Đón sóng M&A từ Đông Nam Á
Số đặc biệt của tờ The Economist với chủ đề “Thế giới 2013” phát hành tuần qua đã đăng tải bài viết của tác giả Simon Cox, biên tập viên theo dõi các vấn đề kinh tế châu Á, nói về 2 nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á với nhận định đáng suy ngẫm: “Khi Trung Quốc và Ấn Độ chùng lại, 2 ngôi sao mới nổi khác là Indonesia và Philippines đã sẵn sàng nắm bắt thời cơ”.
Nổi sóng M&A từ láng giềng
Nếu soi kỹ những vụ mua bán sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp Việt với đối tác từ khu vực Đông Nam Á sẽ thấy nhận định này là có cơ sở. Dưới tựa đề “Những người hàng xóm nặng ký”, tác giả đã phân tích về thế và lực mới của Indonesia và Philippines trong năm 2013.
Theo đó, từ năm 1997, Ngân hàng Thế giới thậm chí từng đưa ra dự báo về quá trình tăng trưởng trong dài hạn của nhóm “Big Five” gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia thay cho khối BRICS (không có Indonesia). “Kinh tế Indonesia đang trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, tương tự như Việt Nam năm 2007. Với mức lãi vay chỉ khoảng 5-7%/năm, các công ty Indonesia có rất nhiều lợi thế về vốn để mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Indonesia tìm đến Việt Nam”, ông Dalton Sembiring, Tham tán Công sứ Indonesia tại TP.HCM, chia sẻ với NCĐT.
Nổi bật cùng Indonesia là Philippines nhờ các nhà đầu tư nước ngoài liên tục đổ tiền vào mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước cùng dòng kiều hối hàng tỉ USD đổ về hằng năm. Nhờ vậy, hiện Philippines có mức tích lũy dự trữ ngoại hối tương đương 120% nợ nước ngoài của quốc gia này.
Ngoài Indonesia và Philippines, tác giả còn phỏng vấn bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan về chủ đề liên kết kinh tế giữa các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2013. “Mở cửa giao thương, đầu tư vào các nền kinh tế của nhau là điểm tựa chiến lược của ASEAN để trở thành một cộng đồng hiệu quả hơn vào năm 2015”, The Economist trích lời Thủ tướng Thái Lan Yingluck. Năm 2015 mà bà Yingluck đang nói đến chính là thời điểm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi đó 10 nước ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung với 600 triệu dân.
Với mục tiêu phát triển trong tương lai, cả 3 quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh việc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường lẫn năng lực sản xuất. Và Việt Nam là một trong những đích đến của họ.
Đã hơn 3 tuần kể từ thời điểm thương vụ Prime Group bán tới 85% cổ phần cho đại gia SCG của Thái Lan được công bố, nhưng dư âm về giá trị khủng của vụ M&A này cùng tương lai của thương hiệu Prime vẫn tiếp tục được bàn tán sôi nổi. Chỉ riêng lý lịch của 2 đối tác cũng đủ để gây chú ý. Prime hiện là nhà sản xuất gạch men lớn nhất khu vực Đông Nam Á, thứ năm thế giới và chiếm 20% thị phần gạch ốp lát trong nước; còn SCG hiện có tới 17 công ty tại Việt Nam với doanh thu khoảng 300 triệu USD/năm.
Cùng thời điểm M&A giữa SCG và Prime, Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền cũng công bố việc bán 70% vốn cổ phần tại Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long cho Tập đoàn Semen Gresik của Indonesia với giá 230 triệu USD. Semen Gresik là tập đoàn xi măng của Nhà nước, chiếm khoảng 42% thị phần tại Indonesia và đây là vụ M&A đầu tiên của Semen Gresik ở nước ngoài. Còn Geleximco là một tập đoàn tư nhân đa ngành trong nước với 20 đơn vị thành viên.
Năm qua, lĩnh vực hạ tầng cũng chứng kiến những bước thâm nhập sâu hơn của Công ty Manila Water, thuộc một trong các tập đoàn tư nhân lớn nhất Philippines là Ayala. Tính đến nay Ayala đã mua 47,35% cổ phần của Công ty Cấp nước Kênh Đông, 49% cổ phần của Công ty B.O.O Nước Thủ Đức và 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII).
Ngoài ra, thời gian qua, một số nhà đầu tư Đông Nam Á đã “săn lùng” doanh nghiệp Việt qua sàn chứng khoán. Có thể kể đến là trường hợp Quỹ Orchid Fund của Singapore nắm giữ 10,65% số cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần FPT. Tương tự, Quỹ Đầu tư Platinum Victory cũng của Singapore hiện sở hữu 11,26% số cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE.
Lợi cả đôi đàng?
Trên tờ nhật báo The Bangkok Post, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SCG, từng kỳ vọng vụ M&A với Prime sẽ góp phần gia tăng ảnh hưởng của đại gia này tại Đông Nam Á. Năm 2011, SCG cũng đã mua lại 2 nhà máy gạch ở nước ngoài, 1 tại Indonesia và 1 tại Philippines. “Thương vụ này sẽ nâng tổng công suất sản xuất gạch của SCG lên 225 triệu m2/năm, gồm 48% từ Thái Lan, 14% ở Indonesia, 5% ở Philippines và 33% ở Việt Nam”, ông Trakulhoon nói. Như vậy, Việt Nam sẽ là “cứ điểm” lớn nhất của SCG ở nước ngoài.
Đối với Xi măng Thăng Long, sau khi bán 70% cổ phần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vũ Văn Tiền phát biểu: “Sự hợp tác này là một bước phát triển mới, giúp chúng tôi tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc dòng tiền tốt hơn”. Ngoài ra, giá bán xi măng tại Indonesia và Malaysia hiện dao động từ 120-140 USD/tấn, trong khi tại Việt Nam chỉ từ 65-75 USD/tấn nên triển vọng của các doanh nghiệp trong nước vẫn khá mờ mịt.
Xem xét ở góc độ đầu vào là vốn lẫn đầu ra là thị trường tiêu thụ, không ít ý kiến cho rằng trong lúc thị trường xây dựng đóng băng, vốn ngân hàng siết chặt thì việc 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng này bán được với giá trị khủng như vậy là một cuộc vượt thoát ngoạn mục.
Nhưng nhận định này có lẽ chỉ đúng một phần.
Ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Điều hành TNK Capital Partners, công ty chuyên về tư vấn M&A, cho rằng, điểm mấu chốt trong một thương vụ là giá bán như thế nào để lợi cả đôi đàng, nhưng lại rất khó để đưa ra kết luận giá chốt của một vụ M&A là cao hay thấp nếu chưa biết rõ các điều khoản ràng buộc. Ví dụ, hợp đồng M&A có điều khoản cam kết về mức lợi nhuận mà bên bán cần đảm bảo trong vòng 2 năm liên tiếp sau thời điểm ký kết. Nếu không thực hiện được, bên mua vẫn có quyền điều chỉnh giá mua xuống mức thấp hơn.
Đối với cả 2 thương vụ nói trên, ngoài giá trị sít sao nhau là 5.000 tỉ đồng, các thông tin nhạy cảm liên quan đến những cam kết, ràng buộc cùng chiến lược hậu M&A hiện vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, dưới góc độ đầu tư, có một quy luật chắc chắn: thị trường xuống là thị trường của người mua, không phải của người bán. Hay nói cách khác, “bán trong lúc khó khăn chắc chắn không thể có được giá tốt”, như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Ngoài giá cả, các thương vụ trên cũng đem đến nhiều kỳ vọng về triển vọng hợp tác chiến lược trong tương lai, bởi bên mua đều là các doanh nghiệp cùng ngành, chứ không phải các quỹ chuyên đầu tư tài chính. Với kinh nghiệm hoạt động dày dạn trong ngành, nhà đầu tư mới có thể giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn sau khi mua. Song điều này thường phải trả giá bằng việc doanh nghiệp bị thâu tóm.
Rủi ro thao túng
Giám đốc điều hành một công ty chuyên tư vấn về M&A đánh giá, các thương vụ nhà đầu tư ngoại mua với tỉ lệ chi phối thì quá trình thay da đổi thịt trong doanh nghiệp diễn ra rất nhanh. Những trường hợp mua 20-30%, khả năng họ mua thêm để thâu tóm và chi phối doanh nghiệp là điều chắc chắn.
Trong xu hướng M&A này, các doanh nghiệp tư nhân có thể được xem là mục tiêu hàng đầu, bởi nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được số cổ phần chi phối nhanh chóng và dễ thỏa thuận vai trò quyết định trong công ty hơn.
Với mục tiêu mua chi phối và nắm quyền quản lý, các thương vụ vừa qua cho thấy các doanh nghiệp niêm yết ít được chú ý. Một trong những rào cản khiến các nhà đầu tư ngoại e ngại tiếp cận doanh nghiệp niêm yết chính là không thể mua chi phối (trên 51%), phải công bố thông tin theo từng mức sở hữu của cổ đông lớn...
Tuy nhiên, cuộc chơi với sự tham gia của những người láng giềng này sẽ không là chuyện riêng của doanh nghiệp nào, dù là tư nhân, niêm yết hay nhà nước. Vừa phải chống đỡ khó khăn, vừa cạnh tranh với những gã khổng lồ là điều không dễ chịu chút nào với các doanh nghiệp trong nước thời gian tới.
Với tiềm lực tài chính mạnh, các nhà đầu tư láng giềng này sẵn sàng tạo ra một mặt bằng mới về chất lượng sản phẩm và dịch vụ cao với giá thấp tại Việt Nam. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nội đau đầu giải bài toán nâng cao chất lượng và giảm chi phí, trong khi năng lực và thời gian thì có hạn.
Thậm chí, sự lớn mạnh của họ thường rất dễ gắn liền với hành vi thâu tóm và thao túng thị trường trong nước. Câu chuyện từ quả trứng đến nguy cơ lũng đoạn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam là một minh chứng điển hình.
Chỉ riêng trong ngày 10.1.2013, giá trứng gà tại TP.HCM đã tăng đến 4.000 - 5.000 đồng/chục, một kỷ lục từ trước đến nay. Các ngày sau đó, giá trứng vẫn tiếp tục tăng từ 2.000-3.000 đồng/chục không chỉ riêng TP.HCM mà lan sang cả Hà Nội.
Sau khi Sở Công Thương TP.HCM vào cuộc, thủ phạm đã lộ diện, đó chính là hành động tự ý nâng giá của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, một doanh nghiệp Thái Lan.
Thành lập năm 1993, CP Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Charoen Pokphand Thái Lan (CP Thái Lan), tập đoàn nông nghiệp lớn nhất của Thái. Năm 2011, doanh thu của Công ty lên tới 30.000 tỉ đồng và ước tính đạt mức tăng trưởng 15% trong năm 2012. Dữ liệu của Stoxplus năm 2011 cho thấy, CP Việt Nam chiếm tới 20% thị phần thức ăn chăn nuôi , 77% thị phần chăn nuôi lợn công nghiệp và 30% thị phần chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam. Với vị thế như vậy, CP Việt Nam thừa sức lèo lái giá trị trường theo ý đồ của mình.
Thật ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng thừa nhận vấn đề này khi cho biết nguồn cung trứng gia cầm trên thị trường đang bị một số Công ty chăn nuôi nước ngoài chi phối, điển hình là CP Việt Nam và JAPFA (Indonesia). Vì vậy, nguy cơ bắt tay liên kết giữa các doanh nghiệp này nhằm thao túng giá là điều có thể thấy trước.
Theo lô trình hội nhập, đến năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN cùng các Hiệp định Thương mại Tự do như ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật, Việt Nam - châu Âu, Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương. Lúc đó hàng rào thuế quan sẽ giảm xuống, các biện pháp bảo hộ đối với các ngành sản xuất nội địa không còn. Liệu khi đó, các doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để giữ được miếng bánh tại thị trường nội địa trước các ông lớn nước ngoài?
“Tình trạng thao túng thị trường chắc chắn sẽ xảy ra và doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị thật kỹ trước cuộc chơi nghiệt ngã này”, ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tư vấn Tài chính Công ty Chứng khoán Bản Việt nói.