Giấc mơ 'lên mây' của Giám đốc Trung tâm VDC
Không có "chỗ dựa" nên anh phải làm việc cật lực để có thể đáp ứng nhu cầu công việc. Có tình yêu công nghệ, không chỉ đặt ra những bài toán đem lại hiệu quả trong kinh doanh, anh còn nuôi những giấc mơ với những người trẻ trên "đám mây" công nghệ.
Phép thử của kiên nhẫn và thay đổi
* Trước khi về VDC, ông làm việc cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT. Kinh nghiệm từ những ngày làm việc ở VNPT có giúp ích gì cho ông?
- Đầu quân về VDC (Công ty Điện toán và Truyền số liệu) với tôi là một quyết định bất ngờ. Sau một thời gian gián đoạn do sang Úc du học, khi về Việt Nam, tôi đồng ý đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo một nhà máy vừa hết hạn liên doanh, điều hành quá trình sản xuất và kinh doanh.
Công việc này hoàn toàn khác với môi trường làm việc trước đây, nhưng kế hoạch này không thành do có một vài thay đổi vào phút cuối. Tuy vẫn làm việc trong môi trường cũ, kinh doanh dịch vụ công nghệ nhưng ở VDC tôi có những thách thức mới...
* Để đưa một doanh nghiệp (DN) nhà nước như VDC bước vào thế cạnh tranh và năng động hơn có phải là một nhiệm vụ khó khăn?
- Năm vừa qua, VDC đã có nhiều thay đổi mang tính tích cực và sự thay đổi này cũng là xu hướng và đòi hỏi tất yếu. Như chuyện thay đổi lãnh đạo cấp cao, dành cơ hội cho người trẻ như tôi đã là một bước ngoặt.
Với dàn lãnh đạo mới, chúng tôi đã hình thành định hướng chiến lược phát triển cho giai đoạn 2013 - 2015 mà đầu tư mở rộng thêm các data center và hạ tầng điện toán đám mây (ĐTĐM) là một ví dụ.
VDC đã chuyển trụ sở, tái cấu trúc... cùng với lộ trình phát triển của cả VNPT, tiến đến sử dụng chung cơ sở hạ tầng, tối ưu hóa các nguồn lực... nhằm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị và cả Tập đoàn VNPT.
* Sự kém hiệu quả của các tập đoàn nhà nước đã được thấy rõ trong thời gian qua. Điều hành DN nhà nước, cái khó nhất vẫn là cơ chế. Ông đánh giá điều này thế nào?
- DN nhà nước luôn được đặt dưới các cơ chế để kiểm soát vì người điều hành đang sử dụng các nguồn lực của Nhà nước. Tuy có các khoảng cách giữa cơ chế kiểm soát DN nhà nước và yêu cầu đổi mới, phát triển của từng DN, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT ) như VDC, nhưng qua thực tiễn vận dụng và nhìn vào quá trình đổi mới, sắp xếp DN nhà nước của Chính phủ trong tương lai, tôi tin rằng hạn chế này sẽ thu hẹp đáng kể và có thể vượt qua.
Cơ chế có thể là một rào cản nhưng khi điều hành DN với cái tâm cộng với phương thức quản lý luôn gắn trách nhiệm cá nhân vào các quyết định thì sẽ có rất nhiều hướng giải quyết. Là một nhà quản trị thì luôn phải linh hoạt áp dụng cơ chế làm sao để đưa DN đạt được những mục tiêu mình đề ra.
* Hơn mười năm làm việc trong ngành, có phép thử nào về sự kiên nhẫn ông đã trải qua khi làm việc trong môi trường DN nhà nước?
- Chắc chắn là có, nhưng đối mặt với khó khăn bằng sự kiên nhẫn không phải là ngồi một chỗ chờ mà phải có những giải pháp tác động để tìm ra hướng xử lý: Hoặc sự việc được giải quyết nhanh hơn, hoặc mình phải tìm một con đường khác nếu sự kiên nhẫn cũng không mang lại kết quả.
Thêm một chút khát khao
Năm 2013, một trong những quyết định quan trọng của VDC là tiến đến đầu tư hạ tầng ĐTĐM. Đây được xem là bước đi chiến lược của VDC nhưng cũng là cánh cửa mở rộng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Với Nguyễn Hồng Minh "dựa trên nền tảng VDC cung cấp, một thế hệ doanh nhân điện tử sẽ có điều kiện hình thành".
* Được biết, VDC đang có những đầu tư lớn trong việc triển khai cung cấp hạ tầng ĐTĐM. Nếu không có gì bí mật kinh doanh, ông có thể tiết lộ về hướng phát triển này?
- Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam đang dần tiếp cận dịch vụ ĐTĐM thông qua các dự án của một số DN nước ngoài như IBM, Microsoft, Intel... Công nghệ này được coi là giải pháp cho những vấn đề nhiều công ty đang gặp phải như thiếu năng lực CNTT, chi phí đầu tư hạn chế, đáp ứng nhu cầu lớn về CNTT trong ngắn hạn...
VDC có một hệ thống hạ tầng mạng lớn nhất Việt Nam, phủ khắp 63 tỉnh - thành và kết nối đến hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới. Những mảng dịch vụ chính của VDC hiện nay là: internet và truyền số liệu, dữ liệu trực tuyến; giá trị gia tăng trên mạng, CNTT...
Hiện nay, VDC đang tiếp tục lựa chọn các giải pháp thích hợp và trong tương lai gần sẽ cung cấp ra thị trường các dịch vụ khác dựa trên nền ĐTĐM như: các gói dịch vụ trên nền tảng IaaS và phần mềm ứng dụng SaaS; các gói ứng dụng phổ biến sử dụng trong môi trường DN như: hệ thống thông tin quản lý điều hành DN, hệ thống e-mail, website, phần mềm kế toán tài chính, quản trị nguồn nhân lực... nhằm phục vụ cho nhiều phân khúc khách hàng DN.
Ngoài ra, VDC cũng sẽ nghiên cứu xây dựng hoặc hợp tác đưa ra nhiều gói sản phẩm trên nền ĐTĐM nhắm tới thành phần khách hàng là người dùng cá nhân và hộ gia đình.
* VDC hiện đang là công ty chiếm thị phần internet băng rộng với hơn 63% thị phần, gấp gần ba lần số thuê bao của DN đứng thứ hai. Thế nhưng, DN trong và ngoài nước đã công bố thử nghiệm ĐTĐM khá lâu rồi, thì đến tận bây giờ VDC mới nhập cuộc?
- ĐTĐM có những ưu điểm lớn, nhưng trong kinh doanh cần phải tính toán, cân đối giữa đầu tư và nhu cầu của thị trường. Khái niệm ĐTĐM vẫn còn khá mới lạ tại thị trường Việt Nam và DN hay người sử dụng vẫn còn dè dặt khi đưa thông tin lên "mây".
Do đó, VDC cũng cân nhắc thời điểm thích hợp để chính thức cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hiệu quả hoạt động và chi phí hạ tầng CNTT luôn là vấn đề được các DN quan tâm, vấn đề này có thể giải quyết thông qua giải pháp ĐTĐM.
Mặt khác, chúng tôi là DN cung cấp nền tảng, đòi hỏi phải có những đầu tư lớn và khi hình thành có tính chất thay đổi thị trường hoặc xu hướng.
* Từ nền tảng của ĐTĐM, liệu có hiệu ứng nào mới sẽ xảy ra cho thương trường? Một thế hệ doanh nhân điện tử tương lai chẳng hạn?
- Các dịch vụ trên nền ĐTĐM đang là một xu hướng phát triển của lĩnh vực CNTT trên thế giới. Lợi ích và ứng dụng của ĐTĐM, các dịch vụ phát triển trên nền ĐTĐM cùng với sự phát triển của dịch vụ băng rộng 3G (và 4G tại một số nước) chắc chắn sẽ tạo ra một thế hệ người dùng di động sử dụng các thiết bị có kết nối internet...
Cơ hội kinh doanh sẽ mở ra cho tất cả DN hoặc cá nhân có ý tưởng kinh doanh tận dụng được hạ tầng ĐTĐM với chi phí khởi tạo, chi phí hoạt động thấp mà không cần phải đầu tư hạ tầng CNTT. Thời gian qua, chúng ta đã thấy nhiều DN CNTT khởi nghiệp, với ĐTĐM, sẽ còn thấy nhiều hơn.
Ở đó, sẽ có nhiều DN khởi nghiệp thành công với chỉ một chiếc laptop và tất nhiên là đi kèm với một khao khát sáng tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới...
Cũng như sự khởi đầu với một ứng dụng nhỏ như viber hay một trò chơi nhỏ như angry bird có hiệu ứng lan tỏa khắp thế giới, nhanh chóng biến một người khởi nghiệp nhỏ bé thành những DN lớn. Chúng ta đang ở giữa cuộc chơi thú vị này và đừng rụt rè khi công nghệ mang lại cho ta quá nhiều cơ hội như vậy.
* Những người trẻ, những người khởi nghiệp của chúng ta còn thiếu điều kiện cần nào khác không, trước khi trở thành những "người khổng lồ” sau một đêm?
- Các doanh nhân trẻ hiện nay đa phần được đào tạo bài bản, có nền tảng tốt, không ngừng sáng tạo, tiếp cận nhanh CNTT và có nhiều ý tưởng đột phá. Những giấc mơ táo bạo của họ đang lớn dần. Cái họ thiếu chỉ là thêm một chút thời gian, thêm một chút đam mê, thêm một chút khát khao thành công...
Cật lực để tự tạo chỗ dựa
* Đến tận bây giờ, nhiều người vẫn nghĩ, muốn thăng tiến nhanh trong môi trường DN nhà nước, cách tốt nhất vẫn là phải có "chỗ dựa". Ông nghĩ sao?
- Ngày trước, điều này là phổ biến. Tôi không dám nói bây giờ hiện tượng này không còn, nhưng thực tế, "chỗ dựa" không còn là con "át chủ bài" nữa. Vẫn còn đó sự "gửi gắm" nhưng nếu không có thực lực, không theo kịp đòi hỏi chung của tập thể, người có "chỗ dựa" ấy cũng nhanh chóng bị cô lập.
Khi bị rơi ra ngoài guồng máy làm việc chung, những người có "chỗ dựa" ấy cũng không thể ở lại dù chẳng ai dám cho họ thôi việc.
* Bản thân ông cũng thăng tiến nhanh trong môi trường này. Ông có con "át chủ bài" nào không?
- Đáng tiếc là tôi không có "chỗ dựa" nên phải làm việc nhiều hơn để có thể đáp ứng nhu cầu công việc.
* Vậy, việc ông rời bỏ chức vụ trưởng phòng của một đơn vị tập đoàn lớn như VNPT, sang nước ngoài du học là một trong những cách "cật lực"?
- Tôi được học thạc sĩ quản trị kinh doanh chuyên ngành marketing và tài chính tại Đại học UTS, Úc trong thời gian làm việc tại VNPT. Những kiến thức lĩnh hội được giúp tôi làm tốt việc quản lý, có tầm nhìn bao quát.
Nhưng trong thời gian thị trường chứng khoán bùng nổ, tôi nghiên cứu báo cáo tài chính của nhiều công ty niêm yết nhưng nhiều lần không hiểu rõ những con số nhảy múa này.
Đây cũng là cái vướng chung của những người không có chuyên môn về kế toán nhưng bản thân tôi lại cho rằng, nếu chỉ biết bao quát mà không hiểu sâu các báo cáo ấy thì khó trọn vẹn. Tôi quyết định trở lại UTS để tự bổ sung kiến thức chứ không phải đặt mục tiêu về Việt Nam sẽ được cất nhắc lên một vị trí cao hơn.
* Nhưng du học, rời bỏ công việc cũng đồng nghĩa với xa rời gia đình trong một thời gian dài?
- Tôi mang cả vợ con theo trong chuyến du học ấy. Với tôi, gia đình là nền tảng, mang đến cho tôi sự bình yên. Tôi không chịu được cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình. Cũng may là vợ tôi ủng hộ quyết định của chồng. Chỉ có một chút khó khăn khi trở về là thời gian đó con tôi còn nhỏ, chúng gặp khó khăn về tiếng Việt vì đang quen dùng tiếng Anh.
* Luôn có hậu thuẫn là gia đình, câu "thần chú” nào ông luôn dặn mình trước những tình huống khó khăn?
- Tôi cho rằng trong cuộc sống, thuận lợi và khó khăn luôn song hành và cứ xem mọi việc như là những "cuộc chơi", cứ chơi hết mình với cái "tâm". Trong môi trường quản trị hiện đại, khó khăn với nhà quản trị sẽ ngày càng nhiều hơn.
Vì vậy, tôi luôn xác định cách tốt nhất để vượt qua khó khăn là đối diện với nó. Thực tế bản thân tôi trải qua đã chứng minh khó khăn nào cũng có hướng giải quyết. "Trong cái khó ló cái khôn", khó khăn sẽ là cơ hội cho mình thử thách, trải nghiệm, rèn luyện và trưởng thành hơn.
* Xin cảm ơn ông về những trao đổi này!
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)