6 tỉ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam theo cập nhật của Forbes. Ảnh: PV.
Giá trị tài sản của các tỉ phú tăng 300 triệu USD trong tháng 3
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3/2022, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.490 điểm. Trong tháng này, thị trường diễn biến khá giằng co và gần như dao động trong biên độ hẹp quanh mốc 1.500 điểm.
Tổng kết tháng 3/2022, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ hơn 2 điểm, và tiếp tục kết thúc quý I/2022 dưới mốc 1.500 điểm. Thanh khoản trên thị trường có sự cải thiện mạnh so với tháng trước, ghi nhận hơn 24.800 tỉ đồng giá trị qua kênh khớp lệnh ở sàn HOSE, tăng hơn 14% so với mức bình quân của tháng trước.
Trải qua thời kỳ bùng nổ và tăng đồng loạt, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại có sự phân hóa khá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Có lẽ vì thế mà diễn biến giá trị tài sản ròng của các tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng có sự "phân hóa".
Giá trị tài sản ròng của các tỉ phú thời điểm cuối tháng 3/2022 (theo cập nhật của Forbes). |
Với khối tài sản trị giá 6,4 tỉ USD, tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup (mã VIC) là người đầu tiên được nhắc tới. Tỉ phú Nhật Vượng là người đàn ông giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và cũng là một trong những nhân vật kỳ cựu đại diện của Việt Nam trong danh sách xếp hạng tỉ phú toàn cầu. So với thời điểm đầu tháng 3/2022, giá trị tài sản của ông Vượng đã tăng 400 triệu USD, là mức tăng cao nhất khi so sánh với các tỉ phú trên bảng xếp hạng của Forbes.
Bên cạnh ông Vượng thì người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, "nữ tướng" của hãng Hàng không Vietjet Air (mã VJC) cũng là những nhân vật kỳ cựu trên bảng xếp hạng những tỉ phú giàu nhất hành tinh. Tại thời điểm 31/3, bà Thảo đang sở hữu khối tài sản trị giá 3,1 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với thời điểm đầu tháng. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp giá trị tài sản ròng của bà Thảo được ghi nhận tăng. Theo thứ tự của Forbes, bà Thảo đang giữ vị trí số 2 trong 6 tỉ phú của Việt Nam góp mặt trên "bảng vàng thế giới".
Từ đầu tháng 4/2021, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã lọt top 2 những tỉ phú giàu nhất Việt Nam, chỉ đứng sau tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2021 đến nay, cổ phiếu HPG gần như không có những diễn biến tích cực. Vì lẽ đó, giá trị tài sản ròng của tỉ phú Trần Đình Long cũng diễn biến đa phần theo chiều hướng giảm. Thời điểm cuối tháng 3/2022, ông Long đang sở hữu khối tài sản 3,1 tỉ USD, giảm 100 triệu USD so với hồi đầu tháng. Và hiện tại, dữ liệu của Forbes cho thấy rằng "nữ tướng" của Vietjet đã "giành lại" vị trí số 2 trên bảng xếp hạng sau thời gian vắng bóng ở top 2.
Ở vị trí số 4 trên bảng xếp hạng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Techcombank (mã TCB), ông Hồ Hùng Anh. Tại thời điểm 31/3, ông Hùng Anh đang sở hữu khối tài sản trị giá 2,4 tỉ USD, giảm 100 triệu USD so với hồi đầu tháng. Tương tự như HPG, từ nửa cuối năm 2021, TCB cũng không có diễn biến nổi bật về giá, và đa phần là theo chiều hướng giảm.
Thị trường chứng khoán thăng hoa, giá trị tài sản ròng của các tỉ phú theo đó cũng bứt phá lên “tầm cao mới”. Bắt đầu từ nửa cuối tháng 9/2020, Việt Nam có thêm 1 đại diện trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới được thống kê bởi Forbes, đó là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN). Tại thời điểm cuối tháng 3/2022, ông Quang đang sở hữu khối tài sản trị giá 1,9 tỉ USD, giảm 100 triệu USD so với thời điểm đầu tháng 3.
Là một trong những tỉ phú giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco cũng đang sở hữu khối tài sản trị giá 1,6 tỉ USD. Như vậy, thời điểm cuối tháng 3/2022, giá trị tài sản của 6 tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam theo thống kê của Forbes đạt mức 18,5 tỉ USD, tăng 300 triệu USD so với hồi đầu tháng 3/2022.
Có thể bạn quan tâm