Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT. Ảnh: Baothanhnien.
Giữa cơn hoảng loạn của thị trường, tài sản của tỷ phú Trương Gia Bình thay đổi ra sao?
Có thể nói, năm 2020 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành từ giữa tháng 12/2019 từ Vũ Hán. Sau đó, dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Đến nay, 108 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.
Tăng trưởng GDP toàn cầu trên toàn thế giới được dự báo sẽ giảm xuống 2,8% trong năm 2020. Theo BofA Global Research, đây sẽ là năm đầu tiên tăng trưởng đạt dưới mức 3% kể từ cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Trước tác động nặng nề của virus corona, hồi cuối tháng 02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,96% trong năm 2020, giảm 0,8 điểm phần trăm so với ước tính trước đó.
Và một trong những ảnh hưởng tiêu cực nhất của dịch COVID-19 là tác động của nó đến thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư luôn trong trạng thái bán ròng khiến thị trường những ngày qua liên tục lao đao.
Diễn biến cổ phiếu FPT trên thị trường chứng khoán. Ảnh: FireAnt. |
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 03/2020 đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm 120 điểm, tương ứng với mức giảm hơn 14% từ phiên 02-13/03. Trong đó, phần lớn các cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn HoSE đều trên đà giảm mạnh. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30 với 29 mã giảm điểm. Mức giảm bình quân trong khoảng 16% trong 2 tuần giao dịch.
Diễn biến tiêu cực của các cổ phiếu trên sàn thời gian qua đã tác động rất lớn giá trị vốn hóa trên thị trường của các doanh nghiệp. Và dĩ nhiên, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến "túi tiền" của các tỷ phú.
Theo số liệu thống kê từ phiên giao dịch 02-13/03, cổ phiếu của CTCP FPT (HoSE: FPT) đã giảm hơn 12.6% từ vùng giá 55.100 đồng/cổ phiếu về vùng 48.150 đồng/cổ phiếu.
Với lượng sở hữu hơn 48 triệu cổ phiếu FPT, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trương Gia Bình đã giảm hơn 333 tỷ đồng trong những phiên giao dịch qua.
Ông Trương Gia Bình là Thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT của FPT. Ông được xem như là linh hồn, là người tập hợp lực lượng và là một chiến lược gia với những định hướng chiến lược quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của FPT trong suốt 30 năm qua.
Mới đây, doanh nghiệp của ông, CTCP FPT vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Trong đó, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 32.450 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 5.510 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 18% so với thực hiện năm 2019.
Bên cạnh đó, HĐQT FPT sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 tỷ lệ 20%, trong đó 10% đã trả trong năm 2019 và 10% còn lại thực hiện sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt. Thời gian thực hiện dự kiến là trong quý II/2020.
Cùng lúc đó, FPT cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận giữ lại cũng trong quý II/2020. Tính tổng cộng, tỷ lệ cổ tức cho năm 2019 của FPT là 35%.
Trong năm 2020, FPT đề xuất chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt 20% và mức chia sẽ do ĐHĐCĐ thường niên 2021 quyết định.
►Tài sản của người đàn ông giàu nhất Việt Nam "bốc hơi" hàng chục nghìn tỷ đồng
► Nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu khoảng thời gian tệ nhất kể từ Đại Suy thoái?
► VN-Index giảm điểm mạnh, nhưng tài sản bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn tăng hàng trăm tỷ đồng