Dịch vụ y tế “on demand”
Dịch vụ y tế là một trong các ngành hiếm hoi ở Việt Nam có thể tạo ra các startup kỳ lân (công ty công nghệ chưa lên sàn được định giá từ 1 tỉ USD trở lên). Dù khó chinh phục nhưng luôn có các tay chơi mới gia nhập thị trường, Jio Health cũng không ngoại lệ. Sau 2 năm nghiên cứu thị trường, giữa năm 2017, Jio Health (chủ sở hữu ứng dụng cùng tên) bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam.
Dịch vụ y tế theo nhu cầu
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Điều hành Jio Health Việt Nam, nền tảng Jio Health cho phép khách hàng có thể đặt lịch với bác sĩ thông qua ứng dụng di động theo nhu cầu khám bệnh trong khung giờ phục vụ (từ 8h đến 20h các ngày trong tuần). Ngược lại, các bác sĩ có thể theo dõi được bệnh án của người khám thông qua các dữ liệu được lưu trữ trong ứng dụng để theo dõi bệnh án chính xác hơn.
Theo thống kê từ tháng 6.2017, đã có hơn 50.000 người sử dụng tải ứng dụng và đăng ký khám bệnh thông qua Jio Health. Độ tuổi khách hàng của Công ty dao động từ 25-45 tuổi. Mức phí khám theo gói trọn năm do Công ty đưa ra hiện nay là 4 triệu người/năm và 9 triệu/năm cho gia đình 3 người.
Công ty ước tính chi tiêu cho dịch vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam vào khoảng 7 tỉ USD/năm. Khám chữa bệnh tại nhà được xếp vào lĩnh vực y tế dự phòng (không bao gồm dịch tễ, vắc-xin) ước chiếm khoảng 20-30%. “Tương đương độ lớn thị trường mà chúng tôi tham gia có quy mô khoảng 1,4 tỉ USD đến hơn 2 tỉ USD mỗi năm”, ông Nam nói.
Khá thú vị khi phiên bản gốc của Jio Health là phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án. Ý tưởng này bắt nguồn trong quá trình làm việc với đối tác công nghệ hiện tại của Công ty là Rai & Rohl Technologies. Rai & Rohl Technologies lúc đó là doanh nghiệp khá thành công ở Mỹ khi đưa ra dịch vụ cung cấp phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án cho các bệnh viện. Sau khi nghiên cứu và thăm dò thị trường các quốc gia Đông Nam Á, ông Nam chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm đầu tiên và bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Y tế là một trong số ít lĩnh vực ở Việt Nam có thể tạo ra các startup kỳ lân nhưng do quy định khắt khe của các cơ quan quản lý và thói quen khám chữa bệnh của người Việt Nam, đến nay các công ty công nghệ trong lĩnh vực này vẫn hoạt động phân mảnh.
Điển hình như Vicare, nhận đầu tư vòng hạt giống từ CyberAgent Ventures (nay là CyberAgent Capital của Nhật) và Pix Vine Capital (Singapore) từ năm 2016, định vị mình là nền tảng kết nối các cơ sở y tế, bác sĩ trên cả nước. eDoctor (thành lập năm 2014) tiền thân cũng là nền tảng kết nối thông tin, sau đó mở rộng thêm dịch vụ xét nghiệm tại nhà.
Theo ông Nam, có thể ví von Jio Health là phòng khám đa khoa, tích hợp dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật số (digital healthcare, bao gồm tư vấn từ xa, đặt lịch khám bệnh) và sở hữu nhà thuốc trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam.
Các bác sĩ hợp tác với Công ty theo hợp đồng bán thời gian, có bảo hiểm. “Chúng tôi không phải là đơn vị kết nối trung gian. Nếu xét riêng trong lĩnh vực digital healthcare, có thể nói chúng tôi đang sở hữu nhiều dịch vụ nhất”, ông Nam nói.
Cuộc đua đường dài
Việc định vị như vậy cũng khiến đường đi của Jio Health tại Việt Nam “đắt đỏ” hơn so với các hãng công nghệ khác. Chẳng hạn, lực lượng bác sĩ trực thuộc Jio Health được Công ty trả chi phí cao hơn so với mức lương trung bình của các bác sĩ tại bệnh viện công hiện nay.
Tuy nhiên, theo quan điểm của người điều hành Jio Health Việt Nam, đó lại là cơ hội và là rào cản gia nhập ngành cho các đơn vị đến sau. Bác sĩ là nghề nghiệp đặc thù vì đòi hỏi kỹ năng và giấy phép hành nghề. Thứ đến, bác sĩ là một ngành có thu nhập cao ở Việt Nam nên việc kêu gọi họ tham gia mạng lưới sẽ không dễ nếu không có quyền lợi rõ ràng.
Ông Nam thừa nhận rằng rất khó thuyết phục 100% bác sĩ có thâm niên nghề nghiệp tham gia. Công ty giải bài toán này bằng cách cân đối đội ngũ bác sĩ thâm niên và nhóm bác sĩ trẻ năng động, có ý thức phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khám chữa bệnh. “Khi một bác sĩ có trong tay dữ liệu khám bệnh liên tục của khách hàng, việc điều trị sẽ có độ chính xác cao hơn”, ông Nam nói.
Tính đến hiện tại, doanh thu của Jio Health đến từ các dịch vụ khám như phí khám, xét nghiệm, gói thành viên và việc bán thuốc. Không chia sẻ con số cụ thể, ông Nam thừa nhận chưa phải là thời điểm bàn đến việc hòa vốn vì Jio Health đang trong giai đoạn thu hút người sử dụng.
Còn quá sớm để xác định Jio Health sẽ đi xa đến đâu trên con đường trở thành kỳ lân. Chắc chắn sẽ còn nhiều doanh nghiệp công nghệ mới tham gia trong thời gian tới vì sức hấp dẫn của thị trường y tế dự phòng của Việt Nam. Tuy nhiên, việc dày công đầu tư trong thời gian qua cho thấy Jio Health đã chuẩn bị cho cuộc đua đường dài từ rất sớm.