Bloomberg
Elon Musk muốn đưa nhân loại lên sao Hỏa vì lo ngại Thế chiến thứ 3
Nhà sáng lập Tesla và SpaceX khẳng định đang làm việc để đưa nhân loại định cư trên sao Hỏa trong bối cảnh căng thẳng về hạt nhân gia tăng cùng nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3.
"Con người phải đặt ưu tiên cho việc định cư trên sao Hỏa để có thể bảo tồn giống nòi trong trường hợp xảy ra Thế chiến thứ 3". Đây là nội dung được Elon Musk, tỷ phú người Mỹ, nhà sáng lập SpaceX và Chủ tịch Tesla, tuyên bố tại sự kiện SXSW 2018 tổ chức ở Mỹ.
SpaceX làm nên lịch sử khi phóng thành công tên lửa lớn nhất thế giới BFR
"Điều quan trọng là phải xây dựng được một cơ sở tự duy trì trên sao Hỏa bởi nó cách đủ xa Trái Đất, và có khả năng tồn tại cao hơn trên mặt trăng", Elon Musk nói, trong bối cách cách đây ít ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố gặp để đối thoại trực tiếp cùng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về vấn đề căng thẳng hạt nhân gia tăng.
"Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3, chúng ta cần chắc chắn rằng có đủ nhân tố để xây dựng một nền văn minh của con người ở đâu đó trong vũ trụ để rút ngắn và đưa chúng ta vượt qua thời kỳ đen tối", Elon Musk cho biết.
Từ hơn một năm trở lại đây, công ty thám hiểm vũ trụ SpaceX của Elon Musk đã triển khai dự án cung cấp phương tiện đưa con người lên sao Hỏa, đó là một tàu không gian kích thước lớn, dài hơn 100 mét có tên mã danh BFR. Tuy nhiên, việc xây dựng một căn cứ trên sao Hỏa sẽ đòi hỏi những "nguồn lực kinh tế khổng lồ" theo Elon Musk.
Tỷ phú người Mỹ cũng gợi ý rằng sao Hỏa có thể là "một dạng lối thoát dành cho người giàu", khi trích dẫn lời của Shackleton trước chuyến thám hiểm Nam Cực: "Nó là khó khăn, nguy hiểm, và có thể sẽ thiệt mạng. Nhưng lại cực kỳ tuyệt vời cho những ai có thể sống sót."
Kế hoạch "di dân" lên sao Hỏa của Elon Musk
Mặc dù vậy, Elon Musk cũng thừa nhận rằng không có nhiều người muốn là "người tiên phong". "Ai cũng muốn được chào đón khi lên tới sao Hỏa, được vào những quán bar rộng lớn", Musk nói. "Đó là những quán bar Sao Hỏa đấy!"
Tên lửa BFR của SpaceX sẽ thực hiện chuyến bay lịch sử của nhân loại tới sao Hỏa vào năm 2019, và Musk thừa nhận mốc thời gian này là không cố định. Ông lấy thí dụ về quy trình sản xuất ô tô điện Tesla Model 3 đã bị cản trở bởi nhiều lý do chậm trễ. Elon Musk cũng cho biết khả năng thành công của dự án chỉ đạt khoảng 10%.
"Tôi sẽ không nhận đầu tư từ bạn bè vì tôi không muốn họ mất tiền oan", ông nói về SpaceX. Thay vào đó, ông đã tự mình kiếm tiền để phát triển dự án có thể trở thành bước ngoặt của nhân loại.
Bên cạnh hiểm họa hạt nhân, Elon Musk chia sẻ về một mối lo ngại khác mà theo ông là thậm chí còn nguy hiểm hơn, đó là trí tuệ nhân tạo (AI). "Theo tôi, AI còn nguy hiểm hơn nhiều so với tên lửa hạt nhân. Và chúng ta thậm chí còn chưa có các quy định giám sát chặt chẽ", Elon Musk nói.
Nguồn Guardian