Ảnh: TL
FoodMap vẽ bản đồ nông sản Việt
Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, FoodMap là chiếc cầu nối đắc lực, đưa nông sản Việt đến tận cửa người dùng, giải tỏa phần nào khó khăn cho nông dân và góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh.
Đi để hiểu, hiểu để cảm thông và tìm ra giải pháp đúng
“Năm nay, làng mình được mùa, chưa kịp phấn khởi vì thành quả sau một năm đầu tư thì quy luật được mùa, mất giá và sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc lại diễn ra. Thêm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, những người nông dân như ba mẹ mình một lần nữa lại lâm vào thế khó. Chẳng lẽ, đây là điều sẽ luôn xảy ra và phải phó mặc?”
Câu hỏi đầy day dứt cuối bức thư, được gửi từ một người con gái có bố mẹ là nông dân trồng nho ở Ninh Thuận, khiến những người vận hành FoodMap quyết định nhanh chóng lên đường. Nắng gió cùng nỗi niềm của nông dân vùng đất bán sa mạc này đón chân những người trẻ. Nhanh chóng, họ đến từng hộ, tìm hiểu việc canh tác, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người trồng để cùng nhau triển khai chương trình hợp tác sao cho có thể đưa đặc sản này đến với người dùng trong nước hiệu quả nhất.
Không chỉ Ninh Thuận, hằng ngày FoodMap nhận được rất nhiều lá thư như vậy từ khắp mọi miền, từ Sơn La, Phú Thọ đến Quảng Bình, Huế hay Bình Phước, Cần Thơ… Mỗi lá thư đều chứa trong đó nỗi buồn về nông sản của Việt Nam. FoodMap đến, nhưng không phải để “giải cứu nông sản” như cách mọi người đang làm, tức kêu gọi thanh lý, rồi dừng lại ở đó.
“FoodMap là nền tảng chuyên kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng. Chúng tôi vận hành trên nền tảng hợp tác với nông dân từ khâu đầu tiên, để có được nguồn nông sản thực sự sạch. Sau đó là quảng bá và phân phối để nông dân có một tương lai tốt hơn, đầu ra tốt hơn, giá trị nông sản cao hơn”, anh Phạm Ngọc Anh Tùng, sáng lập FoodMap, chia sẻ.
Theo chàng trai 8x này, đằng sau mỗi sản phẩm đều có những câu chuyện đầy ý nghĩa. Nền tảng FoodMap giúp người tiêu dùng hiểu hơn về nông sản Việt. Người dùng hiểu được giá trị nông sản thì nông nghiệp mới có được bệ phóng vững chắc để sản xuất và phát triển xa hơn.
Đặt chân lên con đường nông sản
Sinh ra và lớn lên tại Huế, anh Phạm Ngọc Anh Tùng học chuyên ngành điện tử - tự động hóa tại Đại học Bách Khoa TP.HCM, từng sở hữu nhiều giải thưởng lớn về chế tạo robot. Đến năm thứ 3 anh quyết định rời môi trường đại học để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực ứng dụng tự động hóa vào nông nghiệp cho các tập đoàn.
Anh dùng gần 3 năm đầu cho vị trí Giám đốc nông trại Cầu Đất Farm, cùng các “chiến hữu” xây dựng và đặt nền móng cho một nông trại rộng hơn 225 ha ở Đà Lạt. “Đó là khoảng thời gian cho tôi nhiều kinh nghiệm, được đi, được trải nghiệm ở nhiều góc nhìn trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, từ vị trí người trồng, nhà đầu tư đến liên kết nông hộ, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu nông sản. Một cơ hội quý giá mà không phải người trẻ nào ở tuổi 25 đều có thể có được”, anh nhớ lại.
Một lần, trong chuyến khảo sát ở Đơn Dương, nhìn cà chua được mùa mà không bán được, người dân đổ đỏ cả dòng sông mà lòng như thắt lại. Rất nhiều câu hỏi tại sao đã được đặt ra, để rồi chàng trai trẻ quyết định sẽ cùng đồng hành với nông dân tìm một cách làm khác.
“FoodMap trước tiên được tạo nên cho gia đình, người thân và bạn bè của tôi, những con người đang chịu ảnh hưởng hằng ngày bởi những thực phẩm không tốt cho sức khỏe”, anh Tùng nói về dự án của mình.
Xây dựng www.foodmap.asia, ngoài việc tận dụng công nghệ để giúp người dùng đầu cuối tiếp cận thông tin nông sản dễ dàng hơn, FoodMap còn thu mua nông sản và hỗ trợ nhà sản xuất trong vấn đề xây dựng bao bì và thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, điểm nhấn sẽ là việc thực hiện các chiến dịch bán hàng cho từng loại nông sản khác nhau.
Theo dõi FoodMap, người dùng sẽ biết được câu chuyện cụ thể của từng sản vật địa phương mà đơn vị này phân phối thông qua các bộ phim ngắn do chính những người trẻ của FoodMap điền dã thực hiện. Cà phê A Lưới, Đường thốt nốt An Giang, Hồng treo gió Đà Lạt, Gạo tự nhiên Long An, Mật ong hoa tràm, Nước mắm Phú Quốc, Bơ Đắk Lắk... là những sản phẩm phân phối ấn tượng trên FoodMap.
Bên cạnh các đặc sản theo mùa, FoodMap còn phân phối những nông sản phục vụ nhu cầu thường nhật. Thứ Tư hằng tuần, những thùng rau FoodMap tươi ngon sẽ được chuyển đến cho khách hàng. Tất cả rau, củ quả đều được đội ngũ FoodMap liên kết cùng các đơn vị, hộ nông dân trồng và canh tác theo hướng an toàn tại Đà Lạt. Khách hàng có thể liên hệ với FoodMap để điều chỉnh rau củ không phù hợp với nhu cầu, FoodMap sẽ điều chỉnh và bổ sung thêm bằng rau củ khác.
Trong những ngày dịch bệnh, những thùng rau xanh được giao đến tận cửa của FoodMap đang được người dùng đón nhận nhiệt tình, bởi nó là giải pháp an toàn và hiệu quả vừa đảm bảo sức khỏe vừa mang đến những thực phẩm an toàn với chất lượng đảm bảo.
Không chỉ chinh phục khách hàng, cách làm và “chiến thuật” đồng hành cùng nông dân, xây dựng nông nghiệp bền vững của FoodMap đã giúp những người sáng lập chinh phục được các giải thưởng lớn. Cuối năm 2019, FoodMap vinh dự đại diện Việt Nam lọt vào vòng chung kết của Asia Innovates 2019 do Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và Quỹ Newton tổ chức tại Malaysia, 5 năm một lần tại châu Á.
Đây là giải thưởng uy tín dành cho các startup, tập thể nhà nghiên cứu, viện khoa học có những phát minh, giải pháp đột phá tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội. Vượt qua hơn 500 đại diện đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ ..., FoodMap đã xuất sắc đoạt giải Most Impactful Innovation.
FoodMap cũng được bầu chọn là startup tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ do tổ chức RiceBowl (Malaysia) bình chọn. “Đường còn rất dài và FoodMap chỉ mới ở những bước đầu tiên. May mắn lớn nhất của chúng tôi là có được những người đồng hành đầy nhiệt huyết. Vì điều này FoodMap sẽ nỗ lực hết sức cho giấc mơ của mình: giấc mơ xây dựng nông nghiệp bền vững”, anh Tùng chia sẻ.