Doanh nhân Việt chung tay đẩy lùi SARS-CoV-2
Những cái tên đã chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong suốt thời gian vừa qua vốn không còn xa lạ gì trong giới kinh doanh tại thị trường Việt như, ông Kao Siêu Lực, Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang, Trần Đình Long, Phạm Minh Thiện…
Ổ bánh mì và những chiến binh nơi tuyến đầu chống dịch
Sau cuộc giải cứu thanh long thần tốc, Vua bánh mì Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery cũng đã “hành động ngay” với loại bánh mì đặc biệt chỉ dành riêng đội các y bác sĩ.
“Tôi nghĩ kỹ rồi, giờ là lúc phải xúm nhau lo được chút nào hay chút ấy, cho các y bác sĩ, nhân viên y tế và các nhân viên phục vụ”, ông Kao Siêu Lực chia sẻ với bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) những ngày giữa tháng 3.
Bỏ ra một tuần nghiên cứu, thử nghiệm, ông Lực đã hoàn thành xong ổ bánh mì trị giá 75.000 đồng/ổ với đầy đủ những nguyên liệu cao cấp như, bột mì đen nhiều chất xơ, các loại hạt, quả tốt cho sức khỏe như óc chó, nho (nhập khẩu từ Mỹ) khoai lang Nhật, mè đen. Các nguyên liệu này được trộn với mật ong trước khi chế biến. Phô mai, bơ dùng trong bánh cũng là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Pháp.
Ông Kao Siêu Lực ở thời điểm hiện tại. Nguồn ảnh: ABC |
Mỗi cái bánh có đầy đủ chất thay một bữa ăn, họ có thể ăn ngay sau khi phẫu thuật hay đang trên ca trực, ông Kao Siêu Lực chia sẻ về tâm huyết của mình. Dự kiến ông Kao Siêu Lực sẽ tặng 3.000 ổ bánh mì dinh dưỡng tới các bác sĩ, nhân viên y tế và nhân viên phục vụ đang tham gia chống dịch chứ không bán ra thị trường. “Nếu có nhà hảo tâm nào muốn tham gia hỗ trợ có thể góp kinh phí, chúng tôi sẽ góp sức tiếp tục làm bánh để cùng góp phần chung tay chống dịch. Bánh được đóng gói trong bao bì hút chân không, bảo quản được 1 tuần ở nhiệt độ thường và 3 tháng nếu bảo quản trong tủ lạnh.
Vốn là người hay tham gia các hoạt động từ thiện nhưng ít chia sẻ đến cộng đồng, ông Kao Siêu Lực cũng vừa âm thầm ủng hộ 100 triệu đồng cho Quỹ doanh nhân vì cộng đồng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM để chung tay phòng, chống dịch theo lời kêu gọi của chính quyền Thành phố.
Những xuất cơm vội trong ngày đầu “cách ly toán xã hội”
Nối tiếp những hành động vì cộng đồng, với “tiệm cơm” siêu ngon và rẻ của mình, doanh nhân Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May đã nhanh chóng đưa ra phương án cung cấp những bữa ăn đủ dinh dưỡng và an toàn tới những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp. Vốn là người quản lý cầu toàn, ông Minh Thiện đích thân đến gặp những đầu bếp nổi tiếng để cùng lên dách sách món ăn.
Xuất phát là Công ty chuyên xuất khẩu gạo, sau khi tiếp quản, ông Thiện đã phát triển công ty đa dạng ngành nghề và nhiều sản phẩm nông nghiệp cũng do chính Cỏ May nuôi trồng như, nấm, cá, thuỷ hải sản…trước đây, Cỏ May chỉ cung cấp các xuất ăn cho khu vực Đồng Tháp thì nay mở rộng cung cấp cho những hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM.
Ông Phạm Minh Thiện cũng thừa hưởng tinh thần từ người cha của mình nên thường làm từ thiện và rất ít chia sẻ với báo chí. Nguồn ảnh: facebook nhân vật |
Không phải bây giờ Cỏ May mới bắt đầu hướng đến các hoạt động từ thiện, cha anh cố Tổng giám đốc Phạm Văn Bền đã dốc hết tâm huyết những ngày xế chiều để xây dựng Ký túc xá Cỏ May để giúp đỡ những sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học đại học. Ông Phạm Minh Thiện cũng thừa hưởng tinh thần từ người cha của mình nên thường làm từ thiện và rất ít chia sẻ với báo chí.
Cũng chung ý tưởng vì cộng đồng với sản phẩm “cây nhà lá vườn”, bà Nguyễn Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food cũng đích thân mang tặng 20.000 gói cháo yến tươi ăn liền cho các y bác sĩ và nhân viên y tế các bệnh viện. Bà Nguyễn Hồng Trang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thời trang Sơn Kim cũng đề xuất để GS25 (do Sơn Kim quản lý) và nhà hàng Nhật Watami chuyển tới tặng các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện Nhiệt đới và bệnh viện quận 7 các suất ăn tối với những món ăn nhiều chất dinh dưỡng của nhà hàng này.
Trước thềm cách ly toàn xã hội, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, cũng chia sẻ về hoạt động đến thăm và trao tặng 100 triệu đồng gồm tiền mặt và hiện vật đến Bệnh Viện Nhiệt Đới TP.HCM sáng 30.3 vừa qua.
Những anh cả “tỉ phú” huy động tiền mặt cho công cuộc chống dịch
Nếu những doanh nghiệp trên góp sức bằng sản phẩm thì nhiều tỉ phú khác lại huy động và góp sức bằng những con số biết nói.
Khi ông Vượng hành động
Ngay từ tháng 2, Vingroup ký kết tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền 20 tỉ đồng, chưa dừng lại ở đó đến tháng 3 vừa qua, Vingroup lại tiếp tục tài trợ thêm 125 tỉ đồng trang bị máy thở, máy xét nghiệm, bộ sinh phẩm xét nghiệm và nghiên cứu SARS-CoV-2. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup tài trợ 100 máy thở cao cấp dùng cho xâm nhập và không xâm nhập, 800 bộ test COVID-19 của Hàn Quốc và 200.000 test COVID-19 của Hàn Quốc…
Một thành viên khác của tập đoàn này là Công ty Cổ phần Vincom Retail, cũng dành 300 tỉ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống. Ở góc độ cá nhân, trong tháng 3 vừa qua, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã có một hành động được nhiều người ủng hộ, ông Vượng đã thuê riêng máy bay Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines để đưa miễn phí khách Ukraine mắc kẹt ở Việt Nam về nước, đồng thời đón công dân Việt ở Ukraine trở về.
Vua hàng hiệu và chuyến bay định mệnh của con gái út
Quyết định thuê phi cơ với giá gần 10 tỉ đồng để đưa con gái đang mắc bệnh COVID-19 về nước, tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn gần như trao trọn hy vọng vào đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Ông đã đã có quyết định đúng đắn khi con gái ông, bệnh nhân số 32 đã gần như khỏi bệnh hoàn toàn vào thời điểm này.
Bệnh nhân thứ 32, con gái tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM hiện đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Ảnh: baogiaothong |
Sau chuyến bay đó, ông vua hàng hiệu cũng trở thành một trong những mạnh thường quân ủng hộ cả về tiền và vật chất nhằm chống dịch. Tính đến thời điểm này, ông và gia đình đả ủng hộ 30 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, 15 tỉ đồng được gửi đến Mặt trận Tổ quốc TP.HCM để ủng hộ chiến dịch chống COVID-19 cùng các ban ngành, đoàn thể, một phần 5 tỉ đồng ủng hộ các tỉnh thuộc đồng bằng song Cửa Long đang thiếu nước sạch để sinh hoạt do hạn mặn kéo dài. Phần còn lại, trị giá 10 tỉ, sẽ chi trả cho trang thiết bị sử dụng tại bệnh viện tại nơi Tiên Nguyễn, con gái ông Johnathan Hạnh Nguyễn điều trị trong thời gian qua.
Ngoài ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn chia sẻ bản thân đã đứng ra làm việc với nhà cung cấp ở Đức để mua các trang thiết bị y tế cho bệnh viên nhanh nhất có thể. Trước tình hình người Việt ở khắp thế giới vẫn đổ về Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng ủng hộ một siêu thị rộng 5.000m2 ở tỉnh Tây Ninh được doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho ngành y tế dùng làm nơi cách ly bệnh nhân COVID-19 nếu cần.
Mặt bằng có thể sử dụng làm nơi cách ly cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người. Dự kiến nơi này sẽ đón những người về Việt Nam từ Campuchia. Theo đại diện Truyền thông của Tập đoàn IPP, "Chúng tôi nhận thấy quyên góp quyền sử dụng mặt bằng nói trên cho việc cách ly là một cách để hành động chia sẻ trách nhiệm cùng đất nước, chung tay đẩy lùi dịch bệnh".
Các doanh nghiệp lớn cùng chung tay
Anh cả ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát của doanh nhân Trần Đình Long cũng ủng hộ 5 tỉ đồng chuyển tới quỹ của Bộ Y tế và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Đại gia bất động sản Novaland ủng hộ gần 6 tỉ đồng, trích từ ngân sách tập đoàn và sự đóng góp của toàn thể cán bộ, nhân viên để trang bị các phương tiện phòng, chống dịch.
Ngân hàng HDBank của nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và ngân hàng Techcombank của tỉ phú Hồ Hùng Anh, mỗi ngân hàng đã ủng hộ 10 tỉ đồng cho công tác phòng chóng bệnh dịch thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm:
►Hãy yêu nhau đi, ngại chi COVID
►Lời kêu gọi “đừng sợ hãi” và 10 kiến nghị của Bầu Thắng trong dịch COVID-19