Đường vào Nhà Trắng của cô gái 25 tuổi
Tạp chí Forbes của Mỹ đăng tải một bài phỏng vấn Vivian Graubard, thành viên sáng lập Cơ quan chuyên trách kỹ thuật số của Nhà Trắng, về con đường vào Nhà Trắng của cô gái mới 25 tuổi này.
Mẹ của Graubard sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ là người tị nạn gốc Cuba. Trong khi đó, cha cô là người gốc Colombia. Graubard sinh ra và lớn lên ở Nam Florida. Cô không được học tiếng Anh cho tới khi đi nhà trẻ.
Hồi học phổ thông, mọi thứ với Graubard đều mới mẻ và không được như ý muốn bởi cô hay bị bắt nạt và khó thích nghi. Tuy nhiên, với sự động viên của bố mẹ, cô đã dần vượt qua được điều này và tự tin rằng cô có thể tự làm được nhiều việc.
Graubard thi đậu vào trường American University ở Washington và 3 năm say cô tốt nghiệp với chuyên ngành IT và kinh doanh quốc tế.
Vấn đề của Graubard là cô không biết nên làm gì tiếp theo bởi đam mê của cô không phải chuyên ngành mà cô học. Nhưng rồi bất ngờ cô làm việc tại Nhà Trắng nơi mà với cô mọi thứ bắt đầu trở nên có ý nghĩa.
Chia sẻ về điều này, Graubard cho rằng, quan trọng là cô đã thay đổi nhận thức. “Ban đầu tôi dự định học chuyên ngành khoa học chính trị ở American University bởi tôi nghĩ mình muốn làm chính trị. Nhưng tồi chỉ 2 tuần kể từ khi nhập học, tôi đã thay đổi suy nghĩ và chuyển sang học kinh doanh. Các ngành học khi đó đều đã đủ chỉ tiêu, và chỉ còn tuyển sinh ngành IT, nên tôi đành đăng ký”. Graubard khi đó lo sợ cô không thể theo kịp bởi cho rằng cô không giỏi về máy tính hay công nghệ. Cô là một trong 3 nữu sinh duy nhất trong lớp. Giáo viên của cô đã động viên cô rất nhiều, nữ giáo sư này nói: “Cô nghĩ em rất xuất sắc và nếu em yêu thích em có thể thành công trong lĩnh vực công nghệ này trong tương lai. Cô hy vọng em sẽ cân nhắc đăng ký tiếp vào các lớp IT trong kỳ tới”.
Và cuối cùng, Graubard cũng tốt nghiệp ngành IT, kế hoạch duy nhất của cô sau khi tốt nghiệp là đi thăm em trai đang sống ở Bắc Kinh. Khi đó, một người bạn của Graubard đã giới thiệu với cô về một chương trình tình nguyện của Văn phòng thư tín của Tổng thống để cô có thể làm tạm thời ở đây trước khi tìm được một công việc.
May mắn thay, sau khi được nhận vào chương trình tình nguyện này, vài tháng sau, Graubard được tuyển chính thức vào Văn phòng thư tín của Tổng thống với vai trò là một điều phối viên công nghệ. Khi đó, Graubard mới 21 tuổi nhưng cô phải đảm trách toàn bộ vấn đề liên quan đến kỹ thuật tại Văn phòng này, bao gồm số hóa đường dây thông tin của Nhà Trắng, tăng cường khả năng kết nối giữa chính phủ với cử tri, hỗ trợ sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định chính sách.
Tuy nhiên 9 tháng sau, công việc của cô gặp trở ngại khi cô có thêm một đồng nghiệp nam. Mặc dù không nhiều kinh nghiệm như Graubard, và cả khi Graubard phải gánh mọi trọng trách công việc, thì người được thừa nhận là anh bạn đồng nghiệp, không phải cô. Graubard nghĩ đến chuyện tìm một công việc mới.
Cũng vào thời gian này, Todd Park được bổ nhiệm làm Giám đốc công nghệ của Nhà Trắng và ông cần tìm một trợ lý. Tìm hiểu về Todd Park – một doanh nhân, một nhà từ thiện, và dù không yêu thích nghề trợ lý nhưng Graubard quyết định tham gia phỏng vấn cho vị trí này. Sau nhiều cuộc phỏng vấn, cô được nhận làm trợ lý cho Todd Park khi vừa bước sang 23 tuổi.
Công việc đầu tiên khi làm việc với Park đó là về đề tài chống nạn buôn người và bạo hành với phụ nữ. Cô đã dành 2 năm để tìm hiểu về vấn đề này thông qua việc sử dụng dữ liệu công nghệ. Điều quan trọng là cuối cùng cô đã tìm ra cách để kết hợp công việc với đam mê ngăn chặn nạn nô lệ thời hiện đại. 10 tháng sau, cô trở thành Cố vấn cho Giám đốc công nghệ quốc gia.
Tại Phòng Chính sách Khoa học và công nghệ, Graubard làm trưởng bộ phận chuyên trách về ý tưởng chống nạn buôn người thông qua công nghệ. Cô làm việc với các cơ quan, các cổ đông, những người ủng hộ và cả những người sống sót sau nạn buôn người để tìm ra cách để có thể tận dụng công nghệ hỗ trợ thực thi luật pháp cũng như kết nối tốt hơn giữa những nạn nhân và những dịch vụ mà họ cần.
Tháng 9 năm ngoái, Graubard thôi việc tại Phòng Chính sách Khoa học và công nghệ để tham gia vào Cơ quan kỹ thuật số quốc gia (USDS). Ở đó cô làm việc với một nhóm chuyên trách về vấn đề nhập cư. Cùng với Bộ an ninh nội địa, đội ngũ kỹ sư, nhà thiết kế, giám đốc sản phẩm, họ đưa ra hình thức mới mà hàng triệu người nhập cư xin và nhận phúc lợi, giúp quá trình này trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn.
Phương Linh
Theo Forbes