Lê Đình Hùng, nhà sáng lập thương hiệu trang sức Cửu Long Jewelry.

 
Thứ Hai | 01/08/2022 16:55

Doanh nhân Áo dài

Ông Lê Đình Hùng, không chỉ là một doanh nhân sáng lập thương hiệu trang sức Cửu Long Jewelry mà còn nổi tiếng là "người Việt cuồng áo dài".

Lê Đình Hùng, nhà sáng lập thương hiệu trang sức Cửu Long Jewelry, với biệt danh “Ông Tưng” mặc chiếc áo dài màu xám, không tỏ vẻ gì là nóng nực sau gần nửa giờ trên chuyến xe buýt từ quận 8, nhà anh, lên quận 1 (TP.HCM). Anh hẹn gặp tôi tại quán cà phê tĩnh lặng quen thuộc, ít người trong khách sạn Continental, góc đường Đồng Khởi, Lê Lợi, nơi anh thường lui tới vào mỗi buổi sáng. Anh mở chiếc laptop nhỏ xinh, khoe hình con, và những dòng trạng thái của mình trên Facebook. 

Râu ria rậm rạp, ánh mắt và nụ cười tươi rói, khiến những người chưa từng tiếp xúc với Lê Đình Hùng sẽ không thể nhận ra anh có một tuổi trẻ dữ dội và nghèo khó. Sống ở Thanh Hóa với nghề đào vàng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sau đó rong ruổi vào Sài Gòn với nghề bảo vệ, đi lên từ nghề làm bạc, sau đó có cơ hội trở thành một trong những doanh nhân “chơi trội” được nhắc đến trong ngành kim hoàn và trên mạng xã hội.

Ông Lê Đình Hùng - CEO Cửu Long Jewelry.
Ông Lê Đình Hùng - CEO Cửu Long Jewelry.

Từ khi trở thành doanh nhân, Lê Đình Hùng luôn tỏ ra là người tươm tất trong ăn mặc, trước kia, anh mặc vest mỗi ngày như một sở thích. Dần dần, anh chọn trang phục áo dài Việt Nam cách điệu và mặc nó trong phần lớn thời gian sinh hoạt và làm việc của mình. Những lời đồn đại về giới tính của anh cũng từ đó. 

Giới truyền thông và mạng xã hội từng đề cập đến vấn đề giới tính của anh, và anh không khẳng định, phản kháng hay chối bỏ. Vậy bây giờ, nếu tôi đặt lại câu hỏi này? 

Cuộc sống luôn có sự thay đổi. Dù nam hay nữ thì vẫn là kết nối yêu thương. Tình yêu là báu vật mà trời ban tặng cho con người, vậy thì tại sao tôi lại phải hờ hững với tình yêu mà người khác trao tặng cho mình.

Nhiều người cảm thấy kỳ lạ khi anh mặc áo dài Việt Nam cách điệu mỗi ngày. Và bây giờ thì đến con của anh?

Chẳng có gì kỳ lạ vì ai cũng biết áo dài là văn hóa thời trang của dân tộc đã trải qua 4.000 năm lịch sử. Ai thấy kỳ lạ hay chê bai thì có lẽ họ không phải là người Việt Nam rồi! (cười). Có lần, tôi tham gia một cuộc thi bình chọn phong cách doanh nhân và được tán dương là người số 1. Tôi vui nên mời bạn bè trên mạng xã hội, khoảng 30 người gì đấy, đi nhậu tại bờ kè Kênh Nhiêu Lộc. Trời nắng nóng, cả nhà mặc áo dài, tôi và con tôi, mồ hôi chảy ra như tắm. Mấy anh chị đi cùng nói cởi áo dài ra cho con chứ không tội nghiệp nó. Nghe thế tôi cởi ra cho cháu. Trời đất, thằng nhỏ khóc quá trời! Ở nhà có đủ cả các loại quần áo, nhưng cứ chuẩn bị đi chơi, ra đường là cậu bé đòi mặc áo dài.

Anh có muốn con theo sự nghiệp của mình?

 

Không. Tùy sự lựa chọn. Công ty tôi rồi sẽ đại chúng nên chuyện đó không là vấn đề với tôi. Cái tôi cần ở con mình không phải là nhân tài chói sáng mà là ở tấm lòng đối với mọi người.

Sau rất nhiều năm, anh vẫn trung thành với việc mặc áo dài, xài hàng bình dân Việt Nam và đi xe buýt mỗi ngày, trong khi thương hiệu Cửu Long Jewelry lại là cao cấp. Anh không thấy điều đó là kỳ quặc và không xứng tầm của một doanh nhân?

Tôi chẳng thấy điều gì lạ lùng cả, vì xe buýt là một phương tiện cho xã hội, phục vụ cho 85% loài người trên trái đất này kia mà! Dù tôi chưa thành công nhưng tôi tin thương hiệu của mình mang đậm tính nhân văn của dân tộc. Và tôi xài những gì mà xã hội đang xài, đúng công năng tốt nhất của nó, vậy thôi!

Từ khi mặc áo dài, công việc kinh doanh của anh có tiến triển tốt hơn không?

Rất, rất khó khăn là đằng khác! Nhưng tôi chấp nhận thử thách này và tôi tự hào với điều tôi lựa chọn. 

Anh có đếm mình đã mất và được bao nhiêu người bạn, đồng nghiệp, bạn hàng, đối tác khi anh quyết định mặc áo dài mỗi ngày?

Mất nhiều lắm, vô số kể. Hầu như toàn là những người danh giá và cao sang thôi. Nhưng không sao với tôi cả. Như tôi nói, tôi tự hào vì những gì mình đang làm.

Lúc nào thì anh không mặc áo dài?

Tôi mặc 16 tiếng mỗi ngày và 7 ngày trong tuần. Tôi cũng từng xuất hiện trên sân golf với áo dài. Thậm chí, tôi còn nghĩ áo dài làm tôn lên hình ảnh doanh nhân trên sân golf, sang trọng, lịch lãm hơn, cũng rất phù hợp với môn thể thao được xem là quý tộc này. Lúc không làm việc, lúc lang thang rong chơi khám phá cuộc sống thì có thể tôi không mặc áo dài.

Vợ anh có thích anh mặc áo dài không?

Cả nhà tôi ai cũng mặc. Nhưng tôi không ép. Tôi tôn trọng tự do cá nhân.

Anh nghĩ mình sẽ trung thành với chiếc áo dài được bao lâu? 

Khi con tôi mặc áo dài, đó là lời khẳng định không cần phải nói thêm. Tôi không mặc thì dân tộc này vẫn mặc.

Cho đến giờ, bộ sưu tập áo dài của anh như thế nào? 

Tôi đã có hơn 30 bộ áo dài, đủ kiểu, đủ màu. Nhưng chưa dừng lại ở đây, tôi vẫn nghĩ có thể sẽ phải tiếp tục hoàn thiện nó, làm sao cho đẹp hơn, hiện đại hơn, năng động hơn để phù hợp phong cách doanh nhân thời đại mới.

Anh nghĩ sao nếu có người cho rằng, việc đóng áo dài của anh là một sự chơi nổi, không bình thường?

À, đó là do người ta chưa kịp suy nghĩ theo lý trí mà hay nhìn sự việc theo cảm tính. Tôi thấy trang phục này dù trong thời đại nào cũng là có lý và bình thường cho người mặc nó. Áo dài mà, mộc mạc, giản dị, lại rất dân tộc!

Doanh nhân Lê Đình Hùng với phong cách thời trang
Doanh nhân Lê Đình Hùng với phong cách thời trang "không đụng hàng".

Anh chịu đựng thế nào khi mùa nắng oi bức và mùa mưa lầy lội trong chiếc áo dài của mình? 

Chẳng có gì phải chịu đựng cả! Thậm chí, nó còn rèn cho người mặc phải chú ý nhiều hơn trong cách đi đứng, làm việc sao cho đẹp, chuyên nghiệp hơn. Như vậy là tạo cho chúng ta sự tinh tế hơn trước mắt mọi người.

Doanh nhân là biểu tượng của sự năng động, trong khi chiếc áo dài lại có vẻ trang nghiêm, vậy văn hóa “áo dài doanh nhân” xem chừng khó mà có người ủng hộ trong xã hội bận rộn ngày nay?

Năng động nhưng không có nghĩa doanh nhân không cần có văn hóa. Tôi thích thể hiện nét văn hóa này. Tôi tin vào thời gian, chính nó sẽ làm cho nhiều người, nhiều doanh nhân hiểu ra giá trị văn hóa của áo dài và ủng hộ nó như tôi bây giờ.

Tại sao anh không chọn một cách thể hiện văn hóa khác dễ chấp nhận hơn mà lại chọn mặc áo dài cả ngày?

Vì đó là chính tôi, vì áo dài là biểu hiện của tình yêu, cuộc sống, văn hóa hiện diện từ mấy ngàn năm nay, mà tôi thì không đành lòng nhìn văn hóa đẹp như thế bị mai một!

Anh có thể mô tả hình tượng chiếc áo dài doanh nhân mà anh cho là vừa văn hóa, vừa năng động như tính cách của doanh nhân?

Người ta thường ví nền kinh tế phát triển của châu Á như con rồng. Rồng cũng là biểu hiện của sự sang trọng, quý phái. Áo dài nam giới nên được thiết kế với 2 vạt áo tung bay như thân rồng vươn lên cùng sóng gió, chất liệu vải dày, đứng áo để thể hiện uy nghi và lịch lãm của người thành đạt.

Tại sao anh lại chọn Sĩ Hoàng là nhà thiết kế các bộ trang phục áo dài cho mình?

Vì anh ta có nhiều năm sống, ăn, thở và trăn trở về áo dài.

Thường thì ít người thấy anh mặc bất kỳ một trang phục nào khác trừ veston trước kia và áo dài bây giờ…

Tôi vẫn yêu và quan tâm đến thời trang, vì bạn thấy đấy, nếu thế giới không có thời trang thì áo dài của tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa. Phải đa dạng và phong phú trong mọi kiểu thời trang thì áo dài mới có điều kiện so sánh và khẳng định.

Người thân có ủng hộ việc anh mặc áo dài? Anh có lo lắng mình mất bạn nếu họ cảm thấy là đang chơi với người “không giống ai”?

Lúc đầu họ không ủng hộ tôi. Nhưng giờ thì có lẽ họ đã và đang bị thuyết phục. Tôi tự tin để nói như thế!

Xin cám ơn anh!