Ảnh: TL
Giáo sư Trương Nguyện Thành và chuyện người cha
Là một nhà khoa học nổi tiếng ở Mỹ, với gần 200 bài nghiên cứu quốc tế và 2 bằng phát minh nhưng mối quan tâm của Giáo sư Trương Nguyện Thành lại là vấn đề phát triển con người.
Vì ưu tư đến phát triển con người, ngày trở về Việt Nam sau nhiều năm xa cách, Giáo sư Thành quyết định dấn bước vào lĩnh vực giáo dục. Trước đó, ông là người sáng lập nên Mạng lưới Tri thức Việt toàn cầu (ivanet.org). Trang Facebook IVANet hiện có hơn 20.000 thành viên. Ông cũng đã giúp đỡ nhiều sinh viên giỏi Việt Nam sang Mỹ du học bằng nguồn tiền từ quỹ nghiên cứu của ông.
Tuy nhiên, đánh dấu cho bước đường dấn thân vào giáo dục của Giáo sư là về làm Phó hiệu trưởng điều hành Đại học Hoa Sen năm 2017. Sau hơn 1 năm gắn bó và được đề bạt chức vụ Hiệu trưởng, vì lý do khách quan, ông đã rời Đại học Hoa Sen để trở về Mỹ, tiếp tục công việc ở Đại học Utah.
Người ta tưởng là ông sẽ đi luôn. Nhưng mới đây, Giáo sư lại trở về Việt Nam trong chức vụ Phó hiệu trưởng Đại học Văn Lang. “Nếu tham gia vào nghiên cứu khoa học, hay đầu tư kinh doanh, tôi chỉ có thể góp phần tác động tích cực đến một số người. Còn ở lĩnh vực giáo dục, tôi có thể đem sức lực và khả năng của mình, tác động lên nhiều người, nhiều tầng lớp, với mức độ lan tỏa rộng lớn hơn”, Giáo sư Thành cho biết động lực dấn bước vào giáo dục là cách để ông thực hiện lý tưởng đời mình.
Từ kinh nghiệm giảng dạy và tiếp cận sinh viên, ông nhận thấy sinh viên Việt Nam hiện nay chông chênh, yếu kém và thua sút sinh viên các nước tiên tiến về nhiều mặt. Ông nhận ra, vấn đề nằm ở gốc rễ giáo dục từ thuở bé. Đây là lý do thôi thúc ông hoàn tất cuốn sách về dạy con mang tên Cha Voi.
Cha Voi là tác phẩm mà Giáo sư Thành đã tranh thủ viết trong những ngày “nghỉ ngơi”, sau khi rời Đại học Hoa Sen. Giáo sư cho biết, ông mất khoảng 3 tháng để hoàn thành cuốn sách. Trong đó, phần lớn thời gian ông dành cho tìm kiếm các nghiên cứu khoa học để minh chứng cách dạy trong Cha Voi là có cơ sở khoa học.
Cha Voi đã trở thành tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt vì đó là những đúc kết sống động, được viết từ chính trải nghiệm thực tiễn của Giáo sư Thành. Trong Cha Voi, ông không ngần ngại phơi bày đời tư cá nhân của mình, mục đích là để chia sẻ, tâm tình với những bậc làm cha mẹ, thuyết phục họ.
Đọc Cha Voi, người ta mới hay, cuộc đời của của vị giáo sư danh tiếng không hề bằng phẳng. Mới 11 tuổi, cậu bé Trương Nguyện Thành ngoài giờ học phải đi bán thuốc lá dạo để giúp chữa bệnh cho cha và lo cho các em. Lớn hơn chút, 15 tuổi, cậu làm bất cứ nghề gì để kiếm sống ở quê như cày thuê cuốc mướn. Có lúc, cậu quên hết học hành, tưởng phải gác nghiệp sách đèn để lao vào con đường mưu sinh, đỡ đần cho gia đình.
May mắn là chàng trai trẻ nhiều hoài bão đã gặp được người thầy đáng kính. Thầy phát hiện ra khả năng toán học của ông và khuyến khích ông đừng từ bỏ con đường học vấn. Trong lời tiễn biệt khi ông cùng người em rời Việt Nam (năm 1980), cha của ông cũng dặn dò rằng: “Bay càng cao thì con sẽ thấy được càng xa!”
“Học để thoát nghèo” đã trở thành một trong những động lực mạnh mẽ giúp Trương Nguyện Thành kiên trì theo đuổi việc học nơi xứ người, dù có lúc, con đường ấy tưởng đã bít lối. Đó là khi các trường đại học ở Mỹ từ chối nhận ông với lý do không đạt về khả năng ngoại ngữ. Ngay thầy hiệu trưởng ở trường trung học Mỹ cũng khuyên ông nên đi làm công cho hãng thịt gà tây hơn là ước ao vào đại học.
Nhưng không nản chí, ông đã cố gắng gấp bội. Cảm động trước thái độ của ông, các thầy cô đã viết thư thỉnh nguyện và Trường Đại học North Dakota State đã đồng ý nhận ông. Cầm lá thư chấp nhận của Trường, ông mừng rơi nước mắt và hiểu rằng, đứng trước thất bại, thái độ quan trọng hơn trình độ.
Sau này, trong thời gian học đại học, ông cũng không ít lần đấu tranh trước những cám dỗ hưởng thụ vật chất. Xung quanh ông, bạn bè đã đi làm, kiếm được tiền, sắm xe hơi vui thú. Còn ông nhiều đêm phải đối diện với cảm giác cô đơn, nhớ gia đình. Những lúc đó, ông thú nhận, nếu không có khả năng tự kiềm chế, không có ý chí, có lẽ ông đã chọn đi con đường khác. Càng trải nghiệm, Giáo sư Thành càng nhận thấy, khả năng của con người là không giới hạn. Lúc vào đại học, ông không biết học ngành gì nên chọn ngành lý vì ngành này không đòi hỏi tiếng Anh cao. Nhưng khi xin làm thêm ở phòng thí nghiệm hóa và may mắn được nhận, ông thấy mình yêu thích nghiên cứu khoa học. Để theo đuổi niềm yêu thích, ông phải có bằng tiến sĩ. Thế là ông ước ao học thêm lên.
Sau 10 năm kể từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, ông Trương Nguyện Thành đã cầm được tấm bằng Tiến sĩ Hóa học (năm 1990) và nhận học bổng từ Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) dành cho những giáo sư trẻ có nhiều tiềm năng nhất nước Mỹ (năm 1994). Sau đó, năm 2002 ông được phong lên bậc giáo sư cao nhất nước Mỹ (Full Professor). Có ai ngờ một cậu bé nghèo khổ lam lũ, với xuất phát điểm tiếng Anh yếu kém lại có thể bay cao bay xa, chạm tới giấc mơ cuộc đời.
Tuy nhiên, niềm tự hào lớn nhất trong đời của Giáo sư Trương Nguyện Thành là ông đã vượt qua nhiều trắc trở của cuộc hôn nhân không trọn vẹn để nuôi dạy 2 con thành người hữu ích. Trong đó, đối với ông, nuôi dạy đứa con trai lớn bị tự kỷ vừa là thách thức nhưng cũng là món quà trời ban cho ông. Nhờ con, ông đã tự rèn thêm nhiều tính cách, kỹ năng tốt như tính nhẫn nại, khả năng kiểm soát cơn giận...
Bởi theo những gì ông nghiên cứu và trải nghiệm, cùng với kiến thức thì nhân cách, kỹ năng, tư duy là 4 trụ cột giúp phát triển cá nhân. Ở Việt Nam, giáo dục hiện mới chú trọng đào tạo kiến thức chứ chưa quan tâm rèn luyện kỹ năng sống (tự lập, sinh tồn, giao tiếp tương tác, tập trung, tự kiềm chế...), mài giũa nhân cách (trung thực, khiêm tốn, khoan dung, thấu cảm, ý thức cộng đồng), khai phóng tư duy (tư duy cầu tiến, suy nghĩ chín chắn và đa chiều, tư duy kháng bại, cân bằng cuộc sống). Trong khi thành bại, hạnh phúc hay đau khổ, chất lượng sống của một người tùy thuộc vào đây. Ông cho rằng, hun đúc, bồi dưỡng nên 3 trụ cột (ngoài kiến thức) là nhiệm vụ chủ yếu của gia đình.
Vị giáo sư có biệt danh “giáo sư quần đùi” cũng ước mong, mỗi người biết bước qua những trở ngại, định kiến, các rào cản hữu hình và vô hình, bước qua nỗi sợ hãi, e ngại, tự ti để khám phá tiềm năng vô tận nơi chính mình. Bằng chứng là ở tuổi gần 60 và không phải dân thể thao, ông vẫn có thể cùng con đạp xe qua các ngã đường dọc đồng bằng sông Cửu Long, trèo đèo băng rừng Tây Nguyên. Tính ra, chỉ với chiếc xe đạp nhỏ, hai cha con ông đã có những chuyến du hành thú vị dài cả ngàn cây số. “Khi con người không bị áp lực, được động viên đúng cách và đúng thời điểm, họ sẽ có sức sáng tạo và có khả năng chạm tới những năng lực vô biên”, Giáo sư Thành nói