Lan Anh Thứ Ba | 23/05/2017 12:30

Giáo dục kiểu mới: Đổi lượng lấy chất

Giáo dục cá nhân không chỉ đánh giá kết quả học tập, mà chú trọng cả về tác phong, thói quen ăn uống, vấn đề tâm sinh lý, hành vi ứng xử.

Một ngày của Marley (7 tuổi) khi đến trường bắt đầu bằng việc điểm danh bằng iPad, quản lý học tập bằng Chromebook và kiểm tra xem đã hoàn thành chương trình học tập của tuần đó hay chưa. Kế hoạch của Marley ngày hôm nay là lập dàn ý cho trang blog về bộ sưu tập tiền xu của mình. Ở phòng khác, dưới chân là ổ của bầy thỏ cưng, một học sinh đang thiết kế góc cây xanh thu nhỏ cho lớp học, tỏ ra thích thú với nhiệm vụ này vì ước mơ trở thành bác sĩ thú y và họa sĩ truyện tranh.

Đây là hai cô bé đang theo học tại trường AltSchool ở Thung lũng Silicon, ngôi trường đầu tiên trên thế giới theo đuổi giáo dục cá nhân, một mô hình mới mẻ trên toàn cầu và bắt đầu được quan tâm bởi một số rất ít các trường tại Việt Nam. AltSchool do Max Ventilla, một chuyên viên nổi tiếng của Google, sáng lập với thế mạnh phân tích và là người đề cao tính cá nhân. Khi con gái đến tuổi đi học, Ventilla ngạc nhiên khi không tìm được một chương trình đào tạo phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của con mình.

Quan điểm này đã thúc đẩy anh xây dựng mô hình giáo dục cá nhân (Personalized learning), mở ngôi trường đầu tiên với 19 học sinh và đến nay đã gọi được 133 triệu USD từ những nhà đầu tư tên tuổi như ông chủ Facebook, Andreessen Horowitz  hay quỹ của Peter Thiel. Mô hình này có hai đặc trưng. Thứ nhất là mỗi học sinh được thiết lập một chương trình phát triển cá nhân riêng biệt (PEP - Personalized Education Plan) tùy vào mục tiêu của gia đình. Hai là việc ứng dụng công nghệ có vai trò quan trọng đặc biệt.

Tại Việt Nam, là một trong số ít trường quốc tế đầu tiên tại TP.HCM, trước sức ép cạnh tranh và muốn duy trì chất lượng đào tạo, 3 năm trước, Trường Quốc tế TIS đã chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang giáo dục cá thể. Đến nay, công tác tiêu chuẩn hóa quy trình đào tạo và các dịch vụ chăm sóc đang được thực hiện với gần 200 học sinh (1/3 so với trước), học song song chương trình giáo dục Việt Nam và quốc tế.

Hoàn cảnh mỗi trẻ khác nhau: có trẻ tự học ở nhà, trẻ đi học thêm, học kèm gia sư. Mục tiêu của mỗi học sinh cũng không giống nhau: đậu đại học, tìm kiếm học bổng hoặc du học tại những ngôi trường nổi tiếng... Giáo dục cá nhân vì thế sẽ thích ứng với năng lực, năng khiếu, điểm mạnh/yếu của từng học sinh; Không chỉ đánh giá kết quả học tập mà chú trọng cả về tư cách tác phong, thói quen ăn uống, vấn đề tâm sinh lý, hành vi ứng xử của trẻ. “Mỗi kỳ họp, một phụ huynh họp với 7-8 giáo viên, nhân viên là chuyện thường, để hiểu được nhiều khía cạnh phát triển của con mà đôi khi cha mẹ chưa biết”, ông Brian Lê, Giám đốc Điều hành TIS, cho biết.

Trong một trường học đông đúc, học sinh được phân loại qua kết quả yếu/giỏi. Trong giáo dục quy mô nhỏ, học sinh được phân tích sâu và phân theo nhóm có tính cách đặc biệt, cần chăm sóc y tế đặc biệt, học sinh có định hướng du học… Giáo dục cá thể thường đi cùng với đặc thù là mô hình trường học quy mô nhỏ. Khác với Mega school, một trường lớn với cơ sở vật chất phục vụ được vài ngàn học sinh, Micro school chỉ có số học sinh chỉ từ 100 đến dưới 400, sĩ số lớp từ 8-20 học sinh. Trường Thái Bình Dương đang theo đuổi mô hình này và cho rằng chất lượng giáo dục thể hiện qua tỉ lệ đậu cao trong các kỳ thi, bạo lực học đường gần như không có, học sinh không bị cô lập hay lãng quên… “Tỉ lệ giáo viên/học sinh ở các mô hình truyền thống hiện là 1/40, thì ở các trường học quy mô nhỏ, con số trung bình là 1/8 và ở TIS đang là 1/2,5, giúp chúng tôi quan tâm đến học sinh nhiều hơn”, ông Brian chia sẻ.

Giao duc kieu moi: Doi luong lay chat
 

Lợi ích cho học sinh đã rõ. Còn nhà đầu tư nhìn nhận mô hình này ra sao? Trường học quy mô nhỏ đã nhận được sự quan tâm ở Mỹ, Nhật, các nước châu Âu. Từ thập niên 1980, Quỹ Bill and Melinda Gates đã đầu tư hơn 1 tỉ USD trong vòng 5 năm để thành lập các trường theo quy mô này tại Boston, Chicago, Milwaukee và nhiều thành phố khác. Tại Israel, 70% học sinh được đào tạo tại những trường có dưới 200 học sinh.

Sức hấp dẫn của ngành giáo dục ở Việt Nam có lẽ không cần bàn cãi. Hằng năm, người Việt chi từ 3-4 tỉ USD cho con cái du học. So sánh học phí của một học sinh trung học tại trường tư ở bang California, Mỹ khoảng 10.000 USD/năm, thì nhiều phụ huynh Việt Nam đang vui vẻ chi 20.000-30.000 USD/năm cho con theo học các trường quốc tế trong nước. Nhiều năm qua, tốc độ trường học tư nhân được mở năm sau cao hơn trước đến 6,5%. Doanh thu mảng giáo dục của FPT và Vinschool mang về cho tập đoàn mẹ năm qua đều trên dưới 700 tỉ đồng, lợi nhuận lần lượt là 175 tỉ đồng và 111 tỉ đồng.

Trở lại với trường học quy mô nhỏ, khá khập khiễng khi so sánh lợi nhuận với trường quy mô lớn và siêu lớn, khi một số khoản chi phí đầu tư chỉ phục vụ được một giới hạn học sinh nhất định. Nhưng mô hình này được nhiều chuyên gia nhận định là “mô hình của tương lai” khi chăm chút cho việc giáo dục của con cái đang ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội.

Hướng đi chung của mô hình trường học quy mô nhỏ, theo quan sát của NCĐT, đều có điểm chung là cần “gói gọn”, định lượng được những yếu tố cần thiết để nhân rộng mô hình. AltSchool từ một cơ sở, trong 4 năm, đã nhân rộng đến San Francisco, Palo Alto, New York với quy mô mỗi cơ sở từ 35-120 học sinh. Kế hoạch nhân rộng cũng đang được TIS thực hiện trong năm nay. Không chia sẻ về con số đầu tư, song ông Brian tỏ ra hy vọng với chiến lược này tại Việt Nam.

Nếu quan tâm đến mô hình giáo dục cá nhân, ngoài cốt lõi giáo dục, nhà đầu tư có thể mở trường ở diện tích trên dưới 1.000m2, không sở hữu mà liên kết sử dụng những công trình vệ tinh bên ngoài như hồ bơi, sân bóng đá... Song đó cũng là thách thức khi nhà trường phải thuyết phục phụ huynh đã quen với những ngôi trường đồ sộ, chuyển sự quan tâm từ những ngôi trường lớn sang sự quan tâm “lớn” dành cho trẻ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, theo dõi chương trình phát triển cá nhân của trẻ, thông tin xuyên suốt nhà trường - gia đình… là một trong những yêu cầu bắt buộc trong giáo dục quy mô nhỏ. Đây vốn dĩ cũng là một khó khăn khi trong giáo dục, bất kỳ thay đổi, cải tiến nào cũng cần thời gian.

Chưa có mô hình nào được chứng minh là tương lai tất yếu của ngành giáo dục. Trường học quy mô nhỏ với giáo dục cá nhân phù hợp nâng đỡ những tiếng nói cá nhân và định hướng của một bộ phận gia đình trong xã hội. Rõ ràng, đây không phải là sân chơi cho những nhà đầu tư ngắn hạn vì sự trang bị kiến thức ngày hôm nay cho một đứa trẻ tốt nghiệp, đi làm vào năm 2035. Nhưng với những tiềm năng đã phân tích, mô hình này là hướng đi hứa hẹn với những nhà đầu tư quan tâm đến giáo dục.

Lan Anh