói quen hoạt động thể chất thông qua các trò chơi vận động.
Xin cảm ơn ông!