Hà Tôn Đức và những chuyến "thuyền buồm phiêu lưu ký"
Trèo lên cột buồm cao hơn 40 m phóng tầm mắt ra đại dương xanh đem lại cho tôi cảm giác tự do và tự chủ. Đua thuyền buồm tôi luyện cho thương nhân tính kiên định và thận trọng cần có. Họ có thể tìm được “điểm cân bằng động” của chính mình khi vượt qua từng hải lý trên đường đua”. Đó là chia sẻ của doanh nhân Việt kiều Hà Tôn Đức, người đã 7 lần tham gia các cuộc đua thuyền buồm thế giới trải đều khắp các châu lục và là người Việt duy nhất tham gia cuộc đua trong đội thuyền Ragamuffin 100. Ông đang dành thời gian thu xếp việc điều hành hàng loạt công ty và nhà hàng mà mình sở hữu tại Mỹ cũng như Việt Nam để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đua tháng 12 năm nay tại Sydney Hobart.
Với lịch sử 70 năm, những cuộc đua thuyền buồm Rolex Sydney Hobart đã trở thành môn thể thao huyền thoại vào mùa hè tại Úc. Được tổ chức tại bờ biển Sydney lộng gió, cuộc đua tổ chức vào dịp Giáng sinh hằng năm là cuộc đua thuyền buồm lớn nhất thế giới và thu hút được lượng người xem kỷ lục, xếp cao hơn cả giải quần vợt Australian Open tennis.
Nhìn những cánh buồm trắng căng gió lướt êm nhẹ trên biển xanh, ít ai nghĩ rằng đua thuyền buồm lại được xếp vào danh sách những môn thể thao quý tộc nguy hiểm. Để có thể tham gia tập luyện, hầu hết vận động viên đã có thời gian dài rèn luyện các môn thể thao sức bền như chạy, võ đối kháng, cử tạ một cách bài bản và dưới cường độ cao. Nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần đối với một tay đua. Tố chất tiên quyết nhất mà mỗi người chơi phải được thử thách là tâm lý vững vàng, bởi lèo lái một chiếc thuyền buồm nặng hàng tấn, dài vài chục mét băng qua những con sóng lớn trên đại dương là điều không hề đơn giản chút nào.
Một chiếc thuyền buồm có chiều dài tiêu chuẩn 30 m, chiều dài cột buồm cao 45 m. Khác với du thuyền hay tàu biển, thuyền được thiết kế không gian mở hoàn toàn, nên không có phòng riêng nào trên thân thuyền. Thuyền chạy hoàn toàn bằng sức gió và hệ thống bánh lái để điều chỉnh phương hướng. Hiển nhiên, sức lực bỏ ra để điều khiển chiếc thuyền nặng 21 tấn, diện tích cánh buồm lên đến 600 m quả là cuộc chơi không dành cho người ít gan dạ. Mua bảo hiểm sinh mạng trước mỗi cuộc đua thuyền là điều kiện bắt buộc để các vận động viên được tham gia thi đấu.
Tại Úc, Cruising Yacht Club là câu lạc bộ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến môn thể thao quý tộc này khi quy tụ sự tài trợ và tham gia của những siêu tỉ phú thế giới. Những cái tên đình đám như nhà tài phiệt người Bỉ Gery Trentesaux, đại gia người Đức Hamburgischer Verein Seefahrt hay người hùng thung lũng Silicon Jim và Kristy Clark.
Nổi danh nhất là tỉ phú địa ốc người Úc Syd Fisher với 7 siêu thuyền chiến mang tên Ragamuffin 100. Hạm đội của ông đã 6 lần đoạt cúp Admiral’s Cup. Mỗi thuyền đua có giá trung bình 10 triệu USD, trong đó chỉ riêng hệ thống cánh buồm đã là 40.000 USD bằng giá một chiếc Bentley hạng sang. Chính vì thế, giới quý tộc toàn cầu luôn ưu ái gọi tên mỗi cuộc đua thuyền buồm là cuộc đua công thức F1 trên đại dương.
Điểm đặc trưng mang lại sức lôi cuốn người xem nhất nằm ở thành viên thủy thủ đoàn của mỗi đội đua, thường khoảng 18-20 người. Phần lớn đều là những tỉ phú nắm trong tay khối tài sản nhiều tỉ đô-la. Họ yêu môn thể thao mạo hiểm này và sẵn sàng phơi mình dưới nắng, gió đại dương nhiều giờ liền trên mỗi chặng đường đua. Một cuộc đua thường kéo dài từ 40-50 giờ liên tục; các thủy thủ doanh nhân thường thay nhau ngủ tối đa chỉ từ 3-4 giờ.
Khi lênh đênh giữa các dòng hải lưu, họ phải cùng nhau phối hợp, lựa sức gió, luồng nước để luôn duy trì vận tốc khoảng 80 km/h. Hệ thống định vị vệ tinh gắn trên mỗi chiếc thuyền cho phép nhà tổ chức đo được tốc độ mỗi thuyền và sẽ xử thua cuộc ngay lập tức bất cứ đội nào có tốc độ quá thấp hoặc dùng động cơ thủy. Trước những con sóng dữ liên tục táp vào mạn thuyền, tính cách của từng doanh nhân sẽ được bộc lộ hết theo bản năng sinh tồn trên biển. Và để trở thành một đội “cùng hội cùng thuyền”, đòi hỏi sự đồng đều về thể lực, bản lĩnh đàn ông đích thực, thận trọng và can trường. Nhiều trường hợp thuyền viên bị ngất hoặc rơi xuống biển do sóng lớn đòi hỏi khả năng xử lý tình huống tại chỗ, hô hấp nhân tạo, kiểm tra chấn thương và cố định nạn nhân trên thuyền.
Chắc chắn sẽ không có chỗ cho sự sợ hãi và do dự khi chơi môn thể thao này. Có lẽ chính ở những điểm này mà doanh nhân Hà Tôn Đức nói rằng đua thuyền buồm đã rèn luyện cho ông sự kiên định và quyết đoán. Ông Đức vẫn còn nhớ kỷ niệm năm 2013, khi tàu đua của ông đang đi qua lãnh hải Việt Nam, được ngắm nhìn đảo Trường Sa lớn nằm bình yên trên dải biển xanh đã khiến cho ông vô cùng xúc động. Khi tàu tiến qua thêm vài chục hải lý thì cột buồm chính bị gãy. Lúc này, ông chỉ có hai lựa chọn để sửa cột buồm: hoặc cho tàu ghé về Đà Nẵng mất 1 ngày để sửa, hoặc ghé Singapore sửa thì mất hết 6 ngày. Cả hai trường hợp đồng nghĩa với việc từ bỏ đường đua xanh. Người doanh nhân lúc này chỉ tâm niệm rằng thủy thủ đua thuyền cũng như giám đốc doanh nghiệp, không thể bỏ cuộc trong lúc kinh doanh khó khăn.
Thế là ông đã nghĩ ra giải pháp gọi điện thoại về Việt Nam và hướng dẫn nhà xưởng đóng cột buồm mới. Công việc hướng dẫn làm một cột buồm mới thật sự không dễ khi chỉ thông qua chiếc điện thoại. Vậy mà chỉ 12 giờ sau, cột buồm mới đã được mang đến và thay ngay trên biển. Ông và thủy thủ đoàn lại tiếp tục hành trình.
Sở dĩ đua thuyền buồn tạo nên một phong cách sống đích thực cho doanh nhân chính là tính minh bạch và khắt khe của môn thể thao dưới nước này. Đua thuyền buồm không tồn tại sự ăn theo của loại hình cá độ thể thao hay quảng cáo truyền thông quá đà. Giải thưởng mà các tỉ phú doanh nhân dành được sau hàng trăm hải lý đôi khi cũng giản dị đến bất ngờ. Đơn cử như cuộc đua thuyền buồm AUDI Hong Kong - Nha Trang cuối tháng 10.2015 vừa qua tại Việt Nam. 14 thuyền đua đến từ Úc, New Zealand, châu Âu, Mỹ, Philippines, Hồng Kông đã trải qua chặng đua dài 656 hải lý từ Hồng Kông về Đà Nẵng. Ông Geoff Hill, Chủ tịch Câu lạc bộ du thuyền Hoàng Gia Hong Kong, đã trao giải cho đội thắng cuộc: duy nhất một chiếc kìm đa năng.
Tận mắt nghe những tràng cười sảng khoái và nhìn ánh mắt hân hoan của hơn 146 thuyền trưởng và thủy thủ đoàn trong lễ trao giải tại Nha Trang mới hiểu được giải thưởng ý nghĩa lớn lao ẩn sâu mà môn thể thao đích thực này mang lại cho những doanh nhân sau hành trình du ký trên biển.
An Cầm