Ảnh: TL.

 
Minh Nguyễn Thứ Ba | 09/11/2021 14:04

Doanh giới trong tầm nhìn 2045

25 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ làm gì để viết tiếp câu chuyện “cá chép hóa rồng”?

Dự án khảo sát 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) của Tạp chí NCĐT ra đời trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là khối doanh nghiệp niêm yết. Chẳng hạn, có 23 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE có giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD; tổng vốn hóa của họ chiếm gần 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE.

Tính đến cuối tháng 10, tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE đạt trên 115,46 tỉ cổ phiếu, giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,6 triệu tỉ đồng, tăng 9,08% so với tháng trước, đạt khoảng 89% GDP năm 2020.

Trên HOSE đã có 45 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, tăng 15% số lượng công ty so với tháng trước. Trong số đó, có 5 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD, bao gồm Tập đoàn Vingroup (mã VIC), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCB), Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tổng Công ty Cổ phần Khí Việt Nam (GAS).

Doanh nghiệp của các tỉ phú USD Việt Nam đều có tên trong danh sách Top 50, tham gia vào những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, trong đó có cả lĩnh vực công nghệ cao và bắt đầu thực hiện tham vọng toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, làm động lực thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên. Đặc biệt là rất thiếu những doanh nghiệp tư nhân lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp loại vừa chiếm hơn 2%, còn lại gần 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 gần như khó khả thi. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển hướng sang mục tiêu chất lượng doanh nghiệp, hay tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.

Để phát huy mạnh mẽ vai trò của kinh tế tư nhân, khối này cần nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là định hướng quan trọng của Chính phủ nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế và giữa các doanh nghiệp với nhau.

Muốn vậy, thị trường trong nước cần được tự do hóa, nâng cao mức độ an toàn và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính sách quốc gia cũng cần kích thích vai trò chủ động thông qua các công cụ hỗ trợ phát triển cho khối doanh chủ tư nhân, thay vì ưu ái tài nguyên, tài chính cho khu vực nhà nước và các xí nghiệp quốc doanh.

 

Muốn dân giàu, nước mạnh hơn, Việt Nam cần có thêm nhiều doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Chính phủ gần đây hướng về tầm nhìn đến năm 2045, có rất nhiều chủ doanh nghiệp trong danh sách Top 50 của Tạp chí NCĐT tham dự. Tại đây, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico và là Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air, cho rằng, để đạt được mục tiêu năm 2045, Chính phủ cần hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

 

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, chia sẻ giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Trong khi đó, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank, kiến nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia để phục vụ chiến lược kinh tế số...

Mỗi ý kiến đóng góp đều đại diện cho những trăn trở từ các doanh chủ tư nhân trước những rào cản khiến họ cho rằng doanh nghiệp chưa thể cất cánh bay cao hơn. Đó cũng là tiếng nói đại diện cho khát vọng làm giàu, khát vọng chinh phục những thị trường mới và khát vọng đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Bất kỳ quốc gia hùng mạnh nào cũng phải sở hữu lực lượng doanh nhân, các doanh nghiệp hàng đầu. Sức mạnh kinh tế và nội lực quốc gia sẽ quyết định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, an ninh đất nước và tiền đồ dân tộc.