Gia đình Việt Nam của Pierre Cardin
Mối nhân duyên với ông vua thời trang Pierre Cardin và tình bạn thủy chung kéo dài hơn 23 năm đã đưa An Phước từ một xưởng may gia công có 1.200 công nhân trở thành một thương hiệu thời trang cao cấp lớn nhất Việt Nam.
BẮT TAY VỚI “VUA THỜI TRANG”
Trong những ngày đầy sóng gió của kinh tế thế giới do đại dịch, tôi được dịp trò chuyện cùng ông Trần Chiến, vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm thương trường và đầy nghĩa tình của An Phước. Trái tim ông lúc này tràn ngập lòng biết ơn, nỗi nhớ thương và những hồi ức thật đáng kính về Pierre Cardin, một đối tác kinh doanh vô cùng đặc biệt mà ông coi như người thầy lớn của mình, người dẫn dắt ông bước chân vào làng thời trang quốc tế, học hỏi biết bao kinh nghiệm về thiết kế, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu…
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn May thêu Giày An Phước được thành lập từ cơ sở An Phước năm 1992 tại miền Nam, khởi nguồn là một xưởng may gia công xuất khẩu cho công ty Nhật là Nissho Iwai, Itochu. Sau 28 năm, An Phước đã trở thành 1 trong 20 công ty gia đình hàng đầu tại Việt Nam (theo Forbes Việt Nam). Trong cơn bão COVID-19, An Phước vẫn trụ vững nhờ nền tảng công nghệ vững vàng, hệ thống quản trị tốt, tổ chức chặt chẽ, và tài ứng biến linh hoạt của vị thuyền trưởng, mọi rủi ro được kiểm soát, có kế hoạch cắt bỏ ngay những khâu không cần thiết...
Điều gì đã giúp An Phước tạo nên kỳ tích trong suốt 28 năm qua, với con số tăng trưởng luôn cao hơn năm trước trên 10%? Ông Chiến cảm động bày tỏ: “Nhờ mối lương duyên tốt đẹp với ngài Pierre Cardin từ năm 1997 đến giờ…”.
An Phước là một trong số ít công ty may tư nhân ra đời ngay sau thời mở cửa. Công ty khởi đầu với 40 máy may, tuyển khoảng 60 công nhân, và nhận gia công hàng cho Legamex, Generalimex. Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, An Phước đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nhà máy vì đối tác ngưng đặt hàng. Chiến lược khai phá thị trường nội địa nhanh chóng được hình thành và triển khai.
“Nhưng cứ làm gia công hoài không phát triển được, phải chuẩn bị thương hiệu cho riêng mình. Tôi đã xây dựng kế hoạch thương hiệu riêng bắt đầu từ năm 1993, đặt mục tiêu sau 5 năm sẽ ra đời”, ông Chiến nhớ lại. Khi biết tin Pierre Cardin và Việt Tiến đã chấm dứt mối quan hệ hợp tác, ông Chiến đã tìm cách liên lạc với người đại diện của Pierre Cardin tại Việt Nam và kiên nhẫn để gặp được “ông vua thời trang” Pierre tại Paris.
Để có tiền mua License kỳ hạn 3 năm cho các quần tây, áo sơ mi và vest Pierre Cardin, gia đình An Phước phải vay ngân hàng. Nhưng đứng trước “lựa chọn sinh tử”, nếu không mua bản quyền từ thương hiệu này để làm thì Công ty sẽ đóng cửa, công nhân sẽ thất nghiệp. “May mắn là lựa chọn của chúng tôi đã đúng”, ông Chiến nói.
Bước tiếp theo là quyền phát triển các cửa hàng có 2 thương hiệu: Pierre Cardin và An Phước. Đây là những bước đi đầu tiên cho sự thành công của An Phước. Ngày ra mắt cửa hàng đầu tiên là 15/12/1997. “Một năm sau, đích thân ông Pierre Cardin qua đây kiểm tra cửa hàng, sắp xếp trưng bày cửa hàng cùng với mình… Đích thân ông kéo tủ, chỉnh quần áo, giúp mình cách móc áo, trưng bày thế nào cho hấp dẫn. Sau này, Pierre Cardin còn qua Việt Nam một lần nữa vào năm 2010 làm từ thiện mổ tim cho các cháu, tổng cộng là 3 lần”… Ông vui lắm khi thấy các cửa hàng của mình ngày càng phát triển. “Việt Nam cũng giống Trung Quốc thời mới mở cửa, mà mở được cửa hàng thời trang lớn như thế này, lại do tư nhân làm chủ, làm ăn ổn định, tôi tin Việt Nam sẽ phồn vinh và thịnh vượng lắm!”, ông Chiến kể lại.
Đến nay, An Phước đã có 162 cửa hàng khắp cả nước, từ Quảng Ninh tới Cà Mau. Không chỉ ở Việt Nam mà An Phước còn là đối tác chiến lược với Pierre Cardin trong việc độc quyền phân phối sản phẩm phụ kiện thời trang nam thương hiệu Pierre Cardin tại thị trường Lào, Campuchia…
M&A TRONG MÔ HÌNH GIA ĐÌNH KINH DOANH
Với mảng sản xuất cho thương hiệu lớn như Pierre Cardin, An Phước buộc phải tuân theo tiêu chuẩn, quy trình toàn cầu như không được bán với giá thấp hơn 35 USD tại thời điểm 1997; hằng năm, Pierre Cardin cử kỹ thuật sang hướng dẫn, gửi mẫu mã sản xuất; đều đặn 6 tháng một lần qua Pháp họp với chính nhà sáng lập Pierre Cardin...
Ngoài bảo đảm chất lượng đạt chuẩn quốc tế, An Phước còn được ghi dấu là công ty tiên phong trong chiến lược M&A từ rất sớm để không ngừng lớn mạnh, với việc tăng vốn, mở rộng hệ thống phân phối, mua lại nhà máy… để trở thành cánh chim đầu đàn của ngành thời trang cao cấp. Một số thương vụ có thể kể đến như: mua lại Công ty May Tân Bình Minh năm 2008; Công ty Tân Việt, Nhà máy Tosgamex của Tập đoàn Tomiya và Sumitomo năm 2010; mua lại Công ty Gebr. Weiss tại Aschaffenburg, Đức, vốn sở hữu nhãn hiệu Gebr. Weis veston và jacket cao cấp được ưa chuộng tại châu Âu.
Năm 2011, An Phước tăng vốn lên 450 tỉ đồng và hoàn tất mua lại nhà máy FLD Việt Nam của SPATZ (Pháp) tại Nha Trang chuyên sản xuất đồ lót nữ thương hiệu Anamai (Pháp) và Bonjour (Việt Nam) xuất sang Pháp, Canada, Nhật. Hiện thương hiệu này có 80 cửa hàng trên cả nước. Năm 2018, An Phước mua lại ITO Clothing chuyên sản xuất suit, jacket, quần tây…; mua lại nhà máy Aomori tại Nhật.
Chính chiến lược M&A liên tục này đã giúp An Phước đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ rất sớm, từ đó làm bàn đạp lấy khách hàng về Việt Nam, sản xuất và xuất ngược ra thế giới.
Mặc dù là công ty gia đình nhưng trong hệ thống An Phước không có bà con thân tộc mà chỉ gồm 4 thành viên gia đình chủ chốt: ông Trần Chiến giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên; bà Nguyễn Thị Điền, vợ ông, đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Điều hành; con trai Trần Hoàng Tịnh làm Phó Tổng Giám đốc Sản xuất; con trai Trần Minh Khoa làm Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh. Tuân thủ tuyệt đối và có trật tự trong gia đình, ông Chiến luôn đưa ra mọi quyết định.
“Chúng tôi có hệ thống quản trị minh bạch, xuyên suốt, được tự động hóa hoàn toàn nên mỗi ngày đến 5 giờ chiều, tôi ngồi nhà cũng có thể biết toàn hệ thống từ Nam chí Bắc bán được bao nhiêu sản phẩm, sản phẩm nào bán chạy nhất, doanh thu mỗi ngày bao nhiêu. Tôi cũng ủy quyền cửa hàng trưởng ký hết mọi hóa đơn, nhờ tiêu chuẩn hóa, minh bạch hết, nên không thể trốn thuế, lách thuế. Làm ăn không minh bạch làm sao nói nhân viên nghe được…”, ông Chiến cho biết.
Nhiều công ty gia đình phát triển đến một độ lớn nào đó thường bị xáo trộn, đổ vỡ, vì mâu thuẫn giữa các cách điều hành khác nhau. Theo ông Chiến, An Phước luôn giữ sự ổn định khi ông là Chủ tịch, quyết định tất cả, bà xã là Tổng Giám đốc Điều hành, con trai đầu Trần Hoàng Tịnh phụ trách sản xuất, con trai thứ 2 Trần Minh Khoa phụ trách kinh doanh…
“Phong cách quản trị của tôi giống người Nhật. Tôi gần gũi với mọi người, từ nhân viên may, cấp quản lý, các em tuyệt đối nghe lời, dù mình không nói nặng bao giờ. Làm vậy anh em mới gắn bó với mình, ổn định từ dưới lên, xây cái móng tốt thì khúc trên dễ dàng hơn...”, ông Chiến chia sẻ.
Một sự kiện lớn diễn ra vào năm 2017 trong lịch sử Công ty khi Pierre Cardin đồng ý chuyển giao License vĩnh viễn cho An Phước 20 dòng sản phẩm. Sự ra đi của người thầy Pierre Cardin dường như để lại trong ông Chiến một khoảng trống vô bờ và nỗi nhớ thương không nguôi. Ông Chiến cho tôi xem từng bức hình, kể cho tôi nghe từng câu chuyện mà ông nhớ nằm lòng về người thầy của mình.
“Pierre con Việt Nam, ông hay kêu tôi như vậy. Tôi hãnh diện là một người Việt Nam làm ăn với ông 23 năm không có vấn đề gì xảy ra. Đứng trên vai người khồng lồ, An Phước đã cho thế giới thấy một tình bạn, một mối quan hệ làm ăn bền chặt được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự thủy chung, trước sau như một”, ông Chiến nói.