Giáo sư Hà Tôn Vinh: 20 năm đi tìm nguồn cội
Tỉ phú Donald Trump, nhân vật dang gây chú ý trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, chính là cha đẻ của “Hoa hậu Hoàn vũ”, 1 trong 4 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh và đã được tổ chức 2 lần tại Việt Nam. Và có một người Việt đã gặp và đề nghị Donald Trump đưa cuộc thi này về tổ chức lần đầu ở Việt Nam vào năm 2008. Ðó là Giáo sư Hà Tôn Vinh, vị chuyên gia Việt kiều có cuộc đời gắn bó nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục.
Người viết gặp Giáo sư Hà Tôn Vinh trong buổi hội thảo về công nghệ dược phẩm diễn ra gần đây tại TP.HCM. Vẫn phong thái hòa nhã và “có lửa” thường thấy, ông tâm huyết chia sẻ nhiều kinh nghiệm thương trường dành cho những doanh nghiệp Việt muốn bước vào cuộc chơi gai góc ở ngành dược. “Mỗi lời chia sẻ của Giáo sư là hội tụ tinh hoa của kinh nghiệm thực tế hòa trong đỉnh cao kiến thức. Mà tất cả lại được diễn đạt qua một bộ óc hài hước và ý nhị”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thọ, Viện trưởng Viện Lãnh đạo và Doanh nhân, nhận xét khi buổi hội thảo kết thúc.
Kinh nghiệm “trận mạc” của Giáo sư Vinh trải dài từ châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Tây Phi và sâu rộng từ lĩnh vực phát triển chiến lược kinh tế, quản lý cải tổ và sáp nhập doanh nghiệp, tài chính dự án song phương và đa phương, tài chính ngân hàng...
Dấu chân của vị chuyên gia này đã đi qua gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hàng loạt những cương vị cốt cán như cố vấn cao cấp vùng châu Á cho Quỹ Đầu tư Tài chính Cơ sở Hạ tầng của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia tài chính năng lượng của Ngân hàng Phát triển châu Á, cố vấn dự án trách nhiệm xã hội doanh nghiệp thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc.
Mặc dù bận rộn với công việc, hằng năm vị chuyên gia Việt kiều này vẫn luôn cố gắng ưu tiên tham gia diễn thuyết tại các hội thảo khoa học trong nước kể từ năm 1995, khi ông lần đầu tiên trở về quê nhà. Trong chuyến hành trình 20 năm xuyên 2 thế kỷ tìm về cội nguồn của mình, Giáo sư Hà Tôn Vinh không chỉ giữ vững tâm thế và bản lĩnh Việt, mà còn truyền lửa đam mê và khát vọng thành công cho thế hệ CEO đầu tiên của Việt Nam, cũng như cho rất nhiều vị trí lãnh đạo các cấp trong Chính phủ.
Giáo dục hoàn toàn khác với đào tạo
Khởi đầu với vai trò nghiên cứu sinh tại Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (1981), rồi ngay 2 năm sau được học bổng học Tiến sĩ Quản trị Công tại Ðại học Công giáo Mỹ, Giáo sư Hà Tôn Vinh đã có duyên nợ với lĩnh vực giáo dục từ 35 năm trước. Những đóng góp của vị chuyên gia này cho nền giáo dục Mỹ được công nhận qua hàng loạt vị trí cao cấp mà ông đã từng đảm nhiệm, từ bờ Tây (Viện Kenan châu Á, Ðại học North Carolina) sang bờ Đông (Ðại học Missouri), rồi đến cả quần đảo Hawaii (Ðại học Hawaii).
Theo dòng thời gian, vốn kinh nghiệm sống và tri thức tích lũy luôn khiến Giáo sư Vinh trăn trở, suy ngẫm về vấn đề nền tảng của giáo dục Việt Nam. Đó là việc phải phân tách rõ giữa giáo dục (dài hạn) và đào tạo (ngắn hạn). Thực tiễn cho thấy, các trường đại học Việt Nam hầu hết tập trung giáo trình và thời lượng cho việc cung cấp kiến thức, đào tạo chuyên môn cơ bản. Theo ông, bản chất của việc này là chạy theo chiều rộng với những mục tiêu ngắn hạn trước mắt.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và nghề đã cung cấp ra thị trường 70.000 lao động mới, nâng tổng nhu cầu tìm việc của người lao động tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Nhưng sự thiếu hụt định hướng và chiến lược phát triển nghề nghiệp, thiếu kỹ năng mềm là một trong những nguyên nhân khiến cho 11,3% công dân trong nhóm 15-24 tuổi ở thành thị của Việt Nam rơi vào tình trạng thất nghiệp. Quý I/2015, gần 300.000 lao động được đào tạo từ đại học trở lên cũng không có việc làm, cho thấy bức tranh ảm đạm về tương lai nhân lực Việt.
Trong quan điểm của Giáo sư Vinh, chỉ có giáo dục và những định hướng chiến lược dài hạn, tập trung chiều sâu với mục tiêu xây dựng chất lượng đào tạo phát triển bền vững mới có thể mang lại hiệu quả bền vững. “Ngoài các đề án hay chính sách đồng bộ từ những nhà hoạch định chính sách, vấn đề luôn tồn tại trong hệ thống quản lý chính là khâu giám sát và thực hiện”, ông nói thêm.
Thực tế, ngân sách chi cho giáo dục hằng năm luôn tăng (225.000 tỉ đồng trong năm 2014, chiếm 20% ngân sách), nhưng lại không tỉ lệ thuận với kết quả về mặt chất lượng. Nguyên nhân không nhỏ, theo Giáo sư Vinh, chính là do cốt lõi chưa phân tách giữa giáo dục và đào tạo. “Nước nhà có thể bắt đầu từ những viên gạch giản dị, nhưng không hề giản đơn, là hướng nghiệp bài bản cho hơn 1 triệu sĩ tử trong kỳ thi tuyển sinh mỗi năm”, ông Vinh khẳng định.
Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường
Năm 1978, tấm bằng cao học về lĩnh vực ngoại giao và kinh tế phát triển tại Đại học Georgetown, Washington, D.C. đã vô tình đem lại cho Giáo sư Hà Tôn Vinh cơ hội giúp ông trở thành cố vấn cao cấp phụ trách cộng đồng châu Á của Chính phủ Mỹ trong 2 kỳ tranh cử của Tổng thống Ronald Reagan (1981) và Phó Tổng thống George Bush (1985).
Thời gian này, sẽ không một ai có thể hình dung rằng vị giáo sư luôn được giới chính khách săn đón và được xếp vào hàng triệu phú ở Mỹ này lại luôn trăn trở với tâm niệm “Giấc mơ Việt”. Càng kinh ngạc hơn, khi một người cố vấn cấp cao như ông lại hồ hởi giảng dạy tại Khoa Quản trị Kinh doanh ở Đại học Quốc gia Hà Nội (1998) với tư cách giáo sư thỉnh giảng và mức thu nhập tượng trưng 1 USD/năm.
Sau chặng đường 20 năm, Giáo sư Vinh vẫn âm thầm ủng hộ khái niệm nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ khi lần đầu được nghe khái niệm này vào năm 1999. Theo ông, thế giới phẳng và luôn vận động biến đổi. Vì thế, chính phủ phải đóng vai trò chủ chốt trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong việc điều tiết nguồn lực xã hội hướng đến bình đẳng và công bằng cho người dân, chứ không phải cho các “nhóm lợi ích”.
Trong tâm niệm của vị chuyên gia này, nền kinh tế Việt Nam đã có tính thị trường từ lâu nếu quan sát hàng loạt chính sách mạnh tay của Nhà nước trong vấn đề cải cách pháp lý liên quan đến môi trường kinh doanh, lộ trình cổ phần hóa công ty quốc doanh, hay vấn đề tái cấu trúc hệ thống tài chính.
“Việc châu Âu hay Mỹ vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường là quan điểm không còn phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh”, Giáo sư Vinh nói. Có lẽ, cũng chính những giá trị cốt lõi gia đình, văn hóa dân tộc, lễ nghĩa của Việt Nam đã khiến những nhà khoa học và trí thức như ông muốn gắn bó và trở về đóng góp.
An Cầm