Đôi vợ chồng chuyên trồng dâu “trên trời” ở Đà Lạt
Từ lâu, khách du lịch đến với Đà Lạt thường đem về hoa tươi, rau củ quả và đặc biệt là những hộp dâu tây chín mọng để làm quà. Từng háo hức thử một trái dâu, rồi ái ngại vì không như mong đợi, một Việt kiều Pháp đã nung nấu tìm lời giải cho chất lượng đi xuống của trái dâu Đà Lạt, đồng thời gầy dựng lại danh tiếng cho loại trái này. Đây là hành trình của ông Nghiêm Văn Minh, vốn xuất thân là kỹ sư phần mềm nhưng nay đã trở thành một chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao vốn là lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn tại Đà Lạt. Theo một tổng kết trong năm 2015, doanh thu mà xu hướng này đem lại cho mỗi ha đất nông nghiệp thường cao gấp đôi so với cách trồng truyền thống. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thành phố sương mù này tính đến năm ngoái là 16% và vẫn tiếp tục tăng.
Sau nhiều nghiên cứu và trồng khảo nghiệm, đến nay, du khách ghé thăm Khu Du lịch Hồ Than Thở nếu đi sâu vào trong sẽ được trải nghiệm mô hình kết hợp giữa trang trại dâu tây và du lịch vườn của Công ty Sinh học sạch Biofresh trên diện tích 2 ha - thành quả đầu tư nông nghiệp theo công nghệ châu Âu của vợ chồng kỹ sư Nghiêm Văn Minh và bà Nguyễn Thị Bích Thủy. Đây là nơi duy nhất của Đà Lạt trồng giống dâu tây nhập từ Pháp và thử nghiệm nhiều giống rau quả nhập khẩu với kỳ vọng bổ sung các loại giống nông nghiệp cho vùng đất này.
Là dân kỹ thuật, nên với nông nghiệp, ông Minh cũng nhìn bằng lăng kính khoa học. “Cũng như cơ thể người, bằng nhiều công cụ và phương pháp, ta có thể biết cây dâu đang thiếu hụt những dưỡng chất nào, nồng độ ra sao, từ đó bổ sung đúng và đủ thì cây sẽ khỏe mạnh”, ông Minh chia sẻ.
Nhiều năm sống ở nước ngoài, ông Minh nhận thấy nông dân Việt Nam khá thiệt thòi khi phải tự nghiên cứu, mua giống, chăm sóc cây và tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi tại Pháp, mỗi khâu được tách riêng biệt và chuyên nghiệp hóa ở mức độ cao.
Ví dụ, để có được một giống dâu, trung bình các nhà nghiên cứu phải làm việc trong phòng thí nghiệm gần 10 năm. Do đó, thành phẩm nghiên cứu được bảo vệ trí tuệ rất nghiêm ngặt. Nông dân muốn mua được giống cây, ngoài số tiền bỏ ra, còn phải đảm bảo sẽ không nhân giống bừa bãi để bảo vệ bản quyền nghiên cứu. Đổi lại, người nông dân sẽ được đảm bảo chất lượng giống và sản lượng khai thác tối ưu. Ngược lại, thói quen này gần như không phổ biến với nông dân Việt Nam khi vô tình hay cố ý, họ thường sử dụng những giống cây không rõ nguồn gốc. Vì vậy, các thế hệ cây con thường yếu dần, lây lan nhiều bệnh tật và năng suất thấp. Trái dâu Đà Lạt là một ví dụ điển hình khi giống dâu bản địa sau nhiều năm nhân giống đã bị thoái hóa, cho sản lượng thấp, trái nhỏ, vị chua.
Được sự hỗ trợ từ một người bạn thân ở Pháp, sau nhiều năm khảo nghiệm hơn chục giống dâu tây nhập khẩu, tất nhiên phải tuân thủ theo luật bản quyền của thế giới, ông Minh đã chọn được 5 loại giống sinh trưởng tốt, không có virus và phù hợp với điều kiện thiên nhiên của Đà Lạt. Ngoài giống, toàn bộ phân bón, giá thể cũng được ông nhập khẩu. Ông cũng không tiếc tiền và công sức mà gửi mẫu đất, nước, dâu thành phẩm về Pháp cho các chuyên gia phân tích để tư vấn cách trồng dâu chất lượng như tại đất nước này. Ông còn tự “khám bệnh” cho cây và đặt hàng một công ty nước ngoài sản xuất loại phân bón riêng theo yêu cầu, nhằm tối ưu hóa chất lượng và năng suất của cây dâu Biofresh.
Nhận thấy dâu trồng trên đất, vốn không còn “sạch” như trước, lại nhiều sâu bọ buộc phải sử dụng thuốc trừ sâu, ông Minh đã sáng chế ra cách trồng dâu trong chậu giá thể xơ dừa cách mặt đất 1 m, cũng như trồng thủy canh để đảm bảo độ sạch của dâu thành phẩm. Cách trồng này cũng đảm bảo cây dâu được di dời kịp thời để cách ly nếu phát hiện sâu bệnh.
Làm gì cũng muốn đến nơi đến chốn, Biofresh như một sân chơi để ông Minh ứng dụng những thử nghiệm mới, dù đem lại thành công hay thất bại. Đi qua một dãy cây héo úa, ông Minh chỉ tay và nói: “Tôi đang thử vài giống cây mới mà không thành, mấy chậu này sắp phải bỏ đi thôi”. Tuổi đã hơn 50, nhưng ông đi thoăn thoắt giữa mảnh vườn bạt ngàn lá xanh và không ngừng chia sẻ say mê những kinh nghiệm sau nhiều năm lăn lộn trong ngành nông nghiệp. Dừng trước luống dâu đang ra trái, ông Minh giới thiệu một phát minh mới nghe rất lạ “trồng dâu trên trời”.
Đó là kỹ thuật trồng dâu trong máng cao, điều khiển lên xuống nhịp nhàng bằng ròng rọc, vừa tiết kiệm được diện tích trồng, vừa làm cho du khách thích thú khi đến thăm. Chỉ sang những vòi tưới tự động, ông giới thiệu về hệ thống tự mình sáng chế, tự pha loãng phân bón theo nồng độ thích hợp rồi hẹn giờ tưới tự động. Đó là một trong những biện pháp được người nông dân này sáng tạo để tự động hóa công việc ở trang trại, giảm tải nhân công.
Cây dâu sau khi được trồng trong 3 tháng sẽ cho thu hoạch suốt cả năm với năng suất trung bình là 0,5 kg/cây. Ước lượng trên 1 ha với khoảng 200.000 cây, lượng dâu thu hoạch được trong năm khoảng 100 tấn, sản lượng thu hoạch mỗi ngày là 100-300 kg tùy theo mùa. Dâu được phân loại và bán ở mức giá trung bình 200.000 đồng/kg. Ông còn nhập công nghệ chế biến từ Hà Lan và nhờ các chuyên gia về mứt, sirô từ các nước về để giúp đỡ phát triển sản phẩm mứt làm từ dâu của vườn, hiện đang được sử dụng trong các khách sạn 5 sao.
Sản lượng thu hoạch hiện nay chỉ có thể đáp ứng cho khách du lịch và bán tại các địa phương khác trên cả nước. Ông Minh cho rằng, chỉ có thể hướng đến mục tiêu xuất khẩu nếu quy mô nhân rộng lên gấp nhiều lần. Ngay cả ở Pháp với hơn 60 triệu dân, diện tích trồng dâu hơn 100.000 ha cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa, mới thấy nhu cầu thị trường còn rất lớn đối với loại quả này.
Ngoài dâu, ông Minh còn trồng nhiều loại cây khác. Như giống dưa lưới nhập từ Pháp và Nhật, quả tròn, trọng lượng từ 0,3-0,4 kg/quả, với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg, đắt hơn dưa trên thị trường nhưng thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Dãy trồng các loại lá thảo mộc cũng đang xanh tốt để Biofresh chuẩn bị sản xuất các loại trà cho thương hiệu này.
Với câu hỏi lợi nhuận đem về đã đủ hòa vốn hay chưa, ông Minh cười đáp: “Trong ngành này, làm gì cũng phải chờ nhiều tháng, nhiều năm mới thấy kết quả. Tôi không muốn nhắc nhiều về những con số, chỉ có thể nói rằng, sau nhiều năm, doanh thu của Biofresh đang tăng dần. Tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư cho những công nghệ mới vì công việc này đã trở thành đam mê”.
Đôi vợ chồng mê nông nghiệp này đang chuẩn bị mở rộng diện tích sang một khu đất rộng gấp nhiều lần để tiếp tục giấc mơ về mô hình nông nghiệp mang tầm quốc tế trên vùng đất cao nguyên.
My My