Quý Hòa
Đứa con của chim phượng hoàng
Khi Việt Nam nhắc nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0, đến trí tuệ nhân tạo (AI)... thì Isabelle Müller đã khởi nghiệp với AI hơn 10 năm trước. Là một nhà văn, một thông dịch viên chuyên nghiệp, Isabelle quyết định kinh doanh bởi một nguyên nhân rất đặc biệt: cần tiền để làm từ thiện.
Đó là những ngày đầu năm 2005. Isabelle Müller đến Đại sứ quán Việt Nam ở Đức với một câu hỏi rất chung chung: “Tôi muốn làm gì đó giúp đỡ người Việt Nam, nhất là dân tộc thiểu số, trong lĩnh vực giáo dục, phải bắt đầu từ đâu?”. Đáp lại tấm lòng của bà là hàng loạt tư vấn.
Danh sách những địa điểm cần hỗ trợ trải dài khiến bà bối rối. “Chỗ nào chưa ai đến giúp, chọn nó cho tôi”, câu trả lời của bà khiến nhân viên sứ quán xúc động. Cùng nhau, những người đại diện quốc gia ở nước ngoài và một người mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt bắt đầu tính toán cho một dự án hỗ trợ trẻ em Cao Bằng, Hà Giang đến trường. Con số tổng chi phí được đưa ra. Nó lớn hơn rất nhiều so với số tiền tiết kiệm của một thông dịch viên. “Tôi sẽ trở lại”, Isabelle Müller nói vậy rồi quay về.
Mười năm, sau nhiệm kỳ của hai Đại sứ, Isabelle Müller mới quay lại, với nụ cười. Bây giờ, số tiền cô có đủ để làm hơn cả những gì ngày trước đại sứ quán đề xuất.
Hoài bão của mẹ
“Ước mơ lớn nhất của mẹ tôi là được quay về giúp đỡ đồng bào. Bà càng lớn tuổi, càng muốn làm. Đó cũng là lới hứa lớn của tôi với mẹ. Ban đầu, tôi chỉ muốn xây tặng một ngôi trường cho trẻ nhỏ nhưng sau khi hiểu hơn về đời sống của trẻ em vùng cao Việt Nam, tôi không thể chấp nhận làm vừa đủ với số tiền mình đang có. Ý định của tôi đã khác”, Isabelle Müller mở đầu câu chuyện của mình như vậy.
Sinh năm 1964 tại Tours (Pháp), Isabelle Müller có cha Pháp, mẹ Việt nhưng lập gia đình và phát triển sự nghiệp tại Đức. Ngay từ nhỏ, bà đã được giao một trọng trách đặc biệt: viết lại câu chuyện của mẹ mình, bà Đậu Thị Cúc, một phụ nữ dân tộc thiểu số Lào, sinh ra tại một làng quê ở Hà Tĩnh, năm 1929. Thời nhỏ, bà Cúc chịu nhiều cay đắng do nếp “trọng nam khinh nữ”: Bị ngược đãi, không được đi học, phải bươn chải kiếm tiền từ năm lên 6.
Tuy nhiên, bà hiếu học và tìm cách học đọc viết được cơ bản từ các bạn nam cùng lứa tuổi. Năm 12 tuổi, cha bà định gả bà trong một cuộc hôn nhân xếp đặt. Không chấp nhận số mệnh, bà Cúc bỏ trốn, phiêu dạt đến Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng... Bà trải qua những tai nạn hiểm nghèo, suýt bị bán vào nhà thổ, nhưng đi đến đâu bà cũng cố gắng kiếm sống lương thiện, vươn lên thành một nữ doanh nhân, kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng.
Sau nhiều biến cố trong kinh doanh lẫn tình trường, bà yêu một người lính Pháp nghèo, bất chấp những trở ngại sâu sắc do khác biệt giữa hai bên. Năm 1955, bà rời Việt Nam sang Pháp. Cuộc đời nơi đất khách của bà nặng gánh lo toan với 5 người con lần lượt ra đời, người bản địa phân biệt đối xử... nhưng bà luôn tìm được công việc để kiếm sống, nuôi các con lớn khôn.
Sau nhiều năm cố gắng, gia đình bà mở được một quán ăn Việt Nam, cùng chồng nuôi các con trưởng thành. “Ngoài lời hứa, câu chuyện đầy nghị lực của mẹ khiến tôi nghĩ nhiều đến những người phụ nữ Việt Nam và quyết tâm viết lại câu chuyện này. Sau đó là trở về quê hương góp sức mình cho những người cùng nguồn cội”, Isabelle Müller chia sẻ.
Nhập thân vào chính cuộc đời của mẹ, Isabelle Müller đã mang đến độc giả tác phẩm Loan - aus dem leben eines phönix (LOAN - Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng). Cuốn tự truyện bằng tiếng Đức này nằm trong top 5 chung kết giải Kindle Storyteller Award năm 2015 và xếp hạng best- seller trên trang Amazon Đức trong các hạng mục History of Asia, Youth Literature and Biographies.
Phát hành tại Việt Nam vào ngày 7.3.2018, LOAN nhanh chóng được tái bản chỉ sau 2 tuần phát hành, một kỷ lục. Isabelle Müller cho biết, khi phát hành tại Đức, nhiều độc giả đã gửi thư, bảo với bà rằng câu chuyện của bà cuốn hút đến mức, họ chú tâm đọc mà đi lố nhiều ga tàu điện ngầm nhưng khi dịch sang tiếng Việt và phát hành ở Việt Nam, bà vẫn có chút lo lắng. “Giờ thì hết lo mà tự tin rồi. Toàn bộ nhuận bút quyển sách này, trên tất cả các thị trường sẽ được dùng vào Quỹ Từ thiện Loan”, bà nói vậy khi tiếp xúc với bạn đọc trong buổi giao lưu, ký tặng tại Hội sách TP.HCM vừa qua.
Là một tái sinh...
Isabelle Müller kể, sau khi LOAN được danh hiệu Bestseller Award trên hệ thống phát hành của Amazon, ý định về quê mẹ đóng góp càng thúc giục trong lòng. “Tôi mang trong mình nửa dòng máu Việt thì mình cũng là người Việt. Tôi muốn giúp đỡ cho học sinh nghèo, những trẻ em bị thiệt thòi trong nước như mẹ tôi ngày trước”, Isabelle nói.
Để có nguồn tài chính thực hiện ước mơ, bà cùng chồng khởi nghiệp trong ngành dịch vụ công nghệ thông tin bởi chồng bà là một kỹ sư công nghệ, nghiên cứu sâu về AI. Isabelle Müller chia sẻ: “Tôi rất may mắn khi có được người chồng yêu thương và luôn ủng hộ tôi trong tất cả mọi chuyện. Trong kinh doanh, anh ấy làm chuyên môn, còn tôi lo đối ngoại”. Thời điểm Đức đang rất cần nguồn lực về AI, công ty của vợ chồng bà nhanh chóng có lợi thế. Mất hơn 10 năm nỗ lực và tích lũy, họ mới có được số tiền mình cần.
Năm 2016, được bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam và Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán công sứ thương mại tại Cộng hòa Liên bang Đức giới thiệu, Isabelle Müller đã có chuyến khảo sát các trường ở vùng cao biên giới Tây Bắc. Đó là hành trình có ý nghĩa rất lớn với bà vì nhờ chuyến đi đó, bà hiểu hơn về quê hương của mình, khác rất nhiều so với lần về thăm quê cùng mẹ. “Tôi đã đi đến nhiều nơi khó khăn trên thế giới, gặp nhiều hoàn cảnh nhưng những người nghèo ở Việt Nam rất đặc biệt. Họ không than vãn về khó khăn của mình mà luôn giữ nụ cười, lạc quan đối diện”, bà nhận xét.
Để có thể có nhiều nguồn tài trợ khác ngoài những đóng góp của cá nhân và gia đình, bà đã cùng những người bạn thành lập Quỹ LOAN. Sau hơn một năm hoạt động, Quỹ LOAN đã góp phần xây dựng nhiều nhà ở, bếp, khu vệ sinh cho học sinh miền núi, cấp học bổng hằng tháng cho những trẻ em nghèo hiếu học ở những nơi này để các em không phải rời bỏ giấc mơ đến trường. Mùa Đông 2017, khi chứng kiến cái rét cắt da cắt thịt ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Isabelle Müller và Quỹ LOAN đã kêu gọi lòng từ tâm của những người đồng hương sống ở Đức gửi về Việt Nam chăn, áo ấm, mũ len, khăn len...
Đó là những sản phẩm được chính tay các bà, mẹ Đức đan với tất cả tình yêu thương cho học sinh vùng cao. “Thế hệ “con lai” ở nước ngoài không phải người nào cũng thành công và đặc biệt không phải người nào cũng tha thiết tìm về cội nguồn và tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của mình. Chính vì thế, chúng tôi trân trọng tấm lòng của chị đối với Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh chia sẻ.
Tất tả đi về giữa Việt Nam và Đức để có thể vừa lo chuyện kinh doanh, vừa lo cho Quỹ nhưng với Isabelle Müller, niềm vui lớn hơn rất nhiều so với những mệt nhọc. Bởi giờ đây, ngoài việc đã hoàn thành hơn cả mức di nguyện của mẹ, bà còn có thêm động lực là bầy trẻ vùng cao. Isabelle Müller khoe: “Vợ chồng chúng tôi rất thích có nhiều con nhưng chỉ sinh được hai đứa. Giờ thì chúng tôi có đến hàng trăm đứa con để yêu thương và lo lắng. Chúng tôi cố gắng vì điều này”