Harry Ang, nhà sáng lập chuỗi nhà hàng mang tên Lion City. Ảnh: Quý Hòa

 
Hoàng Dương Thứ Tư | 04/07/2018 08:00

Harry Ang, nhà sáng lập chuỗi nhà hàng Lion City: Khó khăn là gia vị của cuộc sống!

17 năm sống ở Việt Nam, từ một quán cháo ếch nhỏ, kỹ sư xây dựng Singapore này đã phát triển sự nghiệp của mình lên thành chuỗi nhà hàng Lion City.

Nếu bạn nấu cháo ếch đơn thuần như một món ăn, bạn chỉ là người nấu cháo. Nhưng nếu dành 30 năm để chăm chút món cháo ếch của mình, quan sát nó, nghiên cứu, gia giảm hương vị vào đó mỗi ngày để có được công thức đúng ý nhất, bạn sẽ là một chuyên gia. Harry Ang là một chuyên gia như thế. 

Giữ vị của ngày xưa

“15 tuổi, tôi bắt đầu chán việc cắp sách đến trường. Tôi tin con đường của mình không thể bắt đầu từ sách vở”, Harry Ang bắt đầu câu chuyện của mình như thế.  Lăn lộn với đủ thứ nghề, từ bán bảo hiểm, làm thợ điện, thợ hồ... cuối cùng, Ang gắn bó với nghiệp xây dựng. Đến tận khi biết mình thích hợp với nghề gì, anh mới bắt đầu họ hành bài bản rồi trở thành kỹ sư chuyên nghiệp với sở trường là thiết kế nhà hàng. Thời điểm đó, Harry nổi tiếng tại Singapore với khả năng thực hiện những công trình đòi hỏi thời gian thi công ngắn. “Thế mạnh của tôi là biết điều tiết công trình, sắp xếp hợp lý và gắn kết được với những đơn vị cung cấp có uy tín nên có thể rút ngắn tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình”, Ang nói.

Trong một lần tình cờ, Ang được mời thi công show room cho một thương hiệu loa quốc tế, khi hãng này chính thức bước vào thị trường Việt Nam. Thế là mối duyên với Việt Nam nhen lên từ đó. Ang nói: “Ấn tượng của tôi về Việt Nam lúc đó là không khác gì “nhà” mình. Ai cũng thân thiện và dễ gần”. Lần lượt, các thương hiệu đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam mời Harry Ang như Loreal, Nokia… thiết kế và thi công phòng trưng bày. 

Việc nối việc, cho đến ngày gặp và phải lòng một cô gái Việt thì Harry Ang biết, Việt Nam chính là quê hương thứ hai, và chắc chắn anh sẽ gắn bó với mảnh đất này. 

Năm 2006, sau 5 năm sinh sống ở Việt Nam, đương khi đơn hàng thiết kế dày đặc, Harry Ang quyết định rẽ ngang sang hướng khác. Ang chia sẻ, dù công việc hiện tại rất tốt nhưng trong anh, vẫn có những thúc đẩy nào đó phải đổi thay. Quan sát thị trường, Ang nhận ra dòng chảy của các thương hiệu thức ăn nhanh phương Tây, Nhật, Hàn Quốc… đang tràn vào Việt Nam và được đón nhận rất nồng nhiệt.

Điều đó chứng tỏ, người Việt rất thích ẩm thực nước ngoài. Thời điểm này, việc tìm nơi bán đồ ăn Singapore lại gần như rất ít. “Ẩm thực truyền thống Singapore là niềm đam mê của tôi. Vậy nên, tôi quyết định sẽ để đam mê dẫn đường cho mình”, Ang chia sẻ. Ang cho biết, từ thuở nhỏ, anh đã thích việc tự mình nấu nướng bởi không thể ăn thức ăn nhanh, giải pháp được nhiều người lựa chọn vì tiện và rẻ. May mắn, anh được một người bà hướng dẫn và truyền thụ tất cả những bí quyết nấu các món ăn Singapore truyền thống. “Tài lẻ” này, những tưởng chỉ để phục vụ bản thân và người nhà, ai ngờ, còn có thể giúp Harry Ang khởi nghiệp.

Harry Ang, nha sang lap chuoi nha hang Lion City: Kho khan la gia vi cua cuoc song!
 


 Mang ẩm thực “sư tử” ngược dòng ra thế giới

Bắt đầu chỉ là quán cháo ếch, món ăn nổi tiếng nhất của Singapore, nhưng nhờ có “gia vị” là tình yêu say đắm cho việc mình làm nên Harry Ang nhanh chóng chinh phục được khách hàng. Ang bảo, gần như ngày nào anh cùng nếm, thử, chế biến… các món, nhất là cháo ếch của nhà hàng để xem có đúng với mong muốn của mình. Chỉ một năm sau, Ang đã nâng cấp cơ ngơi của mình lên thành một nhà hàng 70 chỗ ngồi ngay tại trung tâm quận 1, TP.HCM. 

Năm 2009, Harry Ang mở thêm 2 nhà hàng và chính thức chọn thương hiệu Lion City, đánh dấu sự có mặt của “Sư tử” Singapore tại thị trường ẩm thực Việt Nam. Đây cũng là thời điểm Ang hoàn thiện 4 món ăn chủ lực mà anh gọi là “Bộ tứ hoàn hảo”, bao gồm: cháo ếch, cua sốt ớt, cà ri đầu cá và sốt Samba. 

Để đảm bảo tính đồng nhất hệ thống, các loại sốt quan trọng được chế biến tại bếp tổng và phân phối đến các nhà hàng. Những địa điểm xa thì các nguyên liệu chính được cấp đông, vận chuyển bằng hàng không. Điểm cộng khiến Lion City nhận được sự tin tưởng của khách là nhà hàng áp dụng tiêu chí ít dầu, ít đường, ít muối, không bột ngọt và có chứng nhận Halal cho người Hồi giáo.

“Hiện các món ăn từ cua và ếch vẫn đang chiếm đến 35% doanh thu của hệ thống. Tất cả những món ăn này, đều giữ vị truyền thống chứ không biến tấu để hòa hợp với khẩu vị thực khách Việt Nam như các nơi khác”, Harry nói. Theo Ang, nếu đến Singapore thưởng thức ẩm thực và so sánh, thực khách cũng sẽ thấy sự khác lạ bởi các nhà hàng ở Singapore hiện nay cũng đã có những thay đổi, hiện đại hơn nhiều so với công thức truyền thống. Nhưng Ang lại rất hài lòng với con đường riêng của mình. Bởi vì, đây cũng là cách mà anh cho rằng mình đang góp phần giữ gìn văn hóa ẩm thực cổ truyền của dân tộc.

Tính đến nay, Harry Ang đã có 6 nhà hàng tại TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ. Cuối tháng 5.2018, chi nhánh thứ 7, chi nhánh nhượng quyền thương hiệu đầu tiên tại nước ngoài của Lion City, cũng chính thức vận hành ở Kuala Lumpur, Malaysia - một chuyến ngược dòng ra thế giới mà Ang đã làm được. Kể về câu chuyện nhượng quyền ra quốc tế, Ang không khỏi tự hào cho biết, đối tác của anh cũng chính là “khách ruột” nhiều năm của Lion City. 

Trong một lần trò chuyện, khách tỏ ý “than” là phải tốn vé máy bay về Việt Nam mới được ăn món Singapore đúng điệu, Ang đùa, sao không mang Lion City đến Malaysia, anh sẵn sàng nhượng quyền và chia sẻ mọi bí quyết nấu ăn. Vậy là thành một thương vụ. “Kinh doanh ẩm thực không bắt đầu từ cơ hội hay thị trường mà phải bắt đầu bằng tình yêu dành cho món ăn đó”, Harry Ang nhận định.

Kế đó, là việc xây dựng đội ngũ nhân viên nòng cốt, tin tưởng vào sự phát triển chung của cả dự án. Hội tụ được hai yếu tố này, việc chinh phục khách hàng là không khó. “Tình yêu được tính bằng sự chăm chút, tỉ mỉ dành cho điều mình yêu”, Ang nói. Đó chính là lý do, anh sẵn sàng dành hơn 6 tháng để tìm được thứ gạo như ý để chế biến cơm ở nhà hàng hay hàng năm trời để nghiên cứu và hoàn thành loại sốt riêng cho Lion City. Mua được mẻ cá ngon, tươi, Ang thường không kìm được xúc cảm. Ang sẽ gọi ngay cho những người bạn, cho những khách thân để mời họ đến cùng chung vui với mình. Sự nhiệt tình của ông chủ, hình như cũng là điều mà khách hàng ấn tượng khi đến với Lion City. 

Sau những ngày hỗ trợ hết mình để Lion City Malaysia hoạt động trơn tru, Harry Ang lại quay về Việt Nam, tiếp tục con đường của mình vì sắp tới, Lion City sẽ nhượng quyền ở các nơi khác. Hỏi anh có lo lắng với kế hoạch nhượng quyền của mình không, Ang bảo, với anh, có hai thứ quan trọng nhất để thành công. Đó là kinh nghiệm và sự kiên trì. Chỉ cần trang bị được hai yếu tố này thì khó khăn hay thử thách cũng chỉ là một thứ gia vị làm cho cuộc sống dậy hương thêm.