Doanh nhân nữ: Bao giờ sẽ hết cô đơn giữa thương trường?
Nhìn vào các nữ doanh nhân thành đạt trong xã hội, những tưởng họ có đủ cả tiền tài danh vọng thì sẽ có cả hạnh phúc. Thế nhưng, nữ doanh nhân thực sự là những người rất cô đơn.
Tâm lý này được bà Sherry Boger, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam, lý giải rằng nữ doanh nhân thường có ít thời gian và năng lực xây dựng mạng lưới quan hệ trong công việc so với đồng nghiệp nam. Trong những đợt thăng chức, các sếp nam thường chỉ đề bạt những người nằm trong mạng lưới quan hệ của họ (cũng là nam) để nắm giữ các vị trí chủ chốt trong cấp quản lý. Sự cô đơn này không chỉ đem đến thiệt thòi cho các nữ doanh nhân, mà các doanh nghiệp còn đang bỏ qua cơ hội lắng nghe ý kiến của đại diện 80% lực lượng quyết định mua hàng trong xã hội.
Một thống kê thú vị từ VCCI cho thấy, cứ 4 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì chỉ có 1 đơn vị do doanh nhân nữ làm chủ. Trong số các doanh nghiệp do nữ làm chủ đó, có 22% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 13,6% doanh nghiệp quy mô lớn.
Càng nhiều kinh nghiệm thương trường, các vị nữ tướng càng phải đối mặt nhiều hơn với sự cô đơn. Cũng theo bà Boger, trong 15 năm đầu của sự nghiệp, các doanh nhân nữ có tốc độ phát triển vượt bậc hơn nam giới. “Nhưng phong độ này sụt giảm rất mạnh ở những giai đoạn sau. Vì nữ giới phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, nhưng cũng có thể do họ đã thấm mệt trên chặng đường kinh doanh lắm chông gai”, bà nói.
Trong một diễn đàn dành cho nữ doanh nhân được tổ chức gần đây, lãnh đạo một công ty ngành mỹ phẩm cho biết bà cảm thấy chạnh lòng vì cơ chế quản lý thiếu đi những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp do nữ giới điều hành, dù các doanh nghiệp này thường ở những ngành thâm dụng lao động cao và chiếm tỉ trọng lớn trong ngành kinh tế như sản xuất thương mại, nông nghiệp, giáo dục, dệt may...
Theo Tiến sĩ Lê Quang Cảnh, chuyên gia tư vấn luật của dự án Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI), các quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp được nữ lãnh đạo đã có, nhưng còn chung chung. Ví dụ như trong quy định quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đề cập đến việc trợ giúp về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các quy định này không được ai biết đến, hoặc nếu có thì cách tiếp cận cũng không hề dễ dàng.
Xét trên khía cạnh tài chính, còn đó nhiều “bức tường kính” mà doanh nhân nữ khó vượt qua để bắt kịp nam giới. Các nữ doanh nhân thường phải đối mặt với sự nghi ngại khi cầm tiền nhà đầu tư kinh doanh. Thói quen xã hội khi chọn con trai là người thừa kế, đứng tên tài sản đã làm nhiều nữ doanh chủ chùn chân trong bước đầu khởi nghiệp. Rồi khi thành người điều hành công ty, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ mà các nữ doanh chủ sở hữu cũng ít nhiều làm họ gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Một trong những mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là đến năm 2020, tỉ lệ nữ chủ doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ đạt mức 35% trở lên. Con số này có thể sẽ thành hiện thực vì khả năng và bản lĩnh của doanh nhân nữ trong thời hội nhập không thể xem thường. Tuy vậy, khi chấp nhận gánh gồng một doanh nghiệp, áp lực có thể đánh gục cả những đấng mày râu, thì những doanh nhân nữ cùng lúc phải chấp nhận rằng sẽ cứ mãi... cô đơn.
Lan Anh