Hai 'công thức bí mật' của Starbucks
Khi bắt đầu mở rộng sang châu Á, Starbucks đã thiết lập nhiều chiến lược kinh doanh để đảm bảo cho sự thành công của mình. Trong chiến lược đó, có hai "công thức bí mật” mà tất cả nhà quản lý cần nghiên cứu và học tập.
Công thức thành công cho chiến lược mở rộng
Mở rộng ra thị trường quốc tế đang trở thành chiến lược quan trọng của Starbucks. Sự tăng trưởng của Startbucks hiện nay phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển số lượng cửa hàng tại châu Á và doanh số cà phê hoà tan VIA trên toàn thế giới.
Starbucks tin tưởng rằng sự thành công của họ tại châu Á là nhờ họ đã hấp dẫn được giới trẻ tại đây - lực lượng luôn háo hức tiếp nhận văn hóa Mỹ. Dù Starbucks sẽ giới thiệu các món ăn có hương vị châu Á, nhưng vẫn duy trì sự vận hành và cách phục vụ để khách hàng có thể trải nghiệm được hơi thở văn hóa Mỹ.
Dựa trên nguyên tắc này, chiến lược chọn đối tác của Starbuck’s cũng có công thức nhất định.
Điều kiện tiên quyết để chọn đối tác địa phương của họ tại châu Á là phải có nguồn tài chính thật dồi dào để có thể duy trì một cuộc chơi “dài hơi”. Những đối tác đầu tiên của Starbucks tại châu Á như Sazaby (Nhật Bản), Bonvert Holding (Singapore) đều là những công ty đại chúng khổng lồ.
Điều kiện thứ hai để trở thành đối tác của Starbucks là phải chấp nhận sự kiểm soát chặt chẽ đến mức độ không có "khoảng không tự do" nào trong vận hành. Và cũng vì thế mà phương thức hợp tác phổ biến của của Starbucks tại thị trường phương Đông là liên doanh với đối tác địa phương và kiểm soát toàn bộ tiêu chuẩn vận hành.
Các tập đoàn địa phương khi làm việc với Starbucks thường mong muốn cùng Starbucks mở rộng ra các quốc gia lân cận. Từ những năm 2000, Bonvert Holding đã đề cập ý định mang Starbucks đến các thị trường Đông Nam Á khác trong đó có Việt Nam, nhưng không thành.
Vào năm 2011, Tập đoàn Maxim’s Caterers (Hồng Kông) đã đạt được một thỏa thuận khổng lồ với Starbucks để mở rộng thương hiệu này tại thị trường miền nam Trung Quốc và Việt Nam. Được biết, nguồn cà phê nguyên liệu chính để cung cấp cho thị trường miền nam Trung Quốc là từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) - nơi Starbucks có một liên doanh trồng cà phê nguyên liệu.
Công thức thành công trên mạng xã hội
Starbucks không chỉ là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường vật lý, mà nó còn là một thương hiệu trực tuyến nóng bỏng và lớn nhất thế giới. Nếu bạn là một người thích cà phê và biết một chút ít về internet, chắc chắn bạn đã gặp Starbucks vài lần trong thế giới ảo.
Bắt đầu chiến dịch trực tuyến của mình từ năm 2008, đến cuối năm 2011, trang người hâm mộ của Starbucks trên Facebook đã lên đến 27.600.000 “like”, con số này số này vượt xa sự tưởng tượng của bất cứ giám đốc tiếp thị của bất cứ công ty hàng tiêu dùng nào trên thế giới. Công thức thành công của họ là sự trung thực, chân thành và tạo chất keo kết dính giữa người tiêu dùng với nhau.
Nếu bạn viếng thăm trang hâm mộ của Starbucks trên Facebook sẽ dễ dàng thấy rằng, phía bên trái hay phía trên chỉ đăng ảnh và địa chỉ cửa hàng gần khu vực bạn sống hay làm việc, chỉ thế thôi và hoàn toàn không đăng tải các chương trình hay nội dung thúc đẩy bạn mua hàng như khuyến mãi, gỉảm giá…
Một điểm quan trọng là công ty hoàn toàn không đăng một câu chuyện nào nhưng trên đó có rất nhiều câu chuyện được chia sẻ từ người hâm mộ. Họ chia sẻ hình ảnh, câu chuyện, những cuộc gặp gỡ bạn bè trong quán cà phê… Đây là một bí mật đã biến trang Facebook của Starbucks trở thành một “câu lạc bộ” có số thành tăng trưởng chóng mặt.
Rất nhiều công ty cũng tạo ra trang hâm mộ của mình trên Facebook và gửi đến người hâm mộ mình hàng loạt thông điệp. Starbucks thì không như vậy, họ hoàn toàn không gửi thông điệp nào hay trả lời người hâm mộ, nhưng họ tạo ra một không gian giá trị cho những người hâm mộ chia sẻ và trải nghiệm với nhau. Đây có thể là “nơi chốn thứ tư” bên cạnh “nơi chốn thứ ba” là quán cà phê mà Starbucks đã tạo ra.
(Theo nhuongquyenvietnam.com)