Đừng trở thành nhà lãnh đạo cô độc!
Từ xưa tới nay, vẫn hay tồn tại quan niệm về hình ảnh những nhà lãnh đạo một mình đứng nơi đầu sóng ngọn gió để đưa ra những quyết định sống còn và dẫn dắt tập thể đi theo con đường mình đã chọn. Thế nhưng, theo chuyên viên tư vấn John Coleman thì trên thực tế, những nhà lãnh đạo thành công nhất lại chính là những người huy động được sức mạnh của cộng đồng xung quanh mình và biết cách theo đuổi những mục tiêu vì lợi ích chung.
Làm người của cộng đồng...
Theo giáo sư Bill George của trường kinh doanh Harvard, người từng nắm giữ cương vị CEO của tập đoàn thiết bị y tế hàng đầu thế giới Medtronic, nhà lãnh đạo nào cũng cần có một "chòm sao Bắc Đẩu" của riêng mình. Đó là một nhóm những người bạn và cố vấn tin cậy, nơi nhà lãnh đạo có thể chia sẻ những tâm tư của mình và lắng nghe lời khuyên góp ý. Quan trọng hơn nữa, những người này sẽ là những "trọng tài" giúp cho nhà lãnh đạo giữ được những giá trị của bản thân mình khi cần đưa ra những quyết định đầy khó khăn.
Theo Coleman, việc ở trong một cộng đồng sẵn sàng góp ý, đặt ra thử thách và giám sát trách nhiệm sẽ là điều kiện để cho nhà lãnh đạo trưởng thành hơn và nâng cao năng lực của mình.
...Do cộng đồng mà thành công...
Một doanh nghiệp có thể được ví như một con tàu, nơi mà dù cá nhân thuyền trưởng có tài giỏi thế nào thì cũng cần phải huy động được toàn bộ sức lực của thủy thủ đoàn nếu muốn con tàu đi đúng hướng. Theo Coleman, một trong những sai lầm mà giới lãnh đạo dễ mắc phải nhất là quên mất một điều đơn giản: sức mạnh của họ sẽ bị giới hạn khi hành động lẻ loi, nhưng sẽ trở thành vô tận khi được khuếch đại qua tập thể.
Không ai có thể chối cãi rằng Steve Jobs là một thiên tài kinh doanh công nghệ, nhưng ông lại từng bị chính hội đồng quản trị của Apple sa thải vào năm 1985 vì không thể thuyết phục được họ về phương hướng của công ty. Sự thất bại của một loạt sản phẩm Apple khi ấy, vốn bắt nguồn từ cái tôi quá lớn của Jobs, đã khiến cho ông phải rời khỏi công ty do chính mình thành lập nên.
12 năm sau đó, khi quay trở về cương vị lãnh đạo Apple, Jobs đã trở thành một con người trưởng thành và chín chắn hơn. Bằng cách tập hợp và truyền cảm hứng được cho một đội ngũ xuất sắc: Jonathan Ive, Scott Forstall, Ron Johnson và Tim Cook, Jobs đã làm được "nhiệm vụ bất khả thi": đưa Apple trỗi dậy từ bờ vực phá sản để trở thành tập đoàn giá trị nhất thế giới ngày hôm nay.
Steve Jobs từ thiên tài cô độc... |
... trở thành người dẫn dắt một tập thể hùng mạnh. |
...Vì cộng đồng mà phục vụ
Sẽ chẳng có nhân viên nào muốn phục vụ cho vinh quang của cá nhân lãnh đạo, nhưng trái lại họ sẽ sẵn sàng cống hiến đến cùng cho những điều mà họ thấy thực sự có ý nghĩa. Một nhà lãnh đạo có thể vạch ra cho đội ngũ của mình thấy việc mà họ đang làm có ảnh hưởng tích cực thế nào tới cộng đồng xung quanh sẽ có được những nhân viên cực kỳ trung thành và tận tụy.
Được thành lập bởi anh sinh viên bỏ học John Mackey vào năm 1980, cửa hàng thực phẩm Whole Foods đã có một khởi đầu hết sức khó khăn khi mắc phải một trận ngập lụt vào năm 1981. Lúc đó Whole Foods tưởng chừng đã phá sản, nhưng cửa hàng ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ từ các khách hàng quen và hàng xóm ở xung quanh để mở cửa trở lại. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của John Mackey, và từ đó anh đặt ra một quy tắc kinh doanh cho Whole Foods: không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, mà còn phải luôn luôn quan tâm đến đội ngũ nhân viên, khách hàng, môi trường và cộng đồng xung quanh.
Ngày nay, Whole Foods là một chuỗi siêu thị khổng lồ chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ với tổng cộng 419 siêu thị tại Mỹ và Anh, đạt doanh thu 14,2 tỷ USD trong năm 2014. Whole Foods cũng là một trong những công ty hiếm hoi có 17 năm liền đứng trong danh sách những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất nước Mỹ của tạp chí Fortune. Ngoài ra, chuỗi siêu thị này còn thường xuyên nằm trong danh sách những thương hiệu có uy tín và trong sạch nhất nước Mỹ. Đó là những tài sản tưởng chừng vô hình nhưng lại là yếu tố then chốt để làm nên giá trị thương hiệu và thành công kinh doanh cho Whole Foods.
Từ khởi đầu đầy khiêm tốn... |
... để rồi trở thành chuỗi siêu thị thực phẩm hữu cơ thành công nhất thế giới. |
Theo kết luận của John Coleman, nhà lãnh đạo nào có thể tuân thủ được 3 quy tắc "của cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng" sẽ đạt được thành công vang dội ở bất kỳ đâu dù là thương trường hay chính trường, cũng như sẽ có được một cuộc sống đầy ý nghĩa.
Tuấn Minh
Nguồn Harvard Business Review