Sự thành đạt của một doanh nhân đến từ cân bằng công việc và cuộc sống.

 
Thứ Năm | 11/08/2022 11:21

Doanh nhân Việt: Cân bằng công việc & cuộc sống

Các doanh nhân Việt chia sẻ cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như cách để có một phong cách sống lạc quan cho riêng mình.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2012.)

Sự thành đạt của một doanh nhân đến từ cân bằng công việc và cuộc sống. Mỗi doanh nhân sau đây đều tìm cho mình những điểm cân bằng tốt nhất, theo những cách riêng thú vị.

Ông Phan Thành, Giám đốc Khu Du lịch Làng Tôi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM: Đi dạo và hát

Biết Phan Thành, ông chủ của Khu Du lịch Làng Tôi, đã nhiều năm nay, nhưng tôi vẫn chưa vẽ nổi chân dung về anh. Tôi nói Phan Thành có vẻ gì đó bí ẩn. Bí ẩn từ công việc kinh doanh đến chuyện tình cảm riêng tư. Anh bật cười lớn: “Thật ra chẳng có gì bí ẩn, chẳng qua tôi chưa có cơ duyên bộc bạch mình”. Đoạn anh đưa cái tẩu bằng gốc tre lên môi, trên gắn điều xì gà Cuba, bật hộp quẹt, rít một hơi rồi nhả khói mơ màng, mắt nhìn xa xăm ra dòng sông Sài Gòn trước mặt. 

Phan Thành có thói quen ngậm tẩu xì gà, mà phải là thứ xì gà được gửi mua từ Cuba về mới chịu. Anh kể, hồi ở Canada quanh năm lạnh quá, hút thuốc cho ấm nên quen rồi, nay muốn bỏ cũng không được. Những khi gặp việc gì căng thẳng, không ngủ được, 2 giờ đêm anh cầm cái gậy ba-toong đi bộ quanh vườn, vừa rít xì gà vừa thư giãn. Anh nói đây là cách cân bằng tốt nhất mà anh thường làm. 

Doanh nhân David Phan Thành - Giám đốc Khu Du lịch Làng Tôi.
Doanh nhân David Phan Thành - Giám đốc Khu Du lịch Làng Tôi.

Năm nay, hàng loạt những góp vốn đầu tư của Phan Thành về chứng khoán và bất động sản tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan… đã gặp thất bại. Một năm thua của anh trong đầu tư. Anh đã có nhiều đêm mất ngủ vì những thất bại này. “Sáng tác nhạc và hát thôi!”. Nói đoạn, Phan Thành gọi điện cho một nhạc sĩ đệm đàn guitar nổi tiếng của TP.HCM, anh Công Danh, đến đàn để anh hát tặng bạn bè. “Nhạc là phương thuốc quý giá nhất để tôi nạp lại năng lượng tinh thần sau bao mệt nhọc căng thẳng ở thương trường”. 

Nhạc sĩ so dây đàn, Phan Thành cất tiếng: “Thảo giang là cỏ ở trên sông/Chờ nước lớn lên đợi nước ròng/Đường đời con nước dài vô tận/Chẳng biết nơi nào để dấn thân?... Đâu phải lần đầu mới biết yêu/Mà sao choáng váng sóng thủy triều/Đêm dài không ngủ mênh mang nghĩ/Chờ cỏ trôi về nói em yêu!”. Phan Thành say sưa hát, mắt lại nhìn mênh mang ra dòng sông trước mặt, trông trẻ lại với giọng ca lúc da diết miệt mài, lúc trầm ấm đầy tự sự. 

Ngưng hát một lúc, anh giải thích: “Gần 20 năm đứng trước dòng sông này, chứng kiến bao đổi thay 2 bên bờ sông, xuôi Nam về Bắc cũng không biết mấy trăm bận. Một chiều kia, sau chuyến đi làm ăn xa ở nước ngoài về, rũ bỏ hết mệt nhọc căng thẳng, tôi ra đứng trước dòng sông. Từng dề lục bình trôi dập dềnh trên sông, như đám cỏ ở trên sông, không biết trôi về đâu. Tôi chợt nghĩ nhân tình thế thái cũng bấy nhiêu, làm trai gần cả đời xuôi ngược, lắm khi cũng không biết chốn nào để dấn thân!”. Người ta hay nói, đằng sau sự thành công của người đàn ông thường thấp thoáng một bóng hồng, với Phan Thành thì “có đâu mà thấp thoáng”. 

Anh tiếp lời: “Đôi khi cũng phải hiểu, đàn ông có giỏi giang bản lĩnh đến mấy, lại chết vì vũng nước dấu chân trâu chứ không phải chết vì sóng to biển lớn”. Làm ăn cũng vậy, nếu cứ đuổi theo những khoản lợi nhuận lớn trên thương trường mà không biết hưởng thụ, không quý giá những giây phút hạnh phúc bên bạn bè, người thân như hôm nay, thì tiền bạc chỉ là phù du. Ở Làng Tôi, với tôi, không phải là số tiền đầu tư bao nhiêu, mà là linh hồn của tôi đã chiếm lĩnh tất cả. Hạnh phúc nhất là làm được điều mình mong muốn bằng tiền bạc từ kết quả kinh doanh của mình”. 

Dường như mọi khó khăn của Phan Thành được hóa giải bởi những điều thật bình dị. Căng thẳng hả? Đi dạo để tìm chút thảnh thơi. Đau khổ vì thất bại hả? Hát lên để thấy đời vẫn đẹp và đáng để lạc quan. 

Làng Tôi nay mai sẽ được quy hoạch với quy hoạch chung của Thủ Thiêm, một giấc mơ về Phố Đông Thượng Hải trong tương lai. Mai này làng sẽ lên phố. Sẽ có những cao ốc văn phòng, những siêu thị sầm uất, ven bờ sông sẽ có những ngôi biệt thự xinh xắn chứ không phải những đám cỏ hoang mọc mất trật tự thế này. Bất luận là gì, Phan Thành vẫn cứ ước mơ, ước mơ khi làng lên phố, anh vẫn thấy được những đám thảo giang trôi lững lờ, chảy bình thản dưới chân cầu Thủ Thiêm dài, cao sừng sững đằng kia. 

Và chiếc cầu ấy đang vắt ngang sông, uyển chuyển những đường cong vút mạnh mẽ dứt khoát.

Kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Nhà Vui: Né tránh đám đông

Với Nguyễn Thu Phong, tránh né tối đa các cuộc hội họp, hội thảo càng nhiều càng tốt là cách để lấy lại quân bình. “Cách cân bằng của tôi là né tránh đám đông”, anh nói. Một năm có hàng chục đến hàng trăm cuộc hội thảo, nhưng có bao nhiêu hội thảo có chất lượng thật sự. Anh cho rằng, doanh nhân không nên bị hút vào những hội nghị, hội thảo mang tính báo cáo vô bổ. Hoặc né tránh các cuộc gặp gỡ vui chơi bằng hữu. Một số người thường có thói quen tìm đến đám đông, gặp gỡ bạn bè để giảm áp lực công việc, với anh thì ngược lại. Nguyễn Thu Phong sợ đám đông: “Né tránh một cuộc chơi với bạn bè sẽ giúp mình có khoảng trống để lắng đọng nhiều thứ!”.

Kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Nhà Vui.
Kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Nhà Vui.

Công việc bận rộn, với những doanh nhân thành đạt khác, thường chọn một môn thể thao cho riêng mình. Chơi thể thao, không chỉ luyện tập giữ gìn sức khỏe mà còn là kênh giải trí thư giãn não bộ cho những người bận rộn. Song, tôi hơi bất ngờ khi nghe anh nói không chơi bất kỳ một môn thể thao nào. Vận động trong tư duy của anh là du lịch, một hình thức vừa vận động chân tay vừa vận động trí não toàn diện. “Thế giới biết bao cảnh đẹp kỳ thú mà mình còn không đủ thời gian tận hưởng nó. Tại sao không tranh thủ nghỉ ngơi để đi du lịch thư giãn với người thân?”, anh nói. 

Anh sẵn sàng đi du lịch bụi, không cầu kỳ trong chuyện ăn uống nhưng chỗ nghỉ ngơi phải tiện nghi, thoải mái và nơi đến phải thú vị. Anh nói anh yêu núi và thích biển. Với anh, núi và biển đều có sức hút ngang nhau. Nhưng muốn trôi bỏ những mệt mỏi căng thẳng, anh thích đến biển, bởi trước biển lòng người trở nên khoáng đạt và thênh thang…

Đặt câu hỏi, có bao giờ anh rơi vào tình trạng mất cân bằng, mất phương hướng và cảm thấy bất lực để vượt khó khăn chưa? Nguyễn Thu Phong chia sẻ từ nhỏ đến lớn chưa gặp những lúc phải căng thẳng đến mức bạc đầu. Biết rút ra khỏi đám đông để tìm những khoảng lặng cần thiết, thu nạp năng lượng để tái sáng tạo là phép quân bình trong cuộc sống của anh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, với anh, chừng đó thôi vẫn chưa đủ khi mà trong vai trò thủ lĩnh, cần phải có bản lĩnh của người cầm cương, đó là sự quyết đoán!

Nguyễn Thị Mỹ Dung, Giám đốc Điều hành Công ty Kính Nghệ thuật Art Glass: Đam mê lặn biển

“Khi còn bé, tôi rất thích được mẹ ôm vào lòng, được cha vuốt tóc. Nhà đông con, cha mẹ vất vả lo toan mưu sinh nuôi dưỡng bầy con đông nên 5 tuổi là tôi không còn được ôm nữa. Không được ôm, tôi cứ thấy mất cân bằng thế nào đấy trong tình cảm, nhưng tôi không biết chủ động ra sao cả. Trạng thái mất cân bằng đó tuy mơ hồ nhưng nó cứ theo tôi mãi đến sau này. Từ trải nghiệm tuổi thơ đó nên trong gia đình lúc này, tôi tâm niệm luôn giữ mình là chất kết dính giữa những người thân yêu. Tôi nghiệm ra rằng, muốn yêu thương, chia sẻ, chúng ta cũng cần phải “học”. Tôi giúp bọn trẻ biết bày tỏ cảm xúc, biết quan tâm, biết cho đi những điều nhỏ bé dung dị và bằng lòng khi được nhận lại”, những dòng tự bạch đầu tiên của Nguyễn Thị Mỹ Dung dành cho chúng tôi. 

Có lẽ vì thế mà Nguyễn Thị Mỹ Dung tự nhận mình giống như một “bà mẹ tổng quản”, lo toan mọi thứ từ công việc, tiền bạc đến kết nối họ hàng. Điều này trở thành những thứ khác nhau đan kết lại trong một tổng thể cân bằng. Chồng chị, một con người cảm xúc, nhưng lại rất ít bộc lộ ra ngoài. Chị kể, một lần anh đi công tác nước ngoài, từ sớm, mới chỉ 5 giờ sáng, chị thấy cô con gái nhỏ cứ đi lại trong phòng, muốn sang ôm bố mà không dám. Chị nói “con thích gì thì cứ vào nói với bố” và chị dắt con vào phòng. Bước ra đóng cửa lại, một lúc sau, chị thấy con chạy về phòng và ngủ rất ngon lành. Đến sinh nhật anh, con gái gửi tặng một tấm thiệp với lời nhắn: “Bố là thần tượng, là người đàn ông hấp dẫn nhất của con!”

Chị Mỹ Dung sinh 2 con cách nhau 10 tuổi. Chị từng lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi nuôi con. Con gái chị có lần gửi bức thư 5 trang khi mẹ có bé trai thứ 2 và nói rằng mẹ đã cho con quá nhiều vật chất, nhưng cái mà con cần là chia sẻ của mẹ. Đến đứa con thứ 2 thì chị thật sự… mất bình tĩnh, từ đó có những cư xử bất thường với con. Cách chị dạy con bị lệ thuộc quá nhiều vào sách vở. Nhiều lúc, tay thì cầm ly sữa cho con, tay thì cầm cuốn sách hướng dẫn. Phải đến tận khi cậu con trai bước vào tuổi đi học, lúc đó chị mới trở lại trạng thái cân bằng trong tình cảm.

Đóng nhiều vai một lúc, người vợ, người bạn, người đồng nghiệp, người sở hữu công ty… thỉnh thoảng, trong quá khứ có lúc chị phải nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà tâm lý. Sau khi tư vấn nhiều mà không có kết quả, nhà tâm lý hỏi chị: “Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời chị lúc này?”. Chị nói: “Tôi chợt nhận ra, đơn giản chỉ là mình cần bỏ bớt đi những gì không phải là chủ yếu, vậy là xong!”. 

 

Nhìn một khía cạnh khác, Giám đốc Art Glass, một công ty hàng đầu về kính nghệ thuật, rất thích du lịch, thích học hỏi và khám phá. Những nơi thường đến của chị là các trung tâm thương mại, nơi giúp chị có cái nhìn cởi mở về kinh tế và viện bảo tàng, bởi ngành kinh doanh của chị đậm nét văn hóa. Bảo tàng là nơi lưu dấu sự phát triển, biến đổi của nghệ thuật. “Đi nhiều, mở mang tầm nhìn, học hỏi cách sống, cách kinh doanh là một niềm hạnh phúc. Ra bên ngoài thế giới, nhìn đâu cũng thấy những cơ hội có thể ứng dụng, biến nó thành hiện thực”, chị chia sẻ. 

Chị Mỹ Dung cũng tự nhận mình là mọt sách. Chị nói: “Tôi có thể thức mấy đêm liền “chinh phục” đỉnh Everest không thua kém những vận động viên nổi tiếng thế giới bằng cách… đọc. Tôi có thể nói về Everest như đã từng leo núi, và rất có ích khi tôi chiêm nghiệm ra rằng, đã có người phải nằm lại mãi ở núi băng vì họ nhầm tưởng những người đồng hành, hướng dẫn viên là người sẽ bảo đảm sự an toàn của họ trong chuyến thám hiểm. Tôi cũng thường đọc cùng bọn trẻ "Dế Mèn Phiêu Lưu Ký", "Hoa Hồng Giấu Trong Cặp Sách" đến các sách về Putin, Clinton và Obama…”.

Nhưng người đàn bà lãng mạn này có một thú vui khá đặc biệt: lặn biển. Chị cho rằng, đó là một sự trải nghiệm tuyệt vời. Ngoài xã hội, trong công ty dù bạn có quyền lực đến đâu thì đứng trước biển, trong bộ quần áo lặn và bình hơi, con người chỉ là một cá thể rất nhỏ bé. Gửi lại trên tàu giá vàng, giá cổ phiếu, giá nguyên liệu tăng cao và tất cả những gì căng thẳng… chỉ còn sự tập trung thực hiện chính xác những thao tác kỹ thuật thở trong nước. Chân vịt điệu đàng lướt khéo qua những dãy san hô trong ý thức trở về với thiên nhiên. Trở về điểm xuất phát, chạm chân vịt lên những bậc thang trở lại tàu, xuất hiện trước những cặp mắt thán phục của bọn trẻ, chợt mơ màng tưởng mình là thành viên đội tàu không số lẫy lừng năm xưa. 

Đặng Thị Minh Phương, CEO Minh Phương Logistics, Chủ nhiệm Câu lạc bộ CEO: Cầu nối gia đình chung

Trước khi gặp Đặng Thị Minh Phương, tôi đã hỏi thăm vài người biết chị. Họ nhận xét “nữ hoàng logistics” có cá tính, mạnh mẽ, thậm chí là hơi “điên”. Nhưng qua cuộc trò chuyện với chị, dễ cảm nhận cái “điên” ấy là sự quyết đoán, nhiệt huyết cao trong công việc. Ở một khía cạnh khác, chị có cuộc sống sâu sắc và điềm đạm. 

Bà Đặng Thị Minh Phương, nhà sáng lâp kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Công ty MP Logistics.
Bà Đặng Thị Minh Phương, nhà sáng lâp kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Công ty MP Logistics.

Chị Minh Phương quan tâm con cái cũng như tỉ mỉ chăm lo cuộc sống riêng của mình. Chị bộc bạch: “Tôi yêu thương con nhưng không cầu toàn, không tạo cho con mình áp lực trở thành thiên tài. Tôi muốn chúng phát triển bình thường như những đứa trẻ khác!”. Chị kể một việc nhỏ rằng con chị viết tay trái và các giáo viên cũng không yêu cầu sửa lại, nên cách của chị là “tôn trọng ý kiến nhà chuyên môn”. Đặng Thị Minh Phương là chị lớn trong gia đình đông em. Khoảng cách tuổi tác giữa chị, các em và cha mẹ cách nhau khá xa. Chị bộc bạch: “Các em tôi còn rất trẻ, ba mẹ tôi lại rất lớn tuổi. Tôi phải đóng vai trò như cầu nối giữa họ, để mọi người hiểu nhau hơn. Tôi lấy điều này làm niềm vui cho cuộc sống của mình, và cũng để mang lại niềm vui cho những người mà tôi yêu thương”. 

Trông chị có vẻ như một người “nghiện việc”. Phòng làm việc của chị có đến 3 chiếc máy tính để bàn cộng với laptop chị luôn mang theo bên mình. Chị Minh Phương nói chị nghiện máy tính và có thể ngồi cả ngày với nó chỉ để xem thông tin đó đây và tìm tòi các ý tưởng mới. Chị cũng thích “sáng tác” ra nhiều ý tưởng kinh doanh trong nhiều ngành nghề khác nhau như một sở thích. “Tôi gọi đó là sở thích về các ý tưởng”, chị chia sẻ. Bên cạnh đó, chị cũng thích xem phim và đọc sách. Khi đề cập đến những khó khăn trước mắt mà Công ty sẽ đối mặt, nhà điều hành U40 này tỏ ra không chút lo lắng. Chị tự tin nói: “Có gì đâu, tôi luôn sẵn sàng để vượt qua tất cả!”. Khi tôi hỏi “Chị tự đánh giá thế nào về thương hiệu cá nhân của mình?” thì chị cười phá lên: “À, nhiều người biết tôi lắm, nên tôi có muốn làm gì đó không đúng lý cũng không được!”.