Ảnh: TL
Giáo sư - Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ: Sen nở trong trường hạnh phúc
Cuối năm 2018, Nhà giáo Ưu tú - Giáo sư - Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ chính thức đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Chiếc ghế này, trong bối cảnh những rối ren trước đó mà Hoa Sen trải qua, được xem là “ghế nóng”. Trải qua hơn 100 ngày điều hành Hoa Sen, Giáo sư Mai Hồng Quỳ cho biết, những khó khăn hiện tại chỉ là trở ngại tạm thời.
Sinh ra trong một gia đình 3 đời đều làm ngành luật, ông ngoại là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên đi học luật ở Pháp đầu thế kỷ XX, mẹ là bà Đoàn Thị Thu, một luật sư rất nổi tiếng, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, Giáo sư Mai Hồng Quỳ là cái tên ấn tượng trong ngành luật lẫn giáo dục.
Bà kể, khi còn là cô sinh viên học luật ở Lomonosov (Nga) về, ông ngoại, cũng là người hướng nghiệp cho bà, dặn: “Con nên làm giáo sư luật chứ không nên làm luật sư. Khi con làm giáo sư luật, sự truyền bá và sức ảnh hưởng của con sẽ lớn hơn khi con làm luật sư, chỉ làm cho một số thân chủ. Và khi con làm giáo dục, con sẽ truyền được sự yêu thích và kiến thức đến hàng ngàn sinh viên”. Lời ông dạy trở thành kim chỉ nam khiến bà quyết định tham gia dạy luật cho sinh viên những khóa đầu tiên ở Đại học Ngoại thương TP.HCM, từ K29 đến K34. Sau khi về Trường Đại học Luật, bà tiếp tục giảng dạy luật.
Sau quãng thời gian đứng lớp, Giáo sư có hơn 10 năm làm Hiệu phó và 12 năm đảm nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM và bây giờ làm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Nhìn lại quá trình của mình, Giáo sư cho biết, lời hướng nghiệp của ông ngoại khi ấy đã được thực hiện trọn vẹn và bà vô cùng hài lòng với con đường mình đã qua.
Điều gì khiến bà tự tin với quyết định quản lý một trường đại học vốn đang có nhiều biến động?
Gần 30 năm làm việc, tôi đã có 23 năm gắn bó và cống hiến tại Trường Đại học Luật TP.HCM. Tháng 8.2018, khi nhận quyết định nghỉ hưu, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi ít nhất 1 năm và làm những việc mình muốn mà chưa có thời gian làm.
Thú thật, thời điểm đó, tôi không biết nhiều về những biến động của Hoa Sen nhưng tôi nghĩ không có trường nào mà không có những vấn đề riêng và việc thay đổi nhiều hiệu trưởng trong thời gian ngắn của Đại học Hoa Sen là yếu tố ngoài ý chí. Tôi tin sau nhiều biến cố, nếu có thủ lĩnh hết lòng thì người đó sẽ nhận được sự ủng hộ của tập thể. Ai cũng muốn có một ngôi trường thân thiện, ổn định để làm việc và gắn bó. Tôi cũng từng có một chút băn khoăn bởi quản lý điều hành một trường đại học công lập và đại học tư thục có sự khác biệt rất lớn. Tuy nhiên, xét cho cùng, công hay tư thì cũng đều phải là trường đại học đúng nghĩa, đúng chuẩn, với tinh thần đại học.
Cảm nhận của bà thế nào về chiếc ghế nóng của mình?
Thách thức lớn của tôi là tình hình của các sinh viên. So với những môi trường mà tôi đã trải qua cũng như điều tôi đang hướng đến thì thực tế, mặt bằng sinh viên trường hơi có khoảng cách. Đa số sinh viên chưa hoàn tất quy trình đào tạo của nhà trường đã đi làm. May mắn là các sinh viên vẫn được đơn vị sử dụng lao động đánh giá làm được việc. Với tôi, đó là cái “nóng” nhất, “nóng” hơn tôi tưởng tượng bởi khi làm đào tạo, chức trách và nhiệm vụ của tôi là phải thực hiện được quy trình và thời gian đào tạo theo quy định để có “sản phẩm” cuối cùng là sinh viên của mình ra trường có đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng làm việc.
May mắn của tôi là Trường đã có được đội ngũ giảng viên chất lượng, không chỉ có học hàm học vị mà còn có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, phần lớn được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Và lợi thế của Đại học Hoa Sen là việc quản lý đã có nề nếp, có công cụ để thực hiện các hoạt động cần thiết.
Điều quan trọng khác là giải quyết những lo lắng và quyền lợi của sinh viên...
Trong thời gian qua, tập thể Ban Giám hiệu, các thiết chế trong Trường đã nhanh chóng củng cố tổ chức, duy trì và thực hiện thêm các biện pháp cần thiết để tạo môi trường làm việc tốt cho thầy cô giáo và môi trường học tập tối ưu cho sinh viên. Khi nhận nhiệm vụ này, tôi đã ước mơ, định hướng phát triển Hoa Sen thành ngôi trường hạnh phúc.
Một ngôi trường hạnh phúc thì có thể mang đến cho sinh viên, học sinh một đời sống hạnh phúc?
Theo tôi, hạnh phúc là một khái niệm rất định tính chứ không có định lượng, mang tính cảm nhận rất chủ quan. Một ngôi trường hạnh phúc sẽ đem đến cho sinh viên cảm nhận và trải nghiệm hạnh phúc. Cảm nhận như việc khi đến trường, sinh viên sẽ có được kiến thức và kỹ năng hữu ích cho bản thân trong cả cuộc đời sau này; họ sẽ có trải nghiệm được làm việc với thầy cô thực sự dám xả thân và có những kiến thức, kỹ năng rất tuyệt vời; cũng như tiếp xúc với công nghệ mới.
Và trải nghiệm hạnh phúc là được đi qua những thời khắc cùng bạn bè đồng lứa hoặc các anh, chị trong trường qua những hoạt động chung. Chúng tôi sẽ tạo cơ hội để sinh viên có thể trải nghiệm những thời khắc nhẹ nhàng, những tình cảm đẹp đẽ của tuổi trẻ như thế.
Bà thực sự hạnh phúc với “nghiệp” làm hiệu trưởng?
Tôi hạnh phúc với “nghiệp” làm giáo dục, đó là chắn chắn. Tôi hài lòng vì luôn được làm việc với người trẻ và được nhận năng lượng trẻ. Chơi với người giàu chưa chắc mình đã giàu, chơi với người giỏi chưa chắc mình đã giỏi như người ta nhưng chơi với người trẻ thì chắc chắn tâm hồn mình sẽ trẻ.
Định hướng Hoa Sen trở thành trường có chất lượng giảng dạy quốc tế có phải là mục tiêu khả thi?
Hiện nay, một trong những vấn đề của giáo dục Việt Nam là chảy máu nguồn lực. Khẩu hiệu “Đại học quốc tế của người Việt” của Đại học Hoa Sen đã có từ năm 2016 và tôi rất ủng hộ. Sinh viên được học chương trình nước ngoài, giáo trình nước ngoài, giảng viên nước ngoài... đã khá lâu rồi và tôi chỉ mở rộng hơn định hướng này. Yêu cầu của tôi đối với tất cả các khoa hiện nay là bất kỳ một chương trình nào cũng phải có những đối tác nước ngoài để tham khảo, để liên kết, để học tập, để cùng với họ thực hiện.
Nhu cầu về nhân lực trình độ cao ở Việt Nam ngày càng lớn. Thế giới đang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chúng ta không chỉ cạnh tranh với máy móc mà còn phải làm chủ chúng. Mong muốn của tôi là phát triển Hoa Sen thành một trường đại học theo định hướng ứng dụng có tính quốc tế hóa cao và là đại học thông minh. Trong đó, xu hướng quốc tế hóa không chỉ thể hiện ở việc liên kết đào tạo, sử dụng các chương trình giáo dục tiên tiến, khai thác các giáo trình mang tính quốc tế cao, gửi sinh viên theo học hoặc thực tập ở nước ngoài mà còn bao gồm cả việc Hoa Sen trở thành nơi học tập lý tưởng cho sinh viên nước ngoài