Ngoài Whydah, Wingez là công ty thứ 2 anh mở rộng hoạt động trong thời điểm hiện tại. Ảnh: TL
Giai đoạn 2 của KardiaChain
Điểm sáng trong mùa đông hiện nay là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng blockchain vào hoạt động kinh doanh.
Mở rộng hoạt động kinh doanh
Chúng tôi gặp anh Huy Nguyễn, đồng sáng lập KardiaChain, ở văn phòng Whydah, một trong những khoản đầu tư lớn của công ty này tại Việt Nam. Văn phòng đang được hoàn thiện với sức chứa khoảng 100 người cùng một tầng riêng biệt ở phía trên để làm khu vực giải trí cho nhân viên.
Ngoài Whydah, Wingez là công ty thứ 2 anh mở rộng hoạt động trong thời điểm hiện tại. Đây là đơn vị cung cấp dịch vụ nền tảng Blockchain as a Service (bao gồm tất cả các dịch vụ liên quan đến blockchain như ví, metaverse…) dành cho các doanh nghiệp muốn xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ này.
Cùng với akaChain của FPT, cả 2 đang tiên phong cung cấp dịch vụ private blockchain ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, KardiaChain có danh mục phong phú hơn, khi cung cấp cả Blockchain as a Service (KardiaLabs), public blockchain (KardiaChain) và metaverse (Whydah).
Việc mở rộng của KardiaChain vào lúc này là khá thú vị, khi anh Huy Nguyễn là người đã đi qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và anh hiểu khá rõ tình hình khát vốn của các công ty công nghệ hiện nay. Anh nhận xét, Thung lũng Silicon được xem là “quỳ tím” của nền kinh tế Mỹ với biến động, vì khi suy thoái diễn ra, việc cắt giảm đầu tư, sa thải nhân sự sẽ diễn ra ở khu vực này trước tiên và dần dần lan sang các lĩnh vực khác. Đây là công thức chung từ thời kỳ bong bóng dotcom.
Khái niệm blockchain xuất hiện từ năm 2009 và phổ biến khoảng năm 2014 nên có thể xem đây là lần suy thoái đầu tiên của tất cả công ty trong lĩnh vực này, nhưng khác với năm 2007-2008, khi khủng hoảng chỉ diễn ra một số ngành chứ không phải toàn bộ như hiện nay. “Dù là đầu tiên nhưng hệ quả rất nặng nề đối với các công ty blockchain”, anh Huy Nguyễn nói.
Theo CNBC, Three Arrows Capital (3AC), công ty từng quản lý 10 tỉ USD tài sản, đã phải nộp đơn phá sản cách đây 3 tháng. Mọi việc bắt đầu vào tháng 4 khi thị trường tiền điện tử giảm hơn 1.000 tỉ USD do sự trượt giá của đồng bitcoin và ethereum. Sự sụp đổ của 3AC kéo theo hàng loạt các đối tác điêu đứng theo như sàn giao dịch tiền điện tử Blockchain.com đang phải đối mặt với khoản vay 270 triệu USD cho 3AC, Voyager Digital cũng đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì khoản vay 670 triệu USD không thể hoàn lại của 3AC.
Trong chiến lược gia nhập thị trường Việt Nam, anh Huy Nguyễn chia ra làm 3 giai đoạn là giới thiệu sản phẩm, thu hút người sử dụng và có lợi nhuận. Ảnh: TL. |
Vậy đâu là lối thoát cho các công ty blockchain ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay? Theo anh Huy Nguyễn, trong 3 năm tới sẽ chứng kiến những cuộc sàng lọc trên thị trường, các cuộc mua bán - sáp nhập sẽ diễn ra và những đơn vị nào chuẩn bị kỹ càng sẽ tiếp tục cuộc chơi.
“Có một thực tế mùa đông chính là thời điểm các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào những mô hình kinh doanh mới. Đó là lý do KardiaLabs mở rộng hoạt động”, anh Huy Nguyễn nói.
Hơi ấm trong mùa đông
2 năm trước, anh Huy Nguyễn đặt văn phòng ở Việt Nam với mục tiêu thuyết phục doanh nghiệp nội địa về tiềm năng của blockchain không chỉ dừng ở việc mua bán các đồng tiền kỹ thuật số. Đó là giai đoạn đầy thử thách, khi blockchain vẫn còn mới mẻ với doanh nghiệp Việt và ích lợi của việc mua bán tiền kỹ thuật số thời điểm đó là rất lớn.
Trong chiến lược gia nhập thị trường Việt Nam, anh Huy Nguyễn chia ra làm 3 giai đoạn là giới thiệu sản phẩm, thu hút người sử dụng và có lợi nhuận. KardiaChain đảm nhiệm giai đoạn đầu tiên nên được định vị là nền tảng cung cấp dịch vụ public blockchain để các doanh nghiệp thử nghiệm.
Điểm sáng của khủng hoảng hiện nay là sự trỗi dậy của Sky Mavis, doanh nghiệp có các nhà sáng lập Việt Nam, sử dụng công nghệ blockchain để trở thành công ty định giá hàng tỉ USD chỉ trong 4 năm. Chính điều này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp nội địa.
Theo anh Huy Nguyễn, đây là điều rất quan trọng vì ở Mỹ, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ hấp thụ rất nhanh, tạo tiền đề cho việc phổ biến công nghệ đó. Việt Nam thì ngược lại, chỉ khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghệ mới, toàn bộ thị trường mới hướng đến việc đó.
Nhiều doanh nghiệp, kể cả các đơn vị truyền thống nhất là bất động sản cũng quan tâm đến blockchain, như TopenLand của Tập đoàn Hưng Thịnh. Các doanh nghiệp bán lẻ kim hoàn ở Việt Nam cũng chú ý đến mô hình này khi trên thế giới đã có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ NFT để tạo ra vàng trang sức, tạo tính độc bản cho khách hàng hoặc truy xuất nguồn gốc với các mặt hàng giá trị cao.
Doanh thu của KardiaLabs dự kiến sẽ vượt 1 triệu USD vào cuối năm nay. Anh Huy Nguyễn cho biết nếu như 2 năm trước Công ty làm miễn phí để thu hút doanh nghiệp sử dụng thì hiện nay là giai đoạn chứng minh hiệu quả công nghệ để chuyển đổi họ sang thu phí.
“2 năm trước chúng tôi hỏi với nhau là có bao nhiêu doanh nghiệp chưa ứng dụng blockchain. Hiện nay câu hỏi của chúng tôi là 2 năm tới sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp ở Việt Nam chưa sử dụng”, anh Huy Nguyễn nói.